Nike đối mặt với cáo buộc bóc lột công nhân

15/07/2011 11:20 GMT+7

Công nhân ở Indonesia, những người làm ra những đôi giày thể thao Converse, tố cáo các quản đốc của hãng này ném giày vào họ, tát tai họ, gọi họ là chó và heo. Xìcăngđan bóc lột, hành hạ công nhân vẫn đang ám ảnh hãng giày danh tiếng Nike.

Công ty Pou Chen do Đài Loan đầu tư ở Sukabumi, cách Jakarta khoảng 100km, bắt đầu gia công giày Converse từ năm 2007, bốn năm sau khi Nike mua lại thương hiệu này. Một công nhân của Công ty Pou Chen nói năm ngoái cô bị quản đốc đá vì phạm lỗi khi cắt miếng cao su làm đế giày. Nhiều công nhân khác đồng ý trả lời phỏng vấn với điều kiện được giữ kín danh tánh vì sợ bị trả thù. “Chúng tôi không có quyền - một nữ công nhân nói - Lựa chọn của chúng tôi là ở lại và nhẫn nhục hoặc là lên tiếng và bị sa thải”.

Có khoảng 10.000 nữ công nhân đang làm việc tại Công ty Pou Chen. Họ kiếm được khoảng 50 cent Mỹ (khoảng 10.000 đồng) mỗi giờ làm việc, đủ để mua thức ăn, phòng trọ tập thể và còn lại rất ít cho những chi tiêu khác. Tính ra nếu một công nhân mỗi ngày làm 10 giờ liên tục trong 30 ngày không nghỉ, họ kiếm được khoảng 3 triệu đồng. Trong các cuộc phỏng vấn cách đây 3-4 tháng do Hãng tin AP thực hiện, một số công nhân cho biết họ bị đánh, cào vào cánh tay, có trường hợp bị đánh đến bật máu, một số người bị đuổi việc sau khi khiếu nại sự việc.

 

Công nhân tuần hành và yêu cầu cải thiện điều kiện lao động ở Jakarta, Indonesia trong Ngày quốc tế lao động 1-5-2011 - Ảnh: annavr91.blogspot.com 

“Họ ném giày và các thứ khác vào chúng tôi - một nữ công nhân 23 tuổi làm ở bộ phận thêu nói - Họ càm ràm và trút giận lên chúng tôi mỗi khi bực bội. Chuyện đó xảy ra như cơm bữa”. Mira Agustina, 30 tuổi, cho biết cô bị đuổi việc năm 2009 vì nghỉ ốm cho dù có giấy xác nhận của bác sĩ. “Đó là một công việc kinh khủng - cô nói - Người quản lý giơ chân về phía chúng tôi, gọi chúng tôi rất miệt thị là chó, heo..., những hành động vô cùng xúc phạm đến người Hồi giáo”.

Còn tại Công ty giày PT Amara nằm không xa trung tâm Jakarta, nơi có một nhà máy Đài Loan đầu tư sản xuất giày Converse khác, một nữ quản đốc phạt sáu nữ công nhân đứng dưới nắng vì họ không đạt được chỉ tiêu làm 60 đôi giày trong thời gian quy định. “Họ đều khóc và chỉ được trở lại làm việc sau hai giờ phơi nắng” - Ujang Suhendi, 47 tuổi, làm việc ở bộ phận kho tại nhà máy, cho biết. Bà đốc công đã bị cảnh cáo sau khi công nhân tố cáo họ bị hành hạ.

Mức lương tối thiểu cho công nhân làm việc ở Jakarta năm 2011 là 130 USD/tháng, tăng 15,38% so với lương tối thiểu năm 2010. Tùy theo xếp loại đô thị, mức lương tối thiểu ở Indonesia dao động từ 70-150 USD/tháng, theo Jakartaupdate.com.

Nike từng bị chỉ trích dữ dội hơn 10 năm trước vì sử dụng lao động trẻ em và trả tiền lương rẻ mạt cho công nhân, trong khi họ bán giày hàng hiệu với giá từ vài chục đến hàng trăm USD/đôi. Càng đáng chê trách hơn khi hãng này trả công cho những ngôi sao thể thao đại diện cho sản phẩm như Tiger Woods hàng trăm triệu USD cho một hợp đồng quảng cáo, và số tiền này còn có thể tăng lên phụ thuộc vào doanh số bán hàng.

Bị tẩy chay, sau đó Nike khẳng định sẽ cải thiện điều kiện làm việc tại 1.000 nhà máy của hãng ở khắp thế giới. Nike đưa ra khẩu hiệu “Một thế giới tốt hơn” với việc mang lợi ích quay về với cộng đồng và đảm bảo cải thiện đời sống công nhân. Thế nhưng, những tiêu chuẩn mới đang được áp dụng ở các nhà máy sản xuất ra những đôi giày gắn logo Nike lại chưa được áp dụng ở các nhà máy sản xuất giày Converse, cũng thuộc các công ty do Nike quản lý.

Điều tra của chính Nike ghi nhận công nhân bị bạc đãi về thể chất và tinh thần “nghiêm trọng và nặng nề”, trong đó có hình phạt phơi nắng - bà Hannah Jones, giám đốc của Hãng Nike, nói sau khi đi giám sát điều kiện làm việc của công nhân. Báo cáo nội bộ của Nike về tình trạng ngược đãi công nhân cho thấy gần 2/3 trong tổng số 168 nhà máy sản xuất giày Converse toàn cầu không đạt các tiêu chuẩn về đối xử với công nhân của công ty mẹ. 12 nhà máy không cho các thanh tra của Nike vào điều tra. 97 nhà máy không có cải thiện nào trong các vấn đề tồn tại như mắng chửi công nhân và trả lương thấp hơn lương tối thiểu.

Vấn đề nằm ở chỗ các nhà máy có giấy phép sản xuất sản phẩm Converse còn hiệu lực không chịu áp dụng các chuẩn làm việc của Nike và công ty mẹ không can thiệp được. Các giấy phép sản xuất sau đó thường được bán lại cho những nhà thầu phụ càng khiến Nike khó quản lý.

Gia công hàng ở các nước có chi phí nhân công rẻ để hạ giá thành đã bị chỉ trích nặng nề, nhưng để đối phó, nhiều công ty chỉ đơn giản di chuyển nhà máy đến những nơi xa hơn để khỏi bị xã hội giám sát.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.