Con cá mập sọc trắng cắn câu của ngư dân - Ảnh: Trần Thị Duyên |
Dồn sức kéo khoảng 1/3 giàn câu, mọi người khấp khởi mừng khi thấy một con cá mập sọc trắng nặng khoảng 40 kg đã cắn câu. Lưỡi câu móc chặt vào khóe ngàm. Con cá dữ càng cố vùng vẫy thoát thân, máu càng lúc càng tóe nơi khóe miệng. Nó chỉ chịu “buông xuôi” khi lão ngư Lê Văn Ba phụp mạnh cần câu táp chuyên trị cá mập cỡ lớn bằng sắt to như ngón tay út thọc sâu vào yết hầu.
Cao thủ ra tay
Ông Ba quê ở làng biển Tân Phụng, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ (Bình Định), là một tay săn cá mập lão luyện với tuổi nghề gần 50 năm qua. Ông Ba với 3 đồng nghiệp cùng quê là Nguyễn Đình Bảo, Nguyễn Hữu Lộc và Nguyễn Hữu Lợi được Viện Hải dương học “chọn mặt gửi vàng” để cùng cán bộ của Viện tổ chức khảo sát, câu cá mập trên vùng biển Quy Nhơn phục vụ công trình nghiên cứu khoa học.
Từ đầu năm 2010, cá mập “bỗng nhiên” xuất hiện ở biển Quy Nhơn, tấn công người tắm biển khiến cơ quan chức năng và người dân lo lắng. Nhiều ngư dân đi biển trước đó từng bắt được cá mập ở vùng biển này nhưng khu vực cá mập thường xuất hiện khá xa bờ. Cá mập tiến sát vào bãi tắm có lúc chỉ cách bờ chừng hơn 10 mét được cho là một hiện tượng lạ và đến nay vẫn chưa lý giải được nguyên nhân. Tỉnh đã phải treo thưởng bằng tiền nếu ngư dân bắt được cá mập.
Khi ấy nhiều người đổ xô đi săn bắt nhưng đều tay không trở về. Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thuê hẳn một lực lượng săn lùng, sử dụng giàn câu và cả lưới giã cào suốt mấy tuần liền nhưng cũng không tóm được con nào. Nghe đâu một số người ở TP.HCM ra Quy Nhơn tự thuê tàu cá của ngư dân, mua mồi tổ chức câu ở vịnh biển. Họ còn mua huyết bò đổ khắp khu vực giăng câu nhằm tạo mùi tanh dẫn dụ cá mập, nhưng loài cá dữ này vẫn biệt tăm. Cho đến ngày những khắc tinh của cá mập ở Tân Phụng xuất chiêu.
Thuyền câu cá mập rời bãi tắm ra khơi vào giữa chiều. Khi lướt qua những lườn sóng lớn, mạn thuyền chở đoàn khảo sát tròng trành qua lại chỉ cách mớm nước chừng hơn một gang tay. Vì lý do an toàn nên chúng tôi không được lên thuyền này mà phải thuê một chiếc khác “tháp tùng” theo đoàn. Với số tiền hạn hẹp, chiếc thuyền chúng tôi đang đi cũng lắc lư không kém dù biển khá êm. Chỉ mình tôi lo sợ trong khi mọi người đều rất bình thản. Có lẽ họ đã quen với kiểu ra khơi phiêu phỏng như thế. Khi mục sở thị quá trình giăng câu trên biển, tôi mới hiểu vì sao đi săn cá mập lại sử dụng thuyền nhỏ. Dù rất nguy hiểm vì chỉ cần đụng phải con cá mập lớn thì có nguy cơ bị hất chìm xuống đáy biển, nhưng thuyền nhỏ lại cơ động, dễ dàng hơn khi xoay chuyển và đặc biệt là không bị mắc cuốn giàn câu vào thân thuyền.
Lưỡi câu móc sâu vào khóe ngàm cá mập - Ảnh: Trần Thị Duyên |
Hiểm nguy rình rập
Trong tuần vừa qua, các ngư dân đã câu được 2 con cá mập sọc trắng (tên khoa học Carcharhinus amblyrhynchoides) tại biển Quy Nhơn. Con đầu tiên nặng 37,5 kg, chiều dài 178 cm, vòm miệng rộng 16,5 cm; con còn lại là cá mập con có chiều dài toàn thân 98 cm, chu vi vòng bụng 45 cm, chỉ nặng 6,5 kg, đều được bảo quản nguyên dạng để phục vụ nghiên cứu khoa học. |
Giàn câu của ông Ba trên biển Quy Nhơn gắn 135 lưỡi câu được độ chế rất chắc chắn với nhiều vòng quấn thêm bằng inox dẻo, có thể câu được cá mập nặng gần 1 tấn. Mỗi lưỡi móc cách xa nhau 20 sải tay, đầu cuối giàn câu gắn 2 cục đá nặng khoảng 30 kg để cố định vị trí trên biển. Giăng hết giàn câu này mất gần 2 giờ đồng hồ. Dưới sự giám sát của các cán bộ Viện Hải dương học, 4 ngư dân trong nhóm ông Ba tác chiến mỗi người một việc. Trông ai cũng thao tác rất điệu nghệ.
Ngư dân Nguyễn Đình Bảo là người đảm trách phần việc quan trọng nhất: gắn mồi và điều chỉnh thẻo câu (độ dài sợi dây cước gắn từ giàn câu chính đến lưỡi câu). “Nếu gắn mồi không chuẩn và thả thẻo câu không đúng tầng nước thì dù giăng bao nhiêu lưỡi câu cũng thành công cốc mà thôi. Thẻo câu dài hay ngắn tùy vào độ nông sâu, luồng chảy của biển. Thả sâu xuống đáy hoặc lấp lửng gần trên mặt nước thì mồi câu sẽ bị các loài cá khác rỉa sạch trơn, chứ không đời nào câu được cá mập”, ông Bảo tiết lộ.
Cá mập là loài ăn tạp. Nhiều loại tôm cá nhỏ cùng sống trong môi trường tự nhiên nó đều xơi tất, nhưng nếu là mồi câu thì lại rất kén chọn. Phải là mồi tươi phát ra mùi thơm và thân mồi màu sáng mới hy vọng lừa được cá mập đớp mồi. Không chỉ cần biết cách sử dụng mồi ngon mà thời điểm giăng câu làm sao bắt được cá cũng cực kỳ quan trọng. Ông Ba lý giải: “Cá mập rất tinh khôn. Mình phải làm sao để nó không nhận ra được giàn câu với những sợi cước to. Vì nếu nhận ra thì chẳng bao giờ nó đếm xỉa đến mồi câu. Do vậy vùng biển nước trong hoặc mùa biển êm thường thả câu vào ban đêm. Thả câu ban ngày chỉ phù hợp với vùng biển nước đục hoặc biển động mạnh mới mong đánh lừa được cá mập”.
Trong một chuyến khảo sát cũng trên vùng biển Quy Nhơn, giàn câu của ông Ba đã bị đứt một đoạn 15 lưỡi. Với kinh nghiệm thâm niên trong nghề, khi nhìn vào vết đứt ông Ba nhận định rất có thể “thủ phạm” là một con cá mập cỡ bự. Những sát thủ cá mập vì thế vẫn đang còn giong thuyền tròng trành giăng câu mỗi đêm.
Ngư dân Nguyễn Đình Bảo quăng mồi câu xuống biển - ảnh: Đình Phú |
Đình Phú
Bình luận (0)