Thế lực chính trị của "ông trùm" Murdoch bị lu mờ

17/07/2011 15:40 GMT+7

(TNO) Nhiều sự kiện quanh vụ bê bối nghe lén bị phanh phui gần đây của tờ News of the World đang làm lu mờ thế lực của ông trùm truyền thông người Mỹ Rupert Murdoch.

>> Đế chế truyền thông của Rupert Murdoch tiếp tục lung lay

Đế chế truyền thông đồ sộ

Đế chế truyền thông của tỉ phú Murdoch ngự trị gần như khắp thế giới với trị giá khoảng 60 tỉ USD.

"Những tờ báo ở Anh của ông Murdoch đều có dính líu đến chính trị một cách trực tiếp hơn bất kỳ những gì mà ông ấy sở hữu ở Mỹ", Michael Wolff, Tổng biên tập của tạp chí Adweek và tác giả của cuốn sách nói về Murdoch mang tên "The Man Who Owns the News" (tạm dịch: Người sở hữu tin tức), nhận định.

Ông này nhấn mạnh rằng Murdoch có thế lực to lớn trong đời sống chính trị ở Anh.

 
Đế chế truyền thông của Murdoch trải rộng gần như khắp thế giới - Ảnh: AFP

Theo AP, trong nhiều thập niên qua, Murdoch là một trong những thế lực bên ngoài có tầm ảnh hưởng bậc nhất đối với chính trường Anh. Bằng chứng là ông thường được mệnh danh là “thành viên nội các suốt đời” của nước này.

Tỉ phú 80 tuổi này bắt đầu thiết lập quyền lực của mình ở Anh vào những năm 1980, khi Thủ tướng đảng bảo thủ Margaret Thatcher cho phép Murdoch gộp tờ The TimesThe Sunday Times vào khối tài sản truyền thông đồ sộ của ông, trong đó có The SunNews of the World.

Để đáp lại sự ưu ái của nữ Thủ tướng Anh, ông Murdoch đã dùng sức mạnh truyền thông của mình qua các tờ báo trên để ủng hộ mạnh mẽ các chính sách bảo thủ của bà ta, theo AP.

Sau đó, Murdoch vẫn tiếp tục có những mối liên hệ với những nhà lãnh đạo Anh sau khi bà Thatcher rời ghế Thủ tướng, trong đó có ông Tony Blair, Thủ tướng của nước Anh từ năm 1997 đến 2007.

 
Nhờ sở hữu sức mạnh truyền thông, Murdoch trở thành người có quyền lực và tầm ảnh hưởng sâu trong chính trường nhiều nước - Ảnh: AFP

Ông Blair đã gọi điện thoại cho Murdoch nhiều lần trước khi đưa quân sang tham chiến tại Iraq năm 2003. Và cuộc chiến này đã nhận được sự ủng hộ của các tờ báo thuộc sở hữu của nhà Murdoch trên khắp thế giới.

Sau đó, người kế vị của ông Blair là Thủ tướng Gordon Brown, lúc đầu cố chống lại sức ảnh hưởng của Murdoch. Nhưng sau đó, ông Brown cũng đã phải hạ cố đến dự lễ cưới của Giám đốc điều hành công ty News International, “thuộc cấp” tín cẩn của Murdoch.

Ông Murdoch cũng đã thăm đương kim Thủ tướng Anh David Cameron không lâu sau khi ông này lên nắm quyền hồi tháng 5.2010. Đó là cuộc gặp chính thức duy nhất mà ông Cameron tổ chức ở văn phòng Thủ tướng ở phố Downing bên cạnh các cuộc gặp lãnh đạo các nước khác trong tháng 5.

Tuy nhiên, giữa hai nhân vật này đã xuất hiện khoảng cách trong thời gian gần đây từ khi cựu giám đốc truyền thông của Thủ tướng Cameron, nguyên Tổng biên tập tuần báo News of the World bị bắt do dính líu đến vụ bê bối nghe lén.

Ở Úc, ông Murdoch cũng có tầm ảnh hưởng chính trị như cha mình, nhà báo Keith Arthur Murdoch. Rupert Murdoch trở thành nhân vật chính trị nổi bật ở Úc năm 1964, khi ông thành lập tờ The Australian.

Ngày nay, tập đoàn News Corporation của Murdoch chiếm 70% lượng độc giả tin tức tại Úc.

 
Tổng biên tập của tờ báo lá cải hàng đầu nước Anh News of the World cầm số báo cuối cùng ra ngày 10.7, với dòng tít "cáo chung": Cảm ơn và tạm biệt  - Ảnh: AFP

“Ông ấy có những mối quan hệ thân thiết với nhiều nhân vật cao cấp trong vòng 30 năm qua”, David McKnight, tác giả cuốn “Rupert Murdoch: Political Crusader" (tạm dịch: Rupert Murdoch: Hiệp sĩ thập tự chinh chính trị) và là giáo sư thỉnh giảng tại khoa báo chí trường ĐH New South Wales (Úc) nhận định về ông trùm truyền thông.

“Tôi không biết bất kỳ quốc gia nào trên thế giới lại có một doanh nhân sở hữu tầm ảnh hưởng và mức độ xâm nhập (chính trị) phi thường như thế”, ông David nói thêm với AP.

Ngoài ra, Murdoch còn có những mối quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo chính trị của Mỹ, nơi mà ông là người dân nhập tịch. Ở Mỹ, Murdoch sở hữu kênh Fox News Channel và tờ New York Post, đặc biệt là tờ The Wall Street Journal, tờ báo mà những bài xã luận của nó có tiếng nói bảo thủ đầy uy lực.

Còn ở Ý, nhà Murdoch tạo ra một thế lực truyền thông có sức mạnh đối trọng với đế chế truyền thông của Thủ tướng nước này là ông Silvio Berlusconi.

Tại đất nước đông dân nhất hành tinh Trung Quốc, ông trùm truyền thông 80 tuổi cũng tạo được chỗ đứng lợi thế cho đế chế truyền thông của mình.

Thế lực chính trị bị thu hẹp

Vụ bê bối nghe lén điện thoại của tuần báo News of the World mà Murdoch vừa cho đình bản sau ngày 10.7 đang làm người Anh "sôi máu", và điều này khiến tầm ảnh hưởng chính trị vốn rất sáng chói của ông trở nên lu mờ.

Vai trò chính trị ngoại hạng của tỉ phú Murdoch ở Anh chắc chắn sẽ sụt giảm giữa lúc xuất hiện các chứng cứ về hành động nghe lén điện thoại trái phép cũng như hành vi hối lộ cảnh sát của tờ báo mà ông sở hữu, AP bình luận.

 
Ông Murdoch đã cho đăng những lời xin lỗi trên các tờ báo tại Anh hôm 16.7 - Ảnh: AFP

Thật khó biết những gì sẽ xảy ra ở Úc. Nhưng sự ràng buộc chính trị của ông trùm truyền thông ở Mỹ và những nơi khác cũng đang trở nên ít sâu sắc hơn và khó có thể cải thiện trong thời gian tới khi mà các vụ lùm xùm của tờ báo "lá cải" hàng đầu thế giới đang lớn dần lên.

AP viết, vụ tai tiếng nghe lén điện thoại của News of the World đã giúp các nhà lập pháp của Anh cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau một thời gian dài họ sống trong nỗi sợ quyền lực của ông trùm truyền thông Murdoch.

Các nhà lập pháp Anh đã ra lệnh triệu tập ông Murdoch và con trai của ông là James tới cuộc điều trần của Ủy ban quốc hội Anh về vụ nghe lén.

Tại Mỹ, Cục điều tra liên bang (FBI) đã bắt đầu mở cuộc điều tra sơ bộ căn cứ trên những quan ngại của quốc hội sau khi có tin nói tập đoàn News Corp của ông Murdoch đã cố tìm cách nghe lén điện thoại của các nạn nhân trong thảm họa khủng bố 11.9.

 
Sự ra đi của bà Rebekah Brooks, "thuộc cấp tín cẩn" của Murdoch càng làm cho đế chế của ông thêm nghiêng ngả - Ảnh: AFP

Chưa dừng lại ở đó, đêm 15.7, ông Les Hinton, Giám đốc điều hành Công ty Dow Jones (thuộc tập đoàn News Corporation của Murdoch), đã từ chức vì có liên quan đến vụ bê bối nghe lén điện thoại của tờ báo News of the World.

Ngoài ra, Giám đốc điều hành News International là Rebekah Brooks cũng đệ đơn từ chức vào cùng ngày với nguyên nhân tương tự. Bà Brooks từng là lãnh đạo tờ News of the World từ năm 2000 - 2003.

Hai sự kiện này càng góp phần làm đế chế truyền thông của tỉ phú 80 tuổi lung lay và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lực trên chính trường của ông.

Trí Quang
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.