Cựu phóng viên News of the World "kể tội" sếp

18/07/2011 17:39 GMT+7

Đó là nơi mà sau khi bước ra, bạn sẽ không bao giờ muốn quay lại", đây là cách mà một cựu nhà báo của News of the World nói về bộ phận tin tức của tờ báo này dưới thời bà Rebekah Brooks làm tổng biên tập, theo Reuters.

Brooks, người phụ nữ có mái tóc xoăn màu hung sáng, ngời vẻ mạnh mẽ và tham vọng, làm lãnh đạo News of the World từ năm 2000 đến năm 2003.

Những phóng viên làm việc cho tờ báo trong thời điểm trên mô tả rằng hoạt động thu thập thông tin mơ hồ tại đó được làm theo kiểu công nghiệp hóa.

Ngoài ra, cánh phóng viên dưới áp lực vô cùng lớn đều phải cố gắng săn lùng cho được những tin độc bằng bất cứ giá nào. Và ở đó còn có cả văn hóa đấu đá nội bộ dữ tợn, hiểm ác và cay độc.

 
Tờ News of the World ra số báo cuối cùng hôm 10.7 - Ảnh: AFP

"Chúng tôi nói với nhau về tội lỗi nghề nghiệp suốt", một cựu phóng viên khác của tờ tuần báo lá cải có lịch sử 168 năm của nước Anh cho biết.

Tờ báo này ra số cuối vào ngày 10.7 vừa qua sau các cáo buộc nghe lén điện thoại để săn tin độc trong thời gian dài bị phanh phui.  

4 cựu phóng viên của News of the World kể với Reuters rằng sự phủ nhận hành vi nghe lén điện thoại của bà Brooks tuyệt đối không đáng tin.

Họ bảo những người phụ trách mảng tin tức sự kiện luôn bị bà Brooks lẫn người kế nhiệm sau đó là ông Andy Coulson, truy hỏi về các đề tài nổi bật.

 
Cựu phóng viên News of the World nói bà Brooks thường "truy" các nhân viên phụ trách tin tức hàng giờ mỗi ngày - Ảnh: AFP


"Bọn họ luôn bước vào và hạch hỏi cả hai tiếng đồng hồ mỗi ngày. Và đó là cách hình thành tất cả những bài báo", một trong bốn cựu phóng viên, từng làm việc suốt 7 năm tại tờ báo News of the World kể lại.

Một phóng viên khác nói: "Ở đó không có chỗ cho phóng viên nào hét to lên rằng: "Đề tài này không phù hợp với nguyên tắc đạo đức của tôi". Nếu làm vậy, anh sẽ biến mình thành thằng hề".

Một cựu phóng viên nữa của News of the World thì ta thán về cách làm việc khó hiểu từ giới lãnh đạo của tờ này: "Họ sẽ cử bạn ra ngoài đi làm mà không nói rõ làm gì. Đại loại như là: hãy ra gặp một người đàn ông. Đừng hỏi tên anh ta và dù gì đi nữa thì cũng không được nổi nóng. Cứ lấy lời phát biểu của anh ta rồi ra về".

Người này bổ sung thêm rằng, các phóng viên đừng hòng nhờ đến thám tử tư để tác nghiệp trừ phi họ có được những đề tài thật hứa hẹn. 

Phương pháp lấy tin của tờ News of the World bắt đầu bị nghi ngờ khi báo này cho đăng bài viết về chấn thương đầu gối của Hoàng tử William hồi năm 2005.

 
Những lời xin lỗi muộn màng của đế chế truyền thông nhà Murdoch trên các báo ở Anh hôm 16.7 - Ảnh: AFP



Lúc đó, dư luận cho rằng các tin nhắn trong hộp thư thoại của những người hầu cận Hoàng tử đã bị nghe lén. Và hoàng gia đã tố giác việc này với cảnh sát.  

Hơn 1 năm sau, biên tập viên Clive Goodman phụ trách mảng hoàng gia của News of the World và thám tử tư Glenn Mulcaire đã bị tống giam 6 tháng vì tội xâm nhập tin nhắn điện thoại.

Còn tổng biên tập lúc bấy giờ là Andy Coulson cũng từ chức ngay lập tức dù cũng giống như bà Brooks, ông nói không hề biết gì về vụ nghe lén điện thoại.

Và cho tới gần đây, News of the World cũng tiếp tục khẳng định vụ nghe lén điện thoại chỉ do một mình biên tập viên Clive Goodman dàn dựng mà thôi.

Bình luận về điều này, những cựu phóng viên của tờ báo nói thật khó tin, bởi những chi phí trang trải cho các dịch vụ nghe lén không dễ bị bỏ qua dưới sự kiểm soát tài chính vốn hết sức chặt chẽ của tờ báo, đó là chưa kể khâu kiểm duyệt nội dung.

"Thật khó hiểu nếu như một người làm tổng biên tập mà lại không nắm được chuyện đó", một trong các cựu nhà báo của News of the World nói với Reuters.

Trí Quang

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.