Đoạn sông đặc vỏ trấu

18/07/2011 18:58 GMT+7

Từ bao đời nay, cư dân hai thôn An Thơ và Hưng Nhơn (xã Hải Hòa, H. Hải Lăng, Quảng Trị) dùng nước sông Ô Lâu để nấu nướng, tắm giặt. Tuy nhiên, gần đây nguồn nước đó đã bị ô nhiễm trầm trọng vì các cơ sở xay xát gạo.

Có mặt tại thôn An Thơ vào sáng 16.7, chúng tôi được nhiều người dân dẫn xuống mép sông và chỉ cho thấy tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Quả nhiên, trên bề mặt sông một lớp vỏ trấu nổi lềnh bềnh, kết thành những mảng lớn. Theo người dân thì đó cũng chỉ là “bề nổi” còn đa số vỏ trấu đã ngấm nước và chìm dưới lòng sông, chỉ cần lấy sào khuấy xuống sâu hoặc có đò chạy qua, vỏ trấu “trồi lên” dày đặc. Ông Nguyễn Công Ký (60 tuổi, thôn An Thơ) cho biết: “Chỉ riêng đoạn sông ngắn này đã có 3 cơ sở xay xát gạo sát bờ sông (2 cái nằm ở địa phận  thôn Vĩnh An, xã Phong Bình, H. Phong Điền, Thừa Thiên Huế và 1 cái thuộc địa phận xã Hải Hòa). Các cơ sở này xem sông Ô Lâu như cái hố rác của nhà mình, thản nhiên đổ vỏ trấu xuống sông…”. 

“Thời gian hoạt động mạnh nhất của các cơ sở này là từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm. Vỏ trấu ngâm nước lâu ngày bốc mùi hôi thối làm chúng tôi chịu hết nổi”, một người dân thôn Hưng Nhơn trần tình.

Ông Cái Văn Minh, trưởng thôn An Thơ nói: “358 hộ dân của thôn chúng tôi chưa có nước sạch để dùng nên sông Ô Lâu là nguồn nước duy nhất. Giờ vỏ trấu chìm nổi khắp sông cộng thêm hàng đống rác thải các loại, chúng tôi vẫn cắn răng nhảy xuống đó mà tắm rồi lại nhắm mắt gánh nước lên để uống”. Trao đổi với Thanh Niên, ông Võ Quốc Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Hải Hòa, cho biết: “ Việc xả vỏ trấu của các cơ sở xay xát đã làm hơn 2 km sông Ô Lâu đi qua địa bàn ô nhiễm nặng. Xã đã nhiều lần cầu cứu khắp nơi nhưng chưa được ai can thiệp xử lý. Bị xử phạt hành chính các cơ sở này có ngưng bớt nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy. Trong khi đây là địa bàn giáp ranh của 2 tỉnh nên mọi động tác xử lý đều rất khó khăn…”.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.