Ngày 18.7, tại TP Nam Định đã diễn ra hội thảo Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần 2012 do UBND tỉnh Nam Định, Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định và Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức.
Tại hội thảo, Viện Văn hóa nghệ thuật đã đưa ra bản dự thảo lần thứ 3 Đề án Tổ chức lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012. Theo đó, có hai phương án về việc tổ chức lễ khai, phát ấn đền Trần. Một là, không tổ chức phát ấn, chỉ khai ấn. Hai là, khai ấn như thường lệ, phát ấn vào ngày hôm sau và kéo dài trong 2 ngày, hoặc 3 ngày trên cơ sở thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường. Nhiều người dân địa phương, các nhà nghiên cứu, quản lý đã cùng tham gia đóng góp ý kiến xung quanh việc khai, phát ấn.
PGS-TS Đặng Văn Bài (nguyên Cục trưởng Cục Di sản) cho rằng tín ngưỡng dân gian phụ thuộc vào chủ thể sáng tạo ra nó. Việc xin ấn cho thấy nhu cầu tâm linh, nguyện vọng của người dân, nếu không trái với đạo lý, luật pháp thì không nên cấm. Còn theo TS Lê Thị Minh Lý (Cục phó Cục Di sản) thì có thể việc phát ấn đại trà chỉ nở rộ trong vài năm nay nhưng đã được cộng đồng chấp nhận và là nhu cầu của người dân thì nên giữ lại vì nó là của cộng đồng, chỉ có cộng đồng mới có thể quyết định. Bà Lý nhấn mạnh lễ hội đền Trần, trong đó có lễ khai ấn, là di sản văn hóa phi vật thể cần phải giữ gìn.
Trong khi đó, có nhà khoa học bày tỏ nên cấm hẳn việc phát ấn bởi những bất cập đã xảy ra tại lễ hội đền Trần liên tiếp những năm gần đây. TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học VN) nhận định, theo nhiều cứ liệu lịch sử, trước đây tại đền Trần không có hề có chuyện khai, phát ấn như vậy, chỉ vài năm nay mới rộ lên chuyện này.
Những tranh luận giữa các nhà nghiên cứu - quản lý, cuộc đối thoại giữa các nhà quản lý - người dân địa phương sẽ vẫn tiếp tục. Viện Văn hóa nghệ thuật sẽ tiếp tục lấy ý kiến để hoàn chỉnh đề án, trình Bộ trưởng VH-TT-DL trong thời gian tới.
Minh Ngọc
Bình luận (0)