Kết thúc kỷ nguyên tàu con thoi

21/07/2011 17:00 GMT+7

(TNO) Hôm nay 21.7, thời khắc lịch sử của ngành nghiên cứu vũ trụ Mỹ đã diễn ra, khi tàu Atlantis đã trở về sau sứ mệnh đầy cảm xúc để chính thức khép lại chương trình tàu con thoi của Mỹ kéo dài 30 năm, theo AFP.

>> Thời tiết thuận lợi cho tàu Atlantis trở về
>> Tàu Atlantis rời trạm vũ trụ
>> Hơn 50 triệu USD cho một chỗ ngồi trên tàu Soyuz

Tàu Atlantis hạ cánh tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida (Mỹ) vào lúc 5 giờ 56 phút sáng 21.7 (giờ địa phương, tức 16 giờ 56 phút cùng ngày theo giờ VN), sau hành trình xuyên không gian kéo dài 13 ngày với phi hành đoàn 4 người.

Trong 9 ngày có mặt làm việc trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), các phi hành gia của tàu Atlantis đã chuyển cho trạm thực phẩm, nước uống dự trữ trong một năm cùng nhiều thiết bị khác. Ngoài ra, họ cũng đưa đến lắp ráp vào ISS một mô-đun hậu cần đa mục đích có tên Raffaello.

 
Chương trình tàu con thoi kéo dài 30 năm của Mỹ đã khép lại - Ảnh: Reuters

Như vậy, chuyến bay vũ trụ thứ 33 của tàu Atlantis đã chính thức khép lại kỷ nguyên tàu con thoi kéo dài 30 năm của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), kể từ chuyến bay đầu tiên vào ngày 12.4.1981 của tàu Columbia.

Trong 30 năm qua, đội tàu con thoi của NASA gồm năm chiếc là Columbia, Challenger, Discovery, Atlantis và Endeavour đã thực hiện 135 lần bay vào không gian. Ngoài ra, NASA còn tàu Enterprise không bao giờ được bay.

Chương trình tàu con thoi cũng chứng kiến hai thảm họa lịch sử khi tàu Challenger và Columbia lần lượt nổ tung trên bầu trời khiến 14 phi hành gia thiệt mạng.

Tàu Challenger gặp sự cố sau khi rời bệ phóng có 73 giây vào ngày 28.1.1986 và được thay thế bằng tàu Endeavour; còn tàu Columbia cháy tan khi đang trên đường trở về Trái đất vào ngày 1.2.2003 phía trên bầu trời bang Texas (Mỹ).

Trong thời gian từ nay đến năm 2015, khi tàu vũ trụ mới với sự hợp tác của những công ty tư nhân được Mỹ trình làng, thì nước này phải nhờ hoàn toàn vào đội tàu Soyuz của Nga để đưa các phi hành gia lên trạm. Chi phí cho mỗi chỗ ngồi của phi hành gia Mỹ trên tàu Soyuz lên đến 51 triệu USD.

Tiến Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.