Những cô gái với hình ảnh sex dẫu bắt mắt, nhưng muốn thu hút cần phải tạo điều gì đó thật bất ngờ. Chẳng hạn vào một ngày đẹp trời, luật sư Martin Luther King xuất hiện trên trang báo để bàn về vấn đề của người da đen. Hay Chủ tịch Cuba Fidel Castro “chào đón” chủ nghĩa tư bản của Mỹ bởi “điều đó sẽ thúc đẩy cuộc đấu tranh cách mạng tại nhiều nước”.
Thậm chí cả ngôi sao trong ngành giải trí như “Frank” Sinatra, hay Bob Dylan trả lời phỏng vấn Playboy với những câu chuyện không nhẹ nhàng chút nào. Vào giữa thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, đó là thời của phong trào hippy, phong trào đòi hòa bình. Các câu lạc bộ mang tên Playboy đã có mặt tại 30 quốc gia. Họa sĩ Andy Warhol - thần tượng của giới trẻ cũng xuất hiện trên Playboy. Các nghị sĩ thuộc nhiều bang của Mỹ cũng lên tiếng phản đối chiến tranh ở Việt Nam và tác hại của ma túy.
|
Hugh cũng không bỏ qua sự chú ý tới tổng thống Mỹ. Ngay cả ứng viên tổng thống Jimmy Carter vào tháng 11.1976 cũng phát biểu trước công chúng rằng “nhìn các cô gái trên Playboy mà ham muốn” và hy vọng thượng đế tha thứ cho ông về tội lỗi mang tính yếu đuối của cuộc sống trần thế.
Có thể thấy, khởi đầu từ một tạp chí thiên về sex, nhưng Hugh đã biến Playboy thành một tờ báo văn hóa có đẳng cấp khi khách mời là những người tên tuổi thuộc nhiều lĩnh vực, đặt ra những vấn đề xã hội mà hầu như ai cũng quan tâm. Ngoài ra, ông còn thành công khi xây dựng được văn hóa người mẫu giống như một nghề danh giá, được trả cát-sê hậu hĩnh. Ngay cả “Nữ hoàng nhạc pop” Madonna khởi đầu là người mẫu, chụp một bộ ảnh từ năm 1979, nhưng chỉ đến năm 1985 khi bộ ảnh được đăng trên Playboy, cô mới được cả nước Mỹ bàn luận, còn số báo đó thì bán rất chạy.
Vào tháng 8.1987, Cindy Crawford hầu như chưa được ai biết đến, một lần dạo phố tình cờ mua cuốn Playboy và rất mê tạp chí này. Tuy thế, cô không có ý định chụp ảnh trang bìa cho Playboy cho đến khi nhìn thấy ảnh bìa Brigitte Nielsen - vợ tương lai của siêu sao hành động Stallone, Crawford mới khát khao được lên trang bìa tạp chí này. Playboy số tháng 7.1988, ảnh của Crawford xuất hiện trên trang bìa và từ đó cô trở thành một trong những siêu mẫu đắt giá nhất thế giới.
Tuy phát triển khá tốt, nhưng Playboy cũng trải qua những tháng ngày khó khăn. Ngay từ cuối thập niên 1970, hình ảnh các “cô gái Bunny” không còn ăn khách. Các câu lạc bộ Playboy mất dần sức hút. Số lượng phát hành tạp chí vào năm 1985 giảm xuống chỉ còn 4,1 triệu bản/kỳ. Đó chính là lúc Tổng thống Ronald Reagan thành lập một ủy ban chống các tạp chí khiêu dâm và chỉ cho phép bán chúng tại những địa điểm theo quy định.
Vào năm 1985, Hugh Hefner bị đột quỵ mà sau đó nhiều người gọi đó là “cú giáng may mắn”. Đến năm 1989, ông cưới người mẫu Kimberley Conrad và chung sống hơn 8 năm. Conrad sinh cho ông hai đứa con trai là Cooper và Marston. Gọi là may mắn vì do bệnh tật và lập gia đình nên Hugh không điều hành “vương quốc” Playboy nữa mà trao quyền cho con gái của cuộc hôn nhân thứ nhất là Christie Hefner. Christie điều hành Playboy từ năm 1988 đến 2008 thì trao lại quyền cho cha.
Nhờ có Christie Hefner mà lãnh địa của Playboy được mở rộng, hãng Playboy Entertainment được thành lập và bắt đầu chuyển qua sản xuất, phát hành băng video. Christie còn thành lập hãng truyền hình cáp riêng. Chính Playboy Entertainment là đơn vị mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho tập đoàn của Hugh. Vào cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, lợi nhuận của hãng này là 100 triệu USD. Christie Hefner còn thành lập hãng Playboy Online vào năm 1997 để khai thác thương hiệu Playboy trên internet. Rồi hãng Playboy Licensing chuyên bán quyền sử dụng logo của hãng cho những ai có nhu cầu.
Trên vị trí tổng giám đốc tập đoàn, Christie Hefner đã phải đối đầu với sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ trên internet. Không ít các tạp chí dành cho đàn ông phải đóng cửa vì trên mạng internet đầy rẫy những hình ảnh sex, các bài viết đủ loại xoay quanh đề tài tình dục. Số lượng phát hành của Playboy suy giảm nhanh chóng, chỉ còn 3 triệu bản (giảm một nửa so với thời kỳ đầu) nhưng vẫn luôn là một tờ báo có vị thế. Một trong những nguyên nhân quan trọng để Playboy không phải đóng cửa như nhiều tạp chí khác là không bao giờ in ảnh khỏa thân mang tính khiêu dâm, hay các bài viết quá nhảm nhí. Điều mà tạp chí này hướng tới không phải là các cô gái đẹp khỏa thân (cho dù đây là một phần không thể thiếu của Playboy), mà quan điểm của Hugh là phía sau những hình ảnh trang bìa đẹp, là một điều gì đó khiến độc giả phải suy ngẫm.
Tạp chí Playboy được nhiều người yêu thích, nhưng về mặt con người Hugh Hefner với đời sống phóng khoáng, đôi khi buông thả không phải là hình mẫu cho giới trẻ học tập. Nhưng với tư cách một người làm báo, một nhà kinh doanh thì Hugh quả là hình mẫu cho không ít người khao khát muốn làm điều gì đó trong cuộc sống. Vào năm 1996, ông nhận được giải thưởng lớn về xuất bản tại London, Anh. Đến năm 1998, ông được ghi tên tại phòng vinh danh của Hiệp hội Các nhà báo Mỹ ở New York. Còn vào tháng 1.2001, cũng tại New York, lãng tử Hugh được tặng thưởng huân chương cao quý giành cho những người làm báo Mỹ - Henry Johnson Fisher Award.
Bảo Quyên
(tổng hợp)
Bình luận (0)