Xin nói ngay rằng tôi chưa hề nuôi chim yến nhưng rất thích tìm hiểu về lĩnh vực này do hoạt động trong giới sinh hoạt, yêu thích chim cảnh. Đã có nhiều bài báo nói về chuyện nuôi chim yến trong nhà ở Việt Nam với nhiều góc độ khác nhau, từ nguy cơ thua lỗ đến siêu lợi nhuận… Trong khi đó Indonesia là nơi sản xuất tổ chim yến nhiều nhất trên thế giới, họ có hàng chục ngàn nhà nuôi chim từ hơn 30 năm qua và hằng năm khai thác hơn 100 tấn tổ yến (giá bán khoảng 2.000 USD/kg). Malaysia đứng thứ nhì với khoảng 12 đến 15 tấn tổ yến, kế đến là Thái Lan, Philippines và Việt Nam mỗi năm chỉ trên dưới 5 tấn.
Về kỹ thuật xây nhà cho yến đến, qua tham quan nhiều nước thì thấy rất giống nhau như nhà phải thông thoáng, giữ nhiệt độ ổn định khoảng 25 độ C, độ ẩm trong nhà khoảng 80%, vách thường là 2 lớp, khoảng cách giữa 2 tấm vách tầm 10-12cm. Cửa cho chim ra, vào kích thước và hướng mỗi nơi mỗi khác, tùy theo hướng gió thuận tiện để chim lượn vào nhà và phải làm sao không bị ánh sáng trực tiếp rọi thẳng vào nhà. Thường nhà chim được xây 3 tầng và độ cao cửa vào khoảng 12m. Loa tiếng chim trong nhà phát ra từ 100 đến 200 loa công suất nhỏ tạo tiếng chim kêu ríu rít như ở hang động chim yến, ở nóc nhà là một hoặc nhiều loa hướng lên trời để dụ chim đến và cũng có thể để chim nhà dễ định hướng trở về.
Về nuôi yến cho ấp nở nhân tạo, qua tìm hiểu từ giới chuyên môn thì không thể cho ấp nhân tạo chim yến để thả nuôi bởi chim yến con cần có cha mẹ hướng dẫn kèm cặp suốt 8 tháng trời chim tơ mới đủ khả năng sống tự lập. Hơn nữa chim cha mẹ khi mớm mồi nuôi con trong nước dãi cha, mẹ truyền sang con giúp chim con tiêu hóa thức ăn và ngừa bệnh tật.
Về vi-rút H5N1 ở chim yến, cho đến nay trong tất cả các tài liệu nuôi chim yến trên thế giới chưa hề phát hiện chim yến mắc bệnh cúm gia cầm. Do vậy nếu chỉ vì nghi có khả năng mà cấm là chưa thuyết phục.
Nguyễn Văn Lãng
Bình luận (0)