Đồng cảm với nỗi đau Hoàng Sa

23/07/2011 16:48 GMT+7

Sau loạt bài André Menras với nỗi đau Hoàng Sa đăng trên Thanh Niên các ngày 20, 21 và 22.7, một số người từng xem phim đã chia sẻ với Thanh Niên xung quanh những thước phim xúc động này.

Sự khắc họa đậm nét cuộc sống và nỗi đau của ngư dân trong bộ phim Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát đã nhận được sự đồng cảm của nhiều người sau buổi công chiếu tại Pháp. Qua e-mail ngày 13.7 gửi Báo Thanh Niên, André Menras viết: “Rất nhiều người phẫn nộ trước tình cảnh bất công mà các ngư dân gặp phải. Kể cả các bạn tôi ở ADEP (Hiệp hội Trao đổi sư phạm Pháp - Việt, do ông André Menras làm chủ tịch - NV), dù biết tình hình ở Việt Nam, vẫn không thể hình dung nỗi đau khổ cụ thể của các ngư dân và gia đình họ sâu đến mức nào. Khán giả đã bị sốc. Cú sốc này rất cần thiết để người ta suy nghĩ, để tìm hiểu tiếp và đến gần hơn với các nạn nhân”.  

 
Ông André Menras (bên trái) trong một buổi họp mặt truyền thống cựu tù chính trị

Ông Robert Renau (Phó chủ tịch ADEP) trực tiếp xem bộ phim tại Pháp, gửi lời nhận xét đến Thanh Niên: “Tất cả chúng tôi đều rất xúc động trước hoàn cảnh của các nhân chứng là những người vợ góa và những đứa con côi cút của các ngư dân quá cố mà thường là bị mất tích. Chúng tôi biết rằng cuộc sống của các ngư dân vô cùng nguy hiểm, bão tố và các tai nạn ngoài khơi thường cướp đi mạng sống của nhiều người. Nhưng đối với các ngư dân Quảng Ngãi, họ còn có thể bị bắt giam, bị cướp bóc, bị phá sản, thậm chí bị bắn chết. Ông Robert Renau cũng tỏ lòng khâm phục sức chịu đựng kiên cường của các ngư dân và gia đình của họ trong những ngày tháng gặp phải cảnh tai ương, hoạn nạn. Ông viết: “Chúng tôi rất thán phục sự bình tĩnh và lòng dũng cảm của các ngư dân đã dám khẳng định quyền được sống và làm việc trên biển Đông, trên một quần đảo thuộc chủ quyền của nước Việt Nam. Tôi đặc biệt ngưỡng mộ lòng yêu nước đã thúc đẩy các ngư dân chấp nhận mọi rủi ro xảy đến hằng ngày, dù không có được tấm huy chương khen tặng, tri ân”.

Sự dũng cảm nằm trong hành động

Đề cập đến quá trình tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa dân gian để đưa các chi tiết mang đậm phong tục tập quán của người dân vùng duyên hải miền Trung vào bộ phim, André Menras nói rằng: “Bố tôi sinh trưởng ở vùng núi miền nam nước Pháp, còn mẹ tôi ở ven Địa Trung Hải, nên tôi rất hiểu dân chài, dân biển. Dù xa nhau đến hơn 10.000 km, hai nước khác nhau về mức độ phát triển, về văn hóa, về lịch sử nhưng họ có nhiều nét rất giống nhau. Sống với biển cả, họ phải tôn trọng biển, phải khiêm tốn với biển và không được gian lận trước biển. Biển cả là nơi rèn giũa ý chí của ngư dân. Với ngư dân đánh bắt xa bờ, thì sự dũng cảm nằm trong hành động chứ không phải trong lời nói. Tất cả ngư dân trên thế giới đều có nét chung đó”. 

Robert Renau đã tình nguyện và cùng kêu gọi nhiều người khác hỗ trợ cho gia đình các ngư dân. Ông tâm sự với Thanh Niên: “Khả năng tài chính của chúng tôi rất hạn chế vì tôi là giáo viên hưu trí, do đó tôi đã đề nghị Colette bạn tôi, cũng là giáo viên về hưu và là thành viên của ADEP, chia sẻ cùng chúng tôi để đỡ đầu cho hai cháu sinh đôi (Phạm Xuân Ôn và Phạm Văn Thuận, con của ngư dân Phạm Quốc Huy bị bắn chết tại vùng biển Hoàng Sa) với số tiền trợ giúp là 300 euro/năm. Các bạn của tôi là Jean-Paul và Ginette cũng đã hứa đỡ đầu cho một gia đình khác, và ADEP cũng đang có kế hoạch vận động để thành lập một quỹ hỗ trợ cho ngư dân miền Trung”.

Ông Cao Lập - cựu tù chính trị, nguyên Giám đốc khu du lịch Bình Quới, một người bạn của ông André Menras, nhận xét: “Bộ phim gây xúc động và tôi tin rằng những ai xem phim này cũng sẽ có ý nghĩ phải làm gì đó cho ngư dân miền Trung. Những đoạn đối thoại chân thực trong phim chính là một yếu tố cơ bản để tạo nên sự hấp dẫn của phim. André Menras là một người rất nhiệt tình khi quyết tâm làm bộ phim này. Bộ phim cần được chiếu rộng rãi cho khán giả trong nước xem, để khán giả thấy rõ thông điệp đanh thép về ý chí của ngư dân trong quá trình bám biển”. Ông cũng bộc bạch: “Tôi rất thích 2 trường đoạn trong phim. Đó là đoạn phỏng vấn ngư dân Tiêu Viết Là và phỏng vấn ông vua lặn Bùi Thượng. Những câu trả lời của 2 ngư dân cho thấy sự kiên cường bám biển và ý thức rất sâu sắc về chủ quyền biển đảo của ngư dân mình. Chi tiết nặn hình nhân và làm phép để đặt hình nhân vào quan tài trước khi xây mộ gió cho người bị mất tích rất hay và đẹp khiến tôi xúc động. Đây là trường đoạn phản ảnh đời sống tâm linh của ngư dân miền Trung và là trường đoạn “đắt” nhất trong bộ phim, cho thấy người làm phim rất chú trọng đến đời sống dân gian”.

Đang tham gia với một số nhà làm phim Pháp thực hiện bộ phim về những nạn nhân chất độc da cam, bà Trần Tố Nga, Việt kiều Pháp, người từng được Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh vì đã có nhiều đóng góp trong quan hệ ngoại giao 2 nước Pháp - Việt, cũng chia sẻ với Báo Thanh Niên: “Bộ phim gây xúc động và giúp người xem hình dung phần nào - chỉ một phần nào thôi - nỗi cơ cực của những người vợ mất chồng, những người con mất cha và sự nhẫn nhịn của những ngư dân vì bám biển để mưu sinh trên vùng biển của chính cha ông để lại, vùng biển mà mình có chủ quyền, mà bị bắt, bị đánh đập hoặc phải nộp phạt mới được trả tự do…”. Cũng như ông Lập và ông Robert, bà Nga cũng bày tỏ cảm xúc của mình về một số trường đoạn trong phim: “Cảnh làm hình nhân thay thế người đi không về khiến tôi vô cùng xúc động. Người Việt Nam từ ngàn xưa vẫn giữ một tập tục xây mộ cho người đã mất với hình hài nguyên vẹn của người thân trong mồ. Trong chiến tranh chống Mỹ, hàng vạn người mất tích để lại nỗi đau không bao giờ nguôi của những người còn sống. Nỗi đau ấy lại được kéo dài đến với các gia đình ngư dân bị giết hại trên biển, làm nặng thêm nỗi đau mất mát và sự bế tắc về kinh tế. Đã từng đi tìm hài cốt của mẹ (nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Tú, lãnh đạo phong trào phụ nữ Sài Gòn thời chống Mỹ) trong hơn 30 năm, tôi càng thấu hiểu nỗi đau này hơn”.

Nghệ sĩ Nhân dân - Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Nếu được chiếu rộng rãi thì quá tốt

* Ông có nhận xét như thế nào về bộ phim Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát?

- Tôi và anh André Menras quen nhau đã lâu. Gần đây anh Menras gửi cho tôi đĩa phim tài liệu có tên Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát mà anh đã lặn lội cùng một số phóng viên truyền hình quay ở đảo Lý Sơn. Tôi thật sự xúc động khi xem những hình ảnh của bộ phim này, đặc biệt là những gương mặt phụ nữ, trẻ em mất chồng, mất cha. Thú thật tôi cũng thấy ngượng vì mình là người làm điện ảnh Việt Nam mà chưa làm được một phim nào xúc động về đề tài có tính thời sự nóng hổi này. Tôi cảm phục tấm lòng của anh Menras.

 
Ông André Menras (phải) và Nghệ sĩ Nhân dân - đạo diễn Đặng Nhật Minh

* Trong bộ phim, ông André Menras đã có dụng ý đưa vào phim chi tiết nặn hình nhân để lập mộ gió cho những ngư dân mất tích. Ông nhận thấy chi tiết này như thế nào?

- Tôi cũng có nghe nói về tục lệ này nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy miêu tả tỉ mỉ như trong phim này. Cảnh cô con gái im lặng kính cẩn đứng nhìn ông thầy cúng nặn hình nhân cha mình rồi làm lễ an táng làm tôi ứa nước mắt.         

* Về góc độ chuyên môn, ông đánh giá ra sao về bộ phim? Ý kiến của ông về việc có nên công chiếu rộng rãi phim này trên sóng truyền hình cho khán giả trong nước?

- Anh Menras không phải là nhà làm phim chuyên nghiệp và anh cũng biết vậy. Anh cùng các bạn trẻ VN của mình làm phim này chỉ vì muốn chia sẻ sự cảm thông với những nỗi đau mất mát của bà con ngư dân ở Hoàng Sa và vì nỗi đau mà anh coi như của chính mình. Anh có ý định sẽ hoàn chỉnh tiếp khâu hậu kỳ để đáp ứng tiêu chuẩn của một phim tài liệu chuyên nghiệp. Phim này nếu được chiếu rộng rãi thì tốt quá.

Trần Thanh Bình
(thực hiện)

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.