36 tay đua thuộc 9 câu lạc bộ mô tô (trong đó có 10 tay đua nước ngoài là những người đang làm việc tại VN) được chia làm 4 bảng tranh tài nhằm chọn ra các tay đua có thứ hạng cao vào tranh chung kết ở hạng bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp.
Bằng xe mô tô địa hình có phân khối từ 50 cc đến 450 cc, các tay đua phải chinh phục 4 vòng đua cho mỗi lượt (mỗi vòng dài 945m). Ở vòng thi chung kết hạng chuyên nghiệp, các tay đua phải vượt qua 8 vòng đua gay cấn. Môn thể thao này không chỉ đòi hỏi sự... gan lì, dũng cảm của các vận động viên, mà các tay đua còn phải biết cách xử lý thật nhanh và chính xác các thao tác kỹ thuật ở mọi địa hình trên đường đua: từ cách xuất phát, tăng tốc, vượt các mô đất cao hay khi cho xe vượt qua những khúc cua gắt mà vẫn không làm giảm tốc độ của xe…
Một trong những động tác phối hợp cực khó trong đua xe mô tô địa hình: tay đua Pierre Yves Catry (CLB Con cào cào - quận 3) vừa điều khiển xe bay qua mô đất, đồng thời cho xe xoay nghiêng để khi tiếp đất sẽ không mất thời gian đánh tay lái
Thông thường, trên đường đua xe mô tô địa hình, phía sau những mô đất cao sẽ là những địa hình phức tạp kèm theo các khúc cua khá gắt, khi cho xe mô tô bay qua, các tay đua phải biết cách ghì chặt xe để khi tiếp đất sẽ không bị ngã
Những động tác kỹ thuật như vào số, giữ ga, tăng tốc… tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không biết cách phối hợp nhịp nhàng, các tay đua rất khó bay qua những mô đất cao và tiếp đất an toàn mà vẫn giữ ổn định được tốc độ của xe
Chân trái của các tay đua vừa có nhiệm vụ điều khiển cần số, vừa kiêm thêm việc giữ thăng bằng cho xe không bị trượt mỗi khi bay qua những mô đất
Một lực lượng không thể thiếu trên đường đua: những thợ máy luôn phải xử lý thật nhanh mọi tình huống như tắt máy xe, té ngã… nhằm tránh gây nguy hiểm cho những xe chạy phía sau
Đường đua địa hình luôn có những khúc cua thật gắt khiến không ít tay đua té ngã
|
Khả Hòa
(thực hiện)
Bình luận (0)