>>35 người chết trong vụ tai nạn tàu cao tốc ở Trung Quốc
>>Nghịch lý tàu cao tốc Trung Quốc
Dù kinh tế Trung Quốc phát triển như vũ bão nhưng vận tải hàng không vẫn còn khá xa xỉ với phần lớn người dân nước này.
Do vậy, tàu hỏa là phương tiện vận tải đường dài phổ biến nhất ở đất nước đông dân nhất thế giới.
|
Toàn nước này có 91.000 km đường sắt, chuyên chở hàng trăm triệu người mỗi năm và trải dài từ thành phố lớn như Thượng Hải đến vùng xa xôi như Tây Tạng.
Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào đường sắt cao tốc nhằm cố gắng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hệ thống vận tải.
Năm ngoái, nước này chi hơn 109 tỉ USD cho đường sắt cao tốc. Và hiện tại, chiều dài đường ray cao tốc mà Trung Quốc đang sở hữu bằng cả 1 nửa của toàn thế giới.
Tuyến đường ray cao tốc đầu tiên nối Thượng Hải và Tô Châu chỉ mới được đưa vào phục vụ hành khách chính thức từ năm 2007.
|
Cho đến cuối năm ngoái, đã có 8.358 km đường ray cao tốc và dự kiến sẽ lần lượt đạt mốc 13.000 km vào năm 2012 và 16.000 km vào năm 2020.
Tuy nhiên, song hành với sự lớn mạnh này là những lo ngại quanh nạn tham ô và mức độ an toàn của các dự án đường sắt.
Trên thực tế, nhiều người dân Trung Quốc, đặc biệt là lao động nhập cư, lại không có khả năng sử dụng tàu cao tốc vì vé quá đắt. Vì thế, họ vẫn phải trải qua những ngày khổ sở giành giật từng tấm vé tàu hỏa để về quê trong dịp Tết vừa qua. |
Hồi tháng 3, các công ty xây dựng và một số cá nhân đã bị phát hiện tham ô đến 187 triệu nhân dân tệ (khoảng 600 tỉ đồng) trong dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải, có vốn đầu tư trị giá 33 tỉ USD.
Tuyến đường này cũng nhiều lần xảy ra sự cố mất điện khiến các chuyến tàu bị trì hoãn.
Ngoài ra, Bắc Kinh đã sa thải ông Lưu Chí Quân, Bộ truởng đường sắt Trung Quốc hồi tháng 2 do bị nghi là đã nhận hơn 800 triệu tệ (122 triệu USD) tiền lại quả từ 8 công ty muốn thắng thầu các dự án đường sắt cao tốc.
Đồng thời, dư luận cũng than phiền rằng giá vé của tàu hỏa cao tốc quá cao so với số đông người dân có thu nhập thấp.
Tuyến đường sắt cao tốc nối Bắc Kinh và Thượng Hải được khai trương chính thức vào ngày 30.6, sớm hơn 1 năm so với tiến độ đề ra và 1 ngày trước lễ kỷ niệm 90 năm thành lập đảng cộng sản Trung Quốc.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh bán vé của tuyến đường sắt này vẫn còn chậm.
|
Nhiều công ty nước ngoài tham gia vào quá trình phát triển đường sắt cao tốc ở Trung Quốc cũng vừa mới lên tiếng cáo buộc các công ty nhà nước của Trung Quốc ăn cắp một số công nghệ về đường sắt cao tốc của họ.
Trong khi đó, ông Hà Hoa Vũ, kỹ sư trưởng của Bộ đường sắt Trung Quốc thì nói nước này vẫn dựa trên công nghệ nước ngoài nhưng Trung Quốc đã cải tiến để giúp các con tàu chạy nhanh hơn.
Các cơ quan chức năng vừa cho giảm tốc độ tối đa của các chuyến tàu xuống còn 300 km/giờ để bảo đảm an toàn.
Vụ tai nạn xảy ra giữa hai tàu hỏa cao tốc ở Chiết Giang tối 23.7 càng khiến dư luận lo ngại nhiều hơn trong thời gian tới khi sử dụng phương tiện này.
Một nhà phân tích cao cấp thuộc tổ chức IHS Global Insight ở Bắc Kinh nhận định: "Vụ tai nạn tàu hỏa ngày 23.7 sẽ là bước giật lùi trong sự phát triển của đường sắt cao tốc Trung Quốc".
Vụ tai nạn đã làm ít nhất 35 người chết và 210 trường hợp bị thương (tính đến sáng 24.7). Sau sự cố trên, chính phủ nước này cũng phát lệnh kiểm tra khẩn cấp mức độ an toàn đường sắt trên toàn quốc.
(theo AFP)
Bình luận (0)