Thảm kịch Na Uy: Ít nhất 92 người thiệt mạng

24/07/2011 00:50 GMT+7

Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg đau đớn cho hay vụ tấn công kép ngày 22.7 là “tội ác nghiêm trọng nhất” ở nước này từ sau Thế chiến 2.

Ngày 23.7, vợ chồng Vua Na Uy Harald V, Thái tử Haakon cùng Thủ tướng Stoltenberg và nhiều bộ trưởng đã đến thăm các nạn nhân vụ đánh bom và xả súng tại Bệnh viện Oslo, theo AFP. Ít nhất 92 người đã thiệt mạng trong ngày 22.7 đẫm máu và kinh hoàng.

Khoảng 15 giờ 30 phút (giờ địa phương), một quả bom được cài trong xe hơi đậu trước tòa nhà Văn phòng Thủ tướng ở trung tâm Oslo phát nổ, làm ít nhất 7 người thiệt mạng và 11 người bị thương. Chấn động làm vỡ tung cửa kính và bức tường bên ngoài Văn phòng Thủ tướng và các cơ quan chính phủ gần đó. Thủ tướng Stoltenberg không có mặt tại văn phòng khi vụ tấn công xảy ra nên không bị ảnh hưởng.

 
Hoảng loạn ở Oslo - Ảnh: Reuters


Hung thủ máu lạnh Anders Behring Breivik - Ảnh: AFP

Tấn công khủng bố tại Bắc u từ 1999

Trước đây các nước Bắc u nổi tiếng yên bình nên vụ thảm sát và đánh bom ở Na Uy càng khiến dư luận thêm bàng hoàng. Dưới đây là một danh sách các vụ tấn công khủng bố tại Bắc u kể từ năm 1999:

- Tháng 6-7.1999: hai vụ đánh bom xe do các phần tử phát xít mới gây ra trong hai ngày 28.6 và 1.7 khiến 5 người bị thương nặng ở thủ đô Stockholm và thành phố Malmo của Thụy Điển.

- Ngày 11.10.2002: 7 người thiệt mạng, bao gồm cả thủ phạm Petri Gerdt, và hơn 80 người bị thương trong vụ đánh bom vào một trung tâm mua sắm ở Vantaa, phía bắc thủ đô Helsinki của Phần Lan.

- Ngày 17.9.2006: ba kẻ khủng bố xả súng một giáo đường Do Thái ở thủ đô Oslo, Na Uy nhưng không gây thương vong.

 - Ngày 10.9.2010: Lors Dukayev, một người Bỉ gốc Chechnya lên kế hoạch tấn công trụ sở tờ báo Jyllands-Posten ở Copenhagen, Đan Mạch vì tờ này đăng biếm họa về nhà tiên tri Mohammad của Hồi giáo. Tuy nhiên, người này bị bắt trước khi thực hiện âm mưu.

Lê Loan
(Theo AFP)

Tòa soạn của một trong những tờ báo lớn nhất Na Uy, Verdens Gang, cũng nằm trong khu vực bị đánh bom. Phóng viên tờ báo này tên Benyamin Cutmore kể lại trên Le Figaro: “Sau khi bom nổ, một số người hoảng sợ nhảy ra từ tòa nhà Văn phòng Thủ tướng. Tôi đang đứng gần đấy và xung quanh tôi, hàng chục người nằm la liệt”. Ông Cutmore cũng cho biết sức công phá của quả bom lớn đến mức một người bạn của ông sống cách đó 25 km cũng cảm nhận được chấn động.

Tang thương Utoeya

Vẫn chưa hoàn hồn sau vụ đánh bom, người dân Na Uy lại phải đón tin dữ tiếp theo: khoảng 18 giờ cùng ngày 22.7, cảnh sát chính thức xác nhận về vụ xả súng đẫm máu tại đảo Utoeya, cách Oslo khoảng 20 km. Tính đến tối 23.7, ít nhất 85 người đã thiệt mạng. Khi thảm kịch xảy ra, khoảng 700 bạn trẻ từ 14-18 tuổi có mặt tại Utoeya để tham dự trại họp mặt thanh niên của đảng Lao động cầm quyền. Một lần nữa, Thủ tướng Stoltenberg lại may mắn vì ban đầu, ông dự kiến sẽ ghé qua trại họp mặt nhưng thay đổi lịch trình vào giờ chót.

Đài CNN dẫn lời một thanh niên tường thuật lại: “Khi đó, chúng tôi tập trung để nói về vụ nổ vừa xảy ra tại trung tâm Oslo thì một người đàn ông khoảng 30 tuổi mặc cảnh phục tiến lại gần. Ông ta nói có việc cần thông báo về vụ đánh bom rồi bất ngờ xả súng vào đám đông. Kẻ giết người mang rất nhiều súng và cầm theo túi xách chứa đầy đạn”. Theo những nhân chứng khác, kẻ này đã bắn giết trong gần 1 giờ đồng hồ.

Những người có mặt hoảng loạn cực độ, ai nấy nháo nhào tìm chỗ trốn hòng tránh những làn đạn điên cuồng: nấp trong bụi rậm, trốn sau các tảng đá hoặc chạy vào khu nhà gần đó. Nhiều người cùng đường đã nhảy xuống biển nên nhiều người chết đuối hoặc trúng đạn và xác chìm dưới biển.

Nhận được tin báo, cảnh sát lập tức đến hiện trường và bắt sống thủ phạm. Le Figaro dẫn lời nhà chức trách cho biết hắn ta “có chiều hướng chính trị cực hữu bài Hồi giáo”. Một số nhân chứng khẳng định từng thấy tên này xuất hiện gần tòa nhà Văn phòng Thủ tướng trước khi vụ nổ xảy ra. Theo truyền thông Na Uy, kẻ giết người là Anders Behring Breivik. Hắn ta thường xuyên viết trên các diễn đàn thể hiện tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan và chống lại xã hội đa văn hóa.

Sáng qua, cảnh sát chính thức buộc tội Breivik trong vụ tấn công kép và đây không phải là hành động của khủng bố Hồi giáo cực đoan. Nhưng dù là thủ phạm nào đi nữa thì bi kịch này đã để lại một vết sẹo khó lành cho Na Uy, từng được xem là một trong những nơi yên bình nhất thế giới. Nói như Thủ tướng New Zealand John Key, vụ việc chứng tỏ nguy cơ khủng bố và cực đoan không chừa một quốc gia nào.  

Thế giới chia sẻ nỗi đau

Ngày 23.7, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi điện chia buồn tới Đức vua Na Uy Harald V về vụ nổ bom và xả súng, theo TTXVN. Cộng đồng quốc tế cùng chia sẻ nỗi đau của Na Uy đồng thời lên án mạnh mẽ vụ khủng bố kinh hoàng. AFP dẫn lời TTK LHQ Ban Ki-moon nói ông “rất sốc” khi nghe tin. Một phát ngôn viên của ông Ban tuyên bố: “LHQ luôn sát cánh cùng người dân Na Uy trong thời điểm khủng khiếp này”. Chủ tịch EU Herman Van Rompuy cho biết ông đã gửi thông điệp chia buồn và đoàn kết của 27 nước trong khối tới chính phủ và nhân dân Na Uy.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lên án “hành động ghê tởm và không thể chấp nhận được”, còn Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói kẻ tấn công hoàn toàn coi thường mạng sống con người. Tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói bà rất “kinh hoàng” và chính phủ và nhân dân Đức sẽ luôn bên cạnh Na Uy. Ngoài ra, AFP dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Trung Quốc lên án các cuộc tấn công khủng bố và gửi lời chia buồn tới các nạn nhân”.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi các nước đẩy mạnh hợp tác trong nỗ lực chống khủng bố. “Các vụ tấn công tại Oslo một lần nữa nhắc nhở trách nhiệm của cộng đồng thế giới trong việc ngăn chặn khủng bố”, AFP dẫn lời ông Obama nói. Thủ tướng Anh David Cameron thì nói nước này sẽ hỗ trợ và hợp tác cùng Na Uy về tình báo để truy tìm thủ phạm.  

Lê Loan

Không có nạn nhân người Việt

Trao đổi với Thanh Niên qua điện thoại, Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Tạ Văn Thông cho biết: “Theo thống kê tính đến ngày 23.7 từ cảnh sát sở tại và các hội đoàn kiều bào, không có người Việt Nam nào thương vong trong vụ tấn công kép”. Theo đại sứ, trật tự đã được tái lập nhưng khu vực trung tâm thủ đô Oslo vẫn bị phong tỏa và kiểm soát an ninh nghiêm ngặt. Hiện là thời điểm nghỉ hè tại Na Uy nên đường phố rất vắng vẻ, nếu không, quả bom đã gây thương vong nặng nề hơn nhiều. Vụ nổ và xả súng khiến mọi người rất hoang mang vì trước giờ đất nước Bắc u này nổi tiếng là nơi thanh bình.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.