Chính phủ không muốn duy trì độc quyền điện

25/07/2011 00:37 GMT+7

Theo Quy hoạch điện 7 vừa được Thủ tướng phê duyệt, Tập đoàn điện lực VN (EVN) vẫn nắm giữ tỷ trọng lớn (50%) trong tổng cơ cấu nguồn điện khiến nhiều lo ngại về tình trạng độc quyền của EVN khó xóa bỏ.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (ảnh) khẳng định:

Tái cơ cấu ngành điện vẫn tiếp tục triển khai. Vừa rồi báo chí cho rằng phân cho EVN vẫn nhiều quá. Nhưng các tổng công ty phát điện trong EVN, cùng với việc phát triển thị trường điện cạnh tranh sẽ từng bước tách ra hoạt động, và tiến tới cổ phần hóa. Các bước tái cơ cấu cũng phải đi rất khoa học, đồng bộ với tiến độ thị trường. Giờ mình chưa hình thành được những đơn vị mới thu hút vốn đầu tư dự án được, mà đã giải quyết tổ chức cũ thì không biết lấy gì ra mà đáp ứng nhu cầu điện.

Vậy nên không phải Chính phủ muốn duy trì độc quyền, mà vấn đề ở chỗ giảm dần độc quyền của Nhà nước (thông qua EVN) thì phải tăng yếu tố thị trường lên. Khả năng tham gia vào thị trường của các nhà đầu tư lớn thì lúc ấy mới giảm được vai trò Nhà nước. Như vẫn nói, cái gì mà thị trường không làm được, tư nhân không làm được thì Nhà nước phải làm. Giờ muốn rút vai trò Nhà nước đi thì phải khẳng định được là thể chế đầy đủ và tư nhân người ta sẵn sàng. Mà tư nhân chỉ sẵn sàng khi cơ chế giá phù hợp. Đây là lý do Tổng sơ đồ điện 7 đã đưa ra quy định như vậy.

Phó thủ tướng đánh giá thế nào về Tổng sơ đồ điện 7?

Tổng sơ đồ điện 7 chắc chắn khó khăn hơn Tổng sơ đồ 6, nhất là việc huy động vốn sẽ khó khăn hơn trước nhiều. Không phải nền kinh tế của mình khó khăn, mà kinh tế cả thế giới đều khó, huy động vốn trong và ngoài nước đều khó, trong khi phải đảm bảo tăng được 5.000 MW/năm. Đây là điều hết sức nan giải, vì vậy phải có giải pháp để thực hiện tổng sơ đồ này và huy động vốn. Nhu cầu cao hơn, vốn nhiều hơn vì giá đã lên một mặt bằng mới, chi phí đầu tư một nhà máy điện sẽ còn cao nữa, dẫn tới thu hút vốn đầu tư khó hơn. Nhưng nó cũng có tiềm năng lớn là mở ra thị trường, mở ra cơ chế điều chỉnh giá điện để giá gần tiếp cận với thị trường. Đó là lời giải cho bài toán khó về vốn. Nó cũng rất tùy thuộc vào điều kiện thị trường để ta có thể thực hiện được những bước đi như vậy.

Có ý kiến cho rằng thị trường điện hiện nay xuất phát một phần từ sự chậm trễ trong thực hiện Tổng sơ đồ điện 6. Cần phải rút kinh nghiệm gì khi thực hiện Tổng sơ đồ 7, thưa Phó thủ tướng?

Chậm tiến độ các dự án có rất nhiều nguyên nhân, phải theo từng nguyên nhân đó để khắc phục. Ở đây có nguyên nhân thiếu vốn. Thứ hai về giá. Vốn liên quan đến giá. Vừa rồi mình đưa được cơ chế điều chỉnh giá, việc này sẽ tạo điều kiện thu hút vốn tốt hơn, mặc dù giá mới cải cách được một bước, nhưng cũng là hướng mở ra để các nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng bỏ vốn ra đầu tư.

Vấn đề nữa là chuẩn bị dự án, các thủ tục trình tự dự án cũng phải tiếp tục xem xét để cải cách. Thực tế các khâu của quy trình đầu tư xây dựng cơ bản cho đến nay cũng không có vướng mắc lớn. Ngoài ra, cũng có cơ chế tạo điều kiện cho dự án làm nhanh hơn, rồi các chủ đầu tư cũng quen dần với việc làm dự án. Nhưng vẫn có việc một số chủ đầu tư yếu trong chuẩn bị dự án, chỉ huy triển khai nên phải tiếp tục cải cách, tháo gỡ vấn đề này. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất là giải phóng mặt bằng. Trong đó đa số chậm ở khâu chuẩn bị tái định cư (TĐC). Theo quy định về đầu tư xây dựng cơ bản nếu làm theo trình tự thì rất chậm: từ thống kê, đo đạc, tính phương án đền bù rồi mới làm khu TĐC thì không có gì bảo đảm tiến độ dự án cả. Khi đã biết một khâu nào đấy chậm thì triển khai sớm lên. Thực tế Chính phủ cũng có quy định cho phép chủ đầu tư ứng vốn cho địa phương để làm công tác quy hoạch và xây dựng các khu TĐC sớm hơn. Các địa phương đều không có một quỹ nhà hay đất TĐC nào mà chỉ khi động đến dự án mới làm nên bao giờ cũng chậm. Vậy nên, tạo ra được cơ chế chủ đầu tư ứng vốn ra làm sớm hơn thì cũng giúp rút ngắn dược tiến độ dự án, như tôi tính toán cũng phải cỡ 1,5-2 năm, nếu mình có vốn.

Đấy là những vướng mắc trong giai đoạn trước, mình vấp phải thì giờ phải tháo gỡ để không mắc nữa. Trong giai đoạn thực hiện Tổng sơ đồ 6, chưa bao giờ chúng ta đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn điện hằng năm khoảng 3.780 MW. Cứ thiếu như thế nên gặp rất nhiều khó khăn, đến giai đoạn này đã là 5.000 MW thì thách thức đưa ra lại càng lớn hơn nữa, đòi hỏi tất cả cơ quan, bộ, địa phương phải nỗ lực hơn nữa. Không có điện không làm được gì cả.

Tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành vào năm 2020

Tổng công suất đưa vào vận hành giai đoạn 2006-2010 của Quy hoạch điện 6 chỉ là 9.258 MW, nhưng sau 5 năm thực hiện từ 2006-2010 chỉ đạt 65,3% so với tiến độ được duyệt, phát triển lưới điện truyền tải chỉ đạt 50% so với yêu cầu của quy hoạch.

Theo Quy hoạch điện 7, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 khoảng 194 - 210 tỉ kWh; năm 2020 khoảng 330 - 362 tỉ kWh; năm 2030 khoảng 695 - 834 tỉ kWh. Quy hoạch điện 7 xác định mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,...) cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010, lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và đạt 6% vào năm 2030. Tổ máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ vận hành năm 2020; đến năm 2030 nguồn điện hạt nhân có công suất 10.700 MW, sản xuất khoảng 70,5 tỉ kWh (chiếm 10,1% sản lượng điện sản xuất).

Nguyệt Minh - Mai Hà (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.