Trước đó (14.2), sau khi cơ quan chức năng của Bình Thuận không cho tìm kiếm kho vàng núi Tàu, ông Tiệp liên tục có đơn gửi Bộ TN-MT, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận và thậm chí cả Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong tay mình đang sở hữu nhiều tài liệu mật liên quan đến việc quân đội Nhật đã chôn giấu 4.000 tấn vàng cùng nhiều báu vật khác trị giá hàng trăm tỉ USD. Và ông tha thiết đề nghị được tiếp tục tìm kiếm “kho vàng núi Tàu”.
Phía đông núi Tàu bị cày xới - Ảnh trích từ Video clip trong tư liệu của PV Báo Thanh Niên |
Một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận lý giải, sở dĩ tiếp tục cho ông Tiệp lập phương án tìm kiếm, thăm dò “kho vàng” tại núi Tàu là vận dụng những quy định của Nhà nước về xử lý tài sản bị chôn giấu hoặc phát hiện trong lòng đất. Tuy nhiên, trước mắt, ông Tiệp và các cộng sự phải trình phương án tìm kiếm để cơ quan chức năng thẩm định. Nếu phương án dựa trên nguyên tắc của pháp luật và có tính khả thi thì được cấp phép tìm kiếm.
Đại diện của ông Tiệp cho biết sẽ nộp 500 triệu đồng vào Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Bình Thuận để “thế chân” cho công việc tìm kiếm. Trước đó, vào năm 2008, UBND tỉnh Bình Thuận cũng từng yêu cầu ông Tiệp ký quỹ, nộp vào KBNN với số tiền 10 tỉ đồng để được cấp phép khai thác. Tuy nhiên, sau đó ông Tiệp không đáp ứng yêu cầu này.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Tiệp nhiều lần khẳng định có những thông tin về kho vàng núi Tàu từ những năm 1957. Theo đó, sau đại chiến thế giới thứ II, tướng Yamashita của Nhật đã đem 84 tàu chiến chở đầy vàng đến chôn giấu tại núi Tàu (H.Tuy Phong). Suốt từ 1993 - 2003, với sự giúp đỡ của ông Lê Văn Hiền (cố Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận), ông Tiệp đã bỏ ra hơn 100 lượng vàng cho việc tìm kiếm kho vàng núi Tàu, nhưng chưa có kết quả. Làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, nhiều lần ông Tiệp khẳng định, đã tìm được đến “cửa kho vàng” và hứa nếu được tiếp tục khai quật sẽ “lấy vàng thỏi lên cho mọi người xem”. Ông Tiệp nói chắc nịch với PV Thanh Niên, nếu đời ông không kiếm được, thì đời con sẽ tiếp tục.
Quế Hà
Bình luận (0)