Buôn bán tiểu ngạch, con dao hai lưỡi: Để tránh phụ thuộc

28/07/2011 23:41 GMT+7

Phụ thuộc vào thị trường TQ là điều đã được các chuyên gia kinh tế cảnh báo mạnh mẽ, khi xu hướng nông sản xuất khẩu VN bị hút sang thị trường này ngày một rõ hơn.

 

70% thanh long xuất khẩu của Bình Thuận đang xuất vào thị trường TQ - ảnh: Quế Hà

Thị trường cao cấp khắt khe

Theo Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit), VN hiện có sản lượng rau quả đứng thứ 5 châu Á nhưng chủ yếu là tiêu thụ trong nước (85%), xuất khẩu được rất ít. Trái cây VN gần đây tuy đã bước đầu xâm nhập được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc và sắp tới là New Zealand nhưng kết quả rất khiêm tốn do yêu cầu của các thị trường này rất cao. Chẳng hạn thanh long xuất vào Mỹ phải được chiếu xạ, trong khi cả nước hiện mới có 2 nhà máy chiếu xạ và chi phí cho khâu này không phải rẻ.

Trái cây xuất khẩu vào châu u phải đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất GlobalGAP hoặc tối thiểu là VietGAP. Để có được những tiêu chuẩn này nhà vườn phải trồng theo mô hình chuẩn áp dụng kỹ thuật trồng cây an toàn, tạo trái đẹp, kiểm soát chặt dư lượng thuốc trừ sâu, tuân thủ quy trình bón phân, áp dụng bao trái, ghi nhật ký… và chi phí để chứng nhận tối thiểu cũng phải mất 7.000 USD/ha.

Chúng tôi đang giảm dần sản lượng xuất khẩu trái cây sang TQ, vì thị trường này khá bấp bênh và họ chỉ mua với giá rẻ

Nguyễn Hồng Thu, Giám đốc Công ty Chánh Thu

Sự khắt khe này khiến trong nhiều năm qua, trái cây xuất khẩu chủ yếu là qua Thái Lan, Hồng Kông, Singapore và nhiều nhất là TQ (50% sản lượng trái cây xuất khẩu, trong đó trái cây tươi chiếm 80%).

Theo nhiều doanh nghiệp (DN), thị trường TQ có khoảng cách địa lý gần, xuất khẩu tiểu ngạch dễ dàng, nhu cầu thị trường cao và nhất là thị trường này dễ tính. Một ví dụ là Bình Thuận, năm 2010 tỉnh này xuất khẩu được 30.000 tấn thanh long, trong đó hơn 70% là xuất sang TQ, thanh long xuất sang Mỹ chỉ có 48 tấn.

Năm nay, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa lớn khiến doanh nhân TQ tăng cường thu gom nông sản VN bằng mọi giá. Diễn biến này trước mắt đã đem lại lợi ích cho nông dân. Một số mặt hàng như gạo, đường, củ sắn tươi trước đây không bán vào TQ được nhưng nay được tiêu thụ rất mạnh. Từ đầu năm đến nay VN đã xuất sang TQ hơn 300.000 tấn gạo, hơn 100.000 tấn đường và số lượng này vẫn tiếp tục tăng lên.

Tuy nhiên diễn biến này cũng cho thấy một nguy cơ phụ thuộc vào thị trường TQ - thị trường vốn rất bấp bênh. Rõ nhất là việc TQ mua hàng với tiêu chuẩn dễ dãi sẽ khiến người sản xuất không có động lực để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tận dụng nhưng tránh phụ thuộc

PGS-TS Phạm Tất Thắng - nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương - nhận định: “Cả thế giới hiện sợ thị trường này và cũng tận dụng thị trường này. Do vậy, chúng ta phải làm thế nào để hạn chế tác hại, tận dụng sức tiêu thụ của TQ. Chiến lược này phải được thống nhất từ cấp trung ương đến địa phương và đến được với người nông dân”.

TS kinh tế Nguyễn Văn Ngãi, Đại học Nông Lâm TP.HCM, cho rằng nếu chúng ta để bị hút vào thị trường TQ dễ tính thì sẽ không còn bao giờ có thể chinh phục thị trường khó tính. Nền sản xuất nông sản vẫn bấp bênh, phụ thuộc và kém phát triển. Hiện nông nghiệp VN manh mún, nhỏ lẻ, khó kiểm soát kỹ thuật và khó thu mua tập trung được một lượng hàng hóa đủ để cung cấp cho những đơn hàng lớn của các thị trường cao cấp.

Bà Nguyễn Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Tiền Giang), cho biết: “Chúng tôi đang giảm dần sản lượng xuất khẩu trái cây sang TQ, vì thị trường này khá bấp bênh và họ chỉ mua với giá rẻ. Không chỉ thanh long, hầu hết trái cây VN xuất khẩu qua TQ đều bị nước này ép giá. Dù yêu cầu khắt khe nhưng giá trị xuất khẩu vào các thị trường cao cấp như Mỹ, châu u cao gấp 3-4 lần so với thị trường TQ. Vì vậy, Chánh Thu đang chuẩn bị trong năm nay sẽ đầu tư mở rộng thêm khoảng 150 ha chôm chôm VietGAP sang các vùng lân cận đồng thời phát triển thêm những thị trường xuất khẩu ở châu u, Trung Đông để giảm sự phụ thuộc vào thị trường TQ”.

Nhiều DN cũng nhận thức rõ rủi ro khi phụ thuộc vào thị trường TQ, tuy nhiên, không phải DN nào cũng đủ tiềm lực để đầu tư xuất khẩu vào các thị trường cao cấp khác. Để có vùng chuyên canh nguyên liệu lớn và đồng đều về chất lượng, tự thân nông dân không thể làm được nếu sự liên kết, hỗ trợ chặt chẽ từ phía Nhà nước, DN.

Để khuyến khích nông dân sản xuất hàng hóa chất lượng cao đáp ứng yêu cầu các thị trường khó tính, TS Ngãi cho rằng trước hết Nhà nước cần hỗ trợ thông tin cho người sản xuất nắm bắt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng sản phẩm của thị trường; triển khai các chương trình huấn luyện, tập huấn; đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho nông dân; có chính sách chuyển đổi quy mô sản xuất…

Ngoài ra, các cam kết và chính sách phát triển nông nghiệp chất lượng cao phải được thể hiện rõ ràng. Những nhà đầu tư vào lĩnh vực này cần được ủng hộ bằng những chính sách cụ thể. TS Ngãi cho rằng có thể áp dụng kinh nghiệm về thành công của sản xuất lúa gạo tập trung. Khoảng 20 năm trước, so với Thái Lan, giá gạo của ta thấp hơn 10 - 20%, do nhiều yếu tố như công tác xuất khẩu không tốt, thương hiệu chưa cao… Nhưng gần đây, giá gạo của ta đã áp sát Thái Lan, nhờ đã phát triển công nghiệp chế biến, đầu tư kỹ thuật vào sản xuất và việc thu mua cũng đã cải thiện.

Ông Trần Công Thắng - Trưởng bộ môn nghiên cứu chiến lược chính sách (Viện Chính sách chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn): Khai thác cơ hội nhưng phải giữ uy tín

TQ là một thị trường lớn của VN. Thương nhân TQ tăng cường mua nông sản VN cũng là một dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, gần đây nông dân lại sản xuất nhiều mặt hàng chất lượng thấp, chẳng hạn như tôm bơm tạp chất hay chè “bẩn” bán cho TQ. Với lợi ích trước mắt (chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận cao, người mua dễ tính với yêu cầu chất lượng không cao) nông dân sẵn sàng sản xuất ồ ạt, không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Những vấn đề này ảnh hưởng rất lớn tới uy tín và chất lượng sản phẩm VN trên thị trường quốc tế. Đấy là chúng ta chưa nói đến chuyện sản xuất ồ ạt với tiêu chuẩn thấp và trong nhất thời thì khi thương nhân TQ ngừng không mua nữa, người sản xuất thua lỗ là điều không tránh khỏi. 

Để có thể khai thác tốt cơ hội do thị trường TQ đem lại đồng thời ngăn chặn những nguy cơ do chạy theo thị trường TQ, cần có những biện pháp can thiệp kịp thời. Trước mắt, chúng ta cần có những biện pháp hành chính mạnh nhằm ngăn cấm chuyện sản xuất những sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh (ví dụ như cấm sản xuất, tịch thu, phạt đối với sản phẩm chè “bẩn”). Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát việc xuất khẩu tiểu ngạch qua các cửa khẩu. Không cho phép sản phẩm vi phạm luật vệ sinh an toàn thực phẩm được xuất qua cửa khẩu. Đồng thời, cần có giáo dục, khuyến khích nông dân hiểu được những tổn hại của việc sản xuất sản phẩm chất lượng thấp gây mất uy tín hàng VN, gây hại tới người tiêu dùng và những thiệt hại nếu bên TQ họ ngưng nhập khẩu. 

Về lâu dài, chúng ta cần có chiến lược toàn diện cho việc xuất khẩu sang thị trường TQ. Để làm điều này cần nghiên cứu rõ thị trường TQ để hiểu thêm thị trường này. Xem tại sao họ nhập khẩu ồ ạt, tại sao họ nhập sản phẩm chất lượng thấp, đâu là sản phẩm cuối cùng, giá trị gia tăng của họ khi nhập sản phẩm của VN ở đâu. Chúng ta cũng phải thay đổi cách thức tiếp cận thị trường TQ, chủ động liên hệ trực tiếp không qua thương lái, hay chuyển sang xuất khẩu chính ngạch; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng tại các cửa khẩu nhằm tăng uy tín hàng VN, hạn chế những sản phẩm không đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Các DN VN phải thay đổi cách thức làm ăn với hộ sản xuất, chuyển mạnh sang liên kết chặt chẽ với hộ sản xuất để giúp họ có thị trường đầu ra ổn định không bị tác động mạnh bởi những tư vấn không tốt từ phía các tư nhân TQ, từ đó họ sẽ chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt mà quên đi hệ lụy, hậu quả sau này. Đồng thời, cùng với những thay đổi này, các DN VN cũng nên có những chính sách phát triển khác nhằm nâng cao sự cạnh tranh đối với các tư thương TQ ở thị trường nội địa, nếu không họ sẽ thua ngay tại trên sân nhà trong việc tranh giành nhà cung cấp là những nông dân VN.

Cần tổ chức liên kết người nông dân thành những tổ nhóm nhằm tăng cường sức mạnh thị trường, khả năng đàm phán và trao đổi học hỏi kinh nghiệm để có những hiểu biết sâu hơn về các vấn đề lợi hại (trước mắt, lâu dài) khi giao thương hay khi nhận được những yêu cầu từ các tư thương TQ.

Quang Duẩn

N.Trần Tâm - Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.