"Chóng mặt" ở trường quay

29/07/2011 14:25 GMT+7

(TNTS) Diễn viên Johny Trí Nguyễn chia sẻ với TNTS: "Để làm một bộ phim hay cần phải có nhiều thời gian đầu tư và chăm chút cho nó. Ê-kíp làm bộ phim đó cũng rất quan trọng, họ phải thật sự giỏi và có sự đồng lòng, ý thức tốt để tạo ra một tác phẩm hay".

Đó thật ra không phải là điều gì mới mẻ. Thậm chí có thể nói bản thân những người đã và đang góp phần tạo ra "thảm họa phim Việt" hiện nay cũng ý thức rất rõ như vậy khi làm nghề. Nhưng vì sao câu chuyện bi hài về phim Việt vẫn tiếp tục cuốn phăng tiền của, nước mắt mồ hôi... của không biết bao nhiêu ê-kíp làm phim mà chưa chịu đến hồi kết?

Cận cảnh nhiều trường quay, tiếp xúc với nhiều ê-kíp làm phim khác nhau, phóng viên TNTS đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác...

Hôm ấy lịch quay Cho một tình yêu thể hiện là đúng 6 giờ sáng tất cả mọi người phải có mặt tại Công viên Gia Định (đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) để quay phân cảnh: nhân vật nữ tên Lê (do nữ diễn viên Kiều Trinh thủ vai) bị cướp điện thoại rồi được nhân vật nam tên Long (do nam diễn viên Thành Được thủ vai), với vai trò của một "hiệp sĩ đường phố", ra tay bắt cướp, thu hồi tài sản trả lại cho người đẹp. Sau đó, "hiệp sĩ" và người đẹp nhận ra nhau là đồng nghiệp cũ, rồi chở nhau đến quán cà phê "hỏi thăm chuyện mới, ôn lại chuyện xưa", đúng như mô-típ thông thường khi những người bạn cũ lâu ngày gặp lại.

 

 

 

 

 

 
Ảnh: Lữ Đắc Long

 

 

 
Ảnh: Lê Thắng 

Hôm qua nhận lời, hôm nay... chẳng đến

Nhưng lúc chúng tôi có mặt, đồng hồ chỉ 6 giờ 30 phút, mà vẫn chưa thấy diễn viên nam. Đạo diễn Hồ Vân, sau cái bắt tay "good morning" với chúng tôi đã phải điện thoại tứ phía để tìm cascadeur vào vai hai tên cướp giật điện thoại. Hỏi một số thành viên trong đoàn phim mới biết hôm qua đã liên hệ trước với hai cascadeur nhưng không hiểu vì sao sáng nay cả hai người này đều từ chối không tham gia đóng phim nữa. Hơn 30 phút gọi điện, đạo diễn Hồ Vân cũng tìm ra được một cascadeur, vai tên cướp còn lại phải nhờ đến một anh bên... đội hậu cần đảm nhận.

Trong lúc cả đoàn cuống cuồng tìm cascadeur đóng vai kẻ cướp thì hai diễn viên có vai trong phân đoạn phải tranh thủ trang điểm. Tất nhiên họ phải tự trang điểm một mình vì cả đoàn chỉ có một người hóa trang và anh ta đang chuẩn bị trang điểm cho nữ diễn viên chính. Trang phục mà diễn viên Kiều Trinh mặc hôm đó để quay phim cũng do cô chuẩn bị. Nhưng đến đây, câu chuyện về cascadeur vẫn chưa dứt do "người đóng thế" này không chịu... ngã vào hàng rào bên lề đường theo ý của đạo diễn.

Nhưng cũng không mất nhiều thời gian. Chỉ chừng 15 phút đạo diễn Hồ Vân đã thiết lập xong đường dây câu chuyện cho cảnh quay. Và diễn viên đều biết mình phải đứng ở đâu, di chuyển như thế nào…

Đội quay phim gồm hai máy: một toàn cảnh, một cận cảnh cũng đã được chuẩn bị.

Hôm trước xanh, hôm nay đỏ

Khi tất cả đã sẵn sàng bước vào câu chuyện thì một rắc rối nhỏ xảy ra. "Ủa đoàn phim không có đạo cụ sao? Tôi không dùng điện thoại mình đâu vì nếu giật không được điện thoại rớt xuống đường, hư thì sao", diễn viên Kiều Trinh la lên. Đạo diễn lập tức quay sang một anh chàng quay phim hỏi xem có còn chiếc điện thoại dư nào không nhưng anh này lắc đầu. Cuối cùng đạo diễn phải lấy điện thoại của mình ra làm đạo cụ, mặc dù anh cũng phân vân: "Hôm bữa đã décor (cận cảnh) chiếc điện thoại màu xanh của Kiều Trinh rồi, bây giờ Trinh lại cầm cái điện thoại màu đỏ". Nhưng quay phim đã kịp trấn an: "Lấy toàn cảnh thôi mà anh, người ta không phát hiện ra sự khác nhau của hai chiếc điện thoại đâu".

Quay gần xong phân cảnh, đạo diễn Hồ Vân mới nhớ ra là Long (hiệp sĩ bắt cướp) phải đưa nón bảo hiểm cho Lê (người đẹp) do ngày hôm trước đã quay cảnh Long chở Lê và Lê đội nón bảo hiểm màu trắng, mà bây giờ trong cảnh này cái nón bảo hiểm của Lê lại màu đen. Ê-kíp làm phim lại nháo nhào tìm lại chiếc nón bảo hiểm hôm trước đã quay.

Sau khi đã có được chiếc nón bảo hiểm màu trắng, bấm máy chưa được 2 phút, đạo diễn hét ầm ĩ do quay phim phụ trách quay toàn cảnh không dùng chiếc monitor để làm việc. Thế là lại một lần nữa phải tạm dừng mọi việc để chờ mang chiếc monitor ra.

Vì phim trường chỉ là một đoạn đường nên cả đoàn phim cũng phải chấp nhận "sống chung" với xe tải, xe buýt... và cả những người đi đường hiếu kỳ có thể "bất ngờ nhìn vào ống kính". Nhưng trong lúc đạo diễn tập trung chỉ đạo diễn xuất thì người được phân công "điều tiết giao thông" đã tự ý rời vị trí từ lúc nào. Hỏi ra mới biết anh chàng này do đói bụng nên đã bỏ vào quán cà phê để ăn sáng…

Chờ diễn viên từ chiều đến nửa đêm

Lãng phí thời gian và câu chuyện "mình cô làm khổ mấy mươi người" là cảnh phổ biến nhất ở các trường quay. Một lần, khi bộ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn của đạo diễn Long Vân thực hiện cảnh quay cuộc đụng độ của hai băng xã hội đen tại bờ kè sông Sài Gòn (Q.2, TP.HCM), chúng tôi có mặt lúc 17 giờ 30 nhưng đến 20 giờ đoàn phim vẫn chưa thể bấm máy. Theo lịch thì 17 giờ sẽ bấm máy nhưng gần 19 giờ diễn viên quần chúng vẫn chưa có mặt đủ tại phim trường để chuẩn bị. Sau vài tiếng đồng hồ ngồi chờ ròng rã, lần lượt các diễn viên quần chúng xuất hiện. Khi chuẩn bị bấm máy thì bất ngờ trời đổ mưa, diễn viên quần chúng lập tức như ong vỡ tổ chạy vào... quán cóc bán súp cua trú mưa.

Một lần khác, khi theo chân đoàn làm phim Dây leo hạnh phúc chúng tôi cũng có dịp chung số phận với cả ê-kíp "đốt không" hết đến 4 tiếng đồng hồ để chờ một người. Lịch quay là 14 giờ nhưng chẳng biết sao 4 tiếng sau diễn viên T.D mới có mặt. Còn trong bộ phim Cho một tình yêu, khi quay ở Bình Dương một nam diễn viên đã làm cả đoàn phải chờ từ 14 giờ đến 24 giờ. Đạo diễn gọi điện ban đầu anh này còn nghe máy, đến lúc sau tắt máy luôn. Nhưng sau đó lại nghe máy, hứa hẹn…

Diễm Thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.