Nhật ký chiến trường của Phan Tứ

30/07/2011 14:41 GMT+7

Sau 16 năm ngày mất của nhà văn Phan Tứ (tên thật là Lê Khâm), bộ nhật ký chiến trường của ông đã được gia đình công bố và in thành sách mang tên Từ chiến trường khu 5.

Sau những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ, Phan Tứ đã bị nhiễm chất độc da cam. Trước khi đi xa, ông đã để lại nhiều tác phẩm văn học cách mạng như Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng, Gia đình má Bảy... Năm 2000, Phan Tứ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Phan Tứ ghi nhật ký trong suốt 14 năm, bắt đầu từ những ngày tháng 7 năm 1961 và kết thúc sau ngày thống nhất đất nước năm 1975. Đó cũng là khoảng thời gian người chiến sĩ Phan Tứ tham gia chiến đấu tại nhiều mặt trận ác liệt ở Quảng Nam, căn cứ Khu 5 và suốt con đường Hồ Chí Minh. Trong hàng chục cuốn sổ tay, hàng nghìn trang giấy, ông ghi lại những sự kiện đã diễn ra, những câu chuyện, cảm xúc đã trải qua, những con người đã gặp gỡ và cả ý chí, lý tưởng kiên định của người chiến sĩ trong thời kỳ chiến đấu ác liệt.

 

Nhà văn Phan Tứ

Để đảm bảo tính bí mật, Phan Tứ viết nhật ký bằng nhiều thứ tiếng khác nhau: tiếng Việt, Pháp, Lào, Nga và sử dụng cả ký hiệu riêng. Vì thế, việc dịch thuật do chị gái ông là bà Lê Thị Kinh và nhiều dịch giả, nhà văn thực hiện mất khá nhiều công sức. Hơn nữa, do tập nhật ký được viết trong những năm chiến tranh gian khổ nên nhiều trang viết đã bị mờ, mất chữ, những người thực hiện càng thêm khó khăn. Phải mất đến 5 năm, bộ nhật ký mới được “giải mã” hết.

Từ chiến trường khu 5 (gồm 3 tập), do NXB Văn học phát hành, được chọn lọc từ hàng nghìn trang nhật ký đầy xúc cảm của Phan Tứ. Từ chiến trường khu 5 bắt đầu từ lúc Phan Tứ rời Ban tuyên huấn khu 5 về đồng bằng mở ra vùng giải phóng đầu tiên Tứ Mỹ (Nam Tam Kỳ), kết thúc lúc ông chấm dứt hành trình hai tháng rưỡi đi bộ trên đường Hồ Chí Minh tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) và về đến Hà Nội sau 5 ngày đêm di chuyển bằng xe tải dưới mưa bom bão đạn.

Nhà văn Lê Anh Dũng, người tham gia biên tập bộ sách, cho biết những trang nhật ký ấm áp nhất là khi Phan Tứ viết về tình yêu, về người phụ nữ. Trong chiến tranh, do biết ngoại ngữ, nhà văn Phan Tứ còn được giao làm công tác khai thác tù binh. “Những đoạn đối thoại giữa Phan Tứ và tù binh là phi công Mỹ cho thấy ông đã khiến địch phải tâm phục khẩu phục. Đến khi trao trả tù binh, địch đã phải cung cấp tài liệu cho ta” - nhà văn Lê Anh Dũng nói.

Theo ông Nguyễn Cừ - Giám đốc NXB Văn học, bộ sách Từ chiến trường khu 5 sẽ được cung cấp chủ yếu cho các thư viện. Đáng tiếc, sách bán ra thị trường lại chưa được tính đến.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.