ĐH Luật Hà Nội: Điểm chuẩn dự kiến năm 2011 vào trường như sau: khối A: 17,5 (tăng so với năm trước 0,5 điểm); khối C: 20 (giảm 2 điểm so với năm 2010); khối D1: 18 (tăng 0,5 điểm so với năm 2010). Trường không xét tuyển nguyện vọng (NV) 2.
|
ĐH Sư phạm Hà Nội 2: Điểm thi năm nay thấp hơn năm trước một chút. Với ngành tiểu học và mầm non, đông thí sinh (TS) dự thi nên dự kiến điểm chuẩn sẽ cao. Các ngành còn lại tương đương với năm trước.
Học viện Hành chính quốc gia: Ông Đinh Văn Tiến, Giám đốc học viện cho biết: Phổ điểm thi của TS năm nay vào học viện thấp hơn năm trước một chút. Tuy nhiên, học viện sẽ giữ ổn định điểm chuẩn như năm 2010. Dự kiến dành khoảng 10% để xét tuyển NV2.
ĐH Y Hà Nội: Năm nay, điểm thi của TS cao hơn năm trước. Dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng. Trường công bố điểm chuẩn sau khi có điểm sàn của Bộ GD-ĐT.
ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội: Đã công bố điểm thi của TS những chuyên ngành thi khối S (khối thi năng khiếu). Còn những ngành khối A sẽ xét tuyển theo điểm sàn của Bộ. Các ngành tuyển sinh khối A của trường là công nghệ kỹ thuật điện tử và công nghệ điện ảnh truyền hình (50 chỉ tiêu), công nghệ điện ảnh truyền hình (hệ cao đẳng) lấy 30 chỉ tiêu. Điểm chuẩn chi tiết các ngành vào trường như sau: nhiếp ảnh: 16,5; thiết kế mỹ thuật: 13; thiết kế trang phục nghệ thuật: 15,5; diễn viên kịch - điện ảnh - truyền hình: 14,5; đạo diễn điện ảnh: 15; quay phim điện ảnh: 14; biên kịch điện ảnh: 19,5; lý luận phê bình điện ảnh: 14,5; đạo diễn truyền hình: 17,5; quay phim truyền hình: 15,5; diễn viên cải lương: 18,5; diễn viên chèo: 16; diễn viên rối: 18,5; biên kịch kịch hát dân tộc: 13; nhạc công kịch hát dân tộc (hệ cao đẳng): 17,5. TS cần lưu ý ngoài đạt điểm chuẩn này, TS phải đạt điểm chuyên môn theo quy định.
ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM: Điểm chuẩn dự kiến như sau: Điểm chuẩn nguyện vọng (NV) 1: toán - tin: 15 điểm; Vật lý: 14,5; điện tử viễn thông: 16; nhóm ngành công nghệ thông tin: 17; hóa học: 16; địa chất (khối A 14,5; khối B 17,5); khoa học môi trường (khối A 15; khối B 17,5); công nghệ môi trường (khối A 15,5; khối B 19); khoa học vật liệu (khối A 14; khối B 17); hải dương học và khí tượng thủy văn (khối A 14,5; khối B 16); sinh học: 15; công nghệ sinh học (khối A 17, khối B 20). Bậc CĐ ngành công nghệ thông tin: 10. Trường cũng dự kiến xét tuyển NV2 các ngành, khối A: toán - tin, vật lý, công nghệ thông tin, khoa học vật liệu, CĐ công nghệ thông tin; khối B: sinh học.
Ngày 8.8 sẽ có thông tin về điểm sàn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Với kết quả điểm thi năm nay, có thể khẳng định đề thi đáp ứng đúng yêu cầu của Bộ GD-ĐT, thể hiện được ý tưởng phân loại tốt trình độ TS. Tuy không có nhiều điểm tuyệt đối, nhưng điểm thi của các trường tốp đầu vẫn cao và đều hơn, nên điểm chuẩn của nhiều trường dự kiến tăng so với năm 2010. Còn ở nhiều trường tốp dưới, phổ điểm không có nhiều điểm cao nhưng không có biến động lớn, mức đạt 4-6 điểm ở các môn thi tăng nên nguồn tuyển được đảm bảo. Nhìn chung ở các khối thi, nhất là khối A, số điểm trung bình của TS nhiều hơn nên dự kiến điểm sàn năm nay không dao động nhiều so với năm 2010. Dự kiến ngày 8.8, Hội đồng xét điểm sàn tuyển sinh năm 2011 sẽ họp để quyết định việc này. Hiện tại, Bộ chưa tổng hợp hết dữ liệu kết quả thi của các trường, nhưng qua thông tin tuyển sinh trên các báo cũng như dựa vào nhận định của các trường, tôi thấy nhiều khả năng điểm sàn các khối thi sẽ tương đương năm 2010. Những trường ở các vùng kinh tế đặc thù, các ngành nghề khó tuyển... sẽ được vận dụng các nguyên tắc ưu tiên của quy chế tuyển sinh, để xác định điểm trúng tuyển hợp lý đối với từng khối ngành, sát với điều kiện thực tế. Vũ Thơ |
Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến độc giả Ngày 31.7, Bộ GD-ĐT có công văn tiếp thu những ý kiến của độc giả về điểm thi môn sử trong các kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ. Công văn nêu: Bộ GD-ĐT nhận thấy, kết quả nhiều bài thi môn lịch sử của các em học sinh đã tốt nghiệp THPT tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, không đạt yêu cầu, thậm chí chỉ được điểm 0, là một thực tế không thể xem nhẹ. Thực tế này cần được quan tâm tìm hiểu, phân tích nguyên nhân, từ đó có những giải pháp phù hợp, khắc phục những tác động tiêu cực của các nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy - học môn lịch sử, thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh. Bộ GD-ĐT xin chân thành cảm ơn và tiếp thu những ý kiến thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với việc dạy - học lịch sử ở trường phổ thông; việc giáo dục và trang bị kiến thức lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ của báo chí và độc giả quan tâm tới vấn đề này. Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận có thêm một số ý kiến: “Kết quả thi môn lịch sử thấp hơn các môn khác thì cần quan tâm và bản thân tôi cũng rất trăn trở. Tôi nghĩ dạy sử chính là để dạy cho học sinh hiểu biết thế giới xưa và nay, hiểu được truyền thống tốt đẹp của cha ông, bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước. Nên kết quả thấp như vậy cũng không thể xem nhẹ và cần phải phân tích, đánh giá một cách khoa học để rút ra những kết luận cần thiết. Tôi nghĩ, chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề này một cách toàn diện, phải nhìn thấy rõ những nguy cơ và thách thức của thời đại để có các nhận định đúng và giải pháp phù hợp. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải dạy và học ngoại ngữ, tin học ngay từ các cấp học dưới. Trong hoàn cảnh đó, việc dạy và học lịch sử, văn học và một vài môn khác không được như trước cũng là điều dễ hiểu. Còn có một nguyên nhân khác nữa: Các bạn hãy nhìn rộng ra các nước khác sẽ thấy, không chỉ ở VN có hiện tượng thế hệ trẻ xao nhãng, thờ ơ với văn học, lịch sử, cũng như các môn khoa học xã hội nói chung. Điểm thi môn lịch sử thấp và ngành sử không thu hút được nhiều người là một hiện tượng chung của nhiều nước trên thế giới. Vì sao? Theo tôi, vì tiếng nói của ngành khoa học lịch sử trong cuộc sống hiện đại hôm nay, cũng như cơ hội tìm việc làm, cơ hội có thu nhập tốt của những người giỏi sử, giỏi văn, không nhiều như các lĩnh vực khác... Điều quan trọng là phải hướng đến mục tiêu giúp các em tiếp thu được tinh thần yêu nước và truyền thống dân tộc qua mỗi bài học lịch sử, từ đó xây dựng ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với Tổ quốc, với đồng bào. Tuy nhiên, cũng không nên cực đoan mà cho rằng học sinh bây giờ không cần nhớ điều gì cả. Những ngày tháng đã trở thành sự kiện, thành dấu ấn, thành máu thịt đối với mỗi người VN thì phải dạy cho các cháu nhớ chứ!”. |
Vũ Thơ - Hà Ánh
Bình luận (0)