Ngày 31.7, hàng trăm người tuần hành tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ nhằm phản đối tình trạng cưỡng bức và lạm dụng tình dục phụ nữ. “Đã đến lúc phụ nữ Ấn Độ phải lên tiếng và đấu tranh vì sự an toàn của chính mình. Chúng tôi không phải là gái điếm và đàn ông không có quyền đối xử chúng tôi như vậy”, sinh viên Ashima Awal nói với AFP. Cuộc biểu tình diễn ra trong lúc dư luận Ấn Độ đang rất lo ngại trước tình trạng tấn công tình dục đang tăng cao, đặc biệt ở bang miền bắc Uttar Pradesh.
|
Đã hơn một tháng nhưng người dân nơi đây vẫn còn bàng hoàng vì 4 vụ cưỡng bức liên tiếp trong 4 ngày hồi tháng 6. Vụ mới nhất xảy ra vào ngày 20.6, khi một bé gái 12 tuổi bị cưỡng bức và giết hại tại làng Gajna, quận Sitapur, nằm không xa thủ phủ Lucknow. Cha bé gái báo với cảnh sát rằng em mất tích trên đường đi học và sau đó gia đình phát hiện thi thể em trong một vườn mía. Trong 3 vụ tấn công vào các ngày 17, 18 và 19.6, cũng có một nạn nhân thiệt mạng và một cô bé 14 tuổi hỏng một mắt. Đến nay, cảnh sát chỉ mới bắt được một nghi phạm, theo BBC.
Bị tấn công vì không có nhà vệ sinh
Các vụ kể trên nằm trong số hàng trăm vụ cưỡng hiếp và cưỡng hiếp bất thành ở Uttar Pradesh từ đầu năm tới nay, theo BBC. Uttar Pradesh là bang đông dân nhất Ấn Độ, với hơn 200 triệu người, nhưng có tới 60 triệu người có mức sống dưới 1,25 USD/ngày. Cái nghèo là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tội ác kinh hoàng mà phụ nữ phải gánh chịu. Nhiều nạn nhân bị tấn công khi họ đi vệ sinh ngoài đồng vì gia đình không đủ điều kiện để xây nhà vệ sinh riêng hoặc nhà vệ sinh không đủ công suất cho cả gia đình.
BBC dẫn lời Phó chủ tịch tổ chức nhân quyền PUCL - ông SR Darapuri - cho hay phần lớn nạn nhân các vụ cưỡng hiếp là phụ nữ và bé gái thuộc gia đình nghèo trong những làng hẻo lánh. Ông cho biết trước đây không lâu, tại một số khu vực thuộc vùng Bundelkhand của bang vẫn còn tồn tại tục lệ cô dâu mới của nông dân, tá điền phải ngủ với những ông hội đồng giàu có trong đêm tân hôn. Tuy hủ tục này đã bị dẹp bỏ, nhiều kẻ giàu có và thế lực vẫn giữ quan niệm mình có quyền muốn làm gì thì làm với những người nghèo khổ. Một số nhà hoạt động vì quyền lợi phụ nữ cho hay phần lớn tội phạm tình dục ở Uttar Pradesh thuộc giới nhà giàu và có ảnh hưởng chính trị lớn.
Chúng tôi từng tin rằng những vụ tấn công khủng khiếp như vậy chỉ xảy ra trong tiểu thuyết hay phim ảnh mà thôi
|
|
Roop Rekha Verma, tổ chức vì quyền lợi phụ nữ Sajhi Duniya |
Tội ác gia tăng
Bà Roop Rekha Verma, thuộc tổ chức vì quyền lợi phụ nữ Sajhi Duniya ở Lucknow, nhận định: “Tình hình ở Uttar Pradesh rất khó khăn. Có nhiều vấn đề: tội ác gia tăng, tình trạng phân biệt giới tính ngày càng nghiêm trọng, nhiều bé gái ở nông thôn lẫn thành thị đều bị tấn công”. “Những vụ cưỡng hiếp gần đây quá tàn nhẫn. Chúng tôi từng tin rằng những vụ tấn công khủng khiếp như vậy chỉ xảy ra trong tiểu thuyết hay phim ảnh mà thôi”, bà Verma ngậm ngùi nói.
Lãnh đạo đảng Quốc đại ở Uttar Pradesh là bà Rita Bahuguna Joshi nói với BBC: “Vào thời điểm này, Uttar Pradesh là một trong những nơi tồi tệ nhất đối với phụ nữ”. Theo các con số thống kê, trong năm 2009 có tới 1.759 phụ nữ bị cưỡng hiếp tại bang này, nghĩa là một ngày xảy ra gần 5 vụ.
Các con số thống kê có thể còn thấp hơn nhiều so với thực tế. Phó chủ tịch PUCL Darapuri, vốn là một cảnh sát về hưu, thừa nhận rằng cảnh sát bị cấp trên ra lệnh hạ thấp con số vụ cưỡng hiếp. Ông cho biết thêm cứ 9 vụ được báo cáo thì chỉ có một vụ được lưu vào hồ sơ và cho rằng các số liệu hiện nay chỉ mới thể hiện phần nổi của tảng băng mà thôi.
5 nước nguy hiểm nhất đối với phụ nữ Theo cuộc khảo sát gần đây do tổ chức pháp lý quốc tế TrustLaw thực hiện, Ấn Độ đứng thứ 4 trong danh sách 5 nước nguy hiểm nhất đối với phụ nữ do có nguy cơ cao về bạo hành, cưỡng hiếp, sát hại và dịch vụ y tế kém. Các nước đứng đầu danh sách trên lần lượt là Afghanistan, CHDC Congo và Pakistan, nước thứ 5 là Somalia. |
Văn Khoa
Bình luận (0)