0,5 điểm mỗi môn được vào lớp 10

02/08/2011 00:45 GMT+7

Cho đến thời điểm này, nhiều địa phương đã có kết quả tuyển sinh vào lớp 10. Việc xét hay thi tuyển còn nhiều tranh cãi nhưng điều thấy rõ nhất qua kỳ thi này là chất lượng giáo dục ở nhiều nơi có vấn đề.

Có cần thi tuyển?

Năm nay tỉnh Ninh Thuận áp dụng phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển cho kỳ tuyển sinh lớp 10.

Điểm xét tuyển dựa trên kết quả rèn luyện đạo đức và học tập của mỗi năm trong 4 năm học ở cấp THCS. Quy định cụ thể như sau: hạnh kiểm tốt, học lực giỏi: 5 điểm/năm; hạnh kiểm khá, học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt, học lực khá: 4,5 điểm; hạnh kiểm khá, học lực khá: 4 điểm; hạnh kiểm trung bình, học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt, học lực trung bình: 3,5 điểm; hạnh kiểm khá, học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình, học lực khá: 3 điểm; những trường hợp còn lại: 2,5 điểm.

 

Minh họa: DAD

Điểm xét tuyển trong kỳ tuyển sinh được tính theo công thức:  điểm thi môn toán, văn nhân hệ số 2 + điểm rèn luyện của 4 năm + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Như vậy, trước khi thi 2 môn toán và ngữ văn thì học sinh đã có số điểm của 4 năm rèn luyện từ 14 đến 18 điểm (tỷ lệ học sinh xếp loại học lực và đạo đức trong 4 năm ở cấp THCS của tỉnh Ninh Thuận thường trên 80% đạt từ 3,5 - 4,5 điểm mỗi năm). Như vậy, với các trường THPT có điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 hay 2 dưới 15 điểm như: Nguyễn Huệ, Bác Ái, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu… thì học sinh chỉ cần  mỗi môn toán hoặc văn đạt  0,5 đến 0,75 điểm là ung dung vào học lớp 10 hệ công lập.

Trong khi đó, đề thi tuyển của Sở GD-ĐT được những thầy cô giáo có uy tín và kinh nghiệm thừa nhận là vừa sức, có sự phân hóa tốt và bám sát chương trình chủ yếu của lớp 9 theo chuẩn kiến thức và kỹ năng. Thế nhưng chỉ có 2.128/8.040 học sinh có điểm toán trên 5 (26,5%) và 1.296/8.040 (16,1%) học sinh dưới 1. Riêng môn văn có 60 bài dưới 1 điểm. Điều này ngược lại với tỷ lệ ở trên đã đề cập: thường 80% học sinh có điểm rèn luyện mỗi năm từ 3,5 - 4,5 (muốn nằm trong mức điểm này, học sinh phải có học lực ít nhất từ trung bình trở lên). Số liệu này cho thấy cách dạy và học cũng như cách cho điểm học sinh hết sức dễ dãi ở bậc THCS nên trong một kỳ thi tuyển với đề thi và cách chấm thi nghiêm túc thì học sinh lại có điểm thấp. Thực trạng này diễn ra không chỉ ở Ninh Thuận mà còn là vấn đề với nhiều địa phương khác. Thêm một vấn đề nữa là có cần duy trì một kỳ thi mà thí sinh chỉ cần từ 0,5 điểm/môn đã trúng tuyển?

Nỗi lo đề sai

Đề thi ở các kỳ thi tuyển lớp 10 là một yếu tố gây lo ngại. Do kỳ thi chỉ mang tính chất địa phương nên không phải sai sót nào của đề cũng được phát hiện.

Trong kỳ thi vào lớp 10 năm nay, có ít nhất 2 sự cố liên quan đến đề thi. Ở môn ngữ văn, đề thi của tỉnh Khánh Hòa nhầm lẫn tên tác giả câu thơ trích dẫn. Đề thi môn hóa vào lớp 10 trường chuyên tỉnh Bến Tre cũng có sai sót. Câu 6 phần tự luận có số điểm là 5,5 (trên tổng số 20 điểm) có nội dung:

Cho biết (X) là hợp chất hữu cơ có chứa 2 hoặc 3 nguyên tố C, H, O:

1. Trộn 2,688 ml CH4 (đktc) với 5,376 ml khí (X) ở đktc thu được hỗn hợp khí (Y) có khối lượng 9,12 gam. Tính khối lượng phân tử của (X)

2. Đốt cháy hoàn toàn hỗn hợp (Y). Cho sản phẩm cháy hấp thụ hết vào dung dịch chứa 0,48 mol Ba(OH)2 thu được 70,92 gam kết tủa. Xác định công thức phân tử và viết công thức cấu tạo của (X)

Theo nhiều giáo viên dạy hóa, đề thi mắc lỗi sai nghiêm trọng ở đơn vị tính, đó là sự nhầm lẫn giữa hai đơn vị “lít” (l) và “mi-li-lít” (ml). Nếu đề thi cho “ml” thì bắt buộc phải đổi đơn vị ra “lít” thì mới tính được mol và làm tiếp bài. Nhưng nếu đổi ra “lít” thì số liệu trở nên rất nhỏ và chẳng thể đưa vào bài toán được.

Thí sinh H., thi vào trường, cho biết: “Khi nhận được đề thi cho đơn vị “ml” em đã rất ngạc nhiên nhưng vẫn làm theo tuần tự cách giải dạng đề này nhưng làm mãi vẫn không ra được đáp số. Biết là đề thi có vấn đề, em chuyển sang làm các câu khác và chờ thông tin sửa chữa đề từ phía giáo viên nhưng vẫn không có. Đến lúc sắp hết giờ thì em đành làm liều theo cách vẫn hay làm còn phần đáp số thì đành chịu”.

Còn theo một giáo viên: “Không những không đính chính mà trong quá trình chấm thi, chúng tôi cũng rất bất ngờ với hướng dẫn chấm thi. Hướng dẫn quy định những thí sinh nào tự ý sửa đề và làm đúng với đề đã sửa thì cho điểm tuyệt đối, còn những thí sinh khác thì chấm bình thường, làm tới đâu chấm đến đó” (!).

Về việc này, ông Lê Ngọc Bửu, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre, cho biết: “Ngay sau kỳ thi, lãnh đạo trường THPT chuyên Bến Tre đã báo cáo với Sở và phương án chấm thi vừa qua là phương án đã được Sở đồng ý. Để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho học sinh, những em nào sửa đơn vị trong bài thi (từ ml sang l) cũng được tính điểm như bình thường. Những em làm theo đơn vị trong đề thi (ml) cũng chấm không có gì thay đổi, vì vẫn ra kết quả, dù không hợp lý”. Ông Bửu còn thông tin Sở sẽ có cuộc họp kiểm điểm những cá nhân liên quan đến đề thi sai sót vừa qua.

Đình Tuấn - Đăng Nguyên - Thanh Hữu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.