Viêm gan cấp tính có thể do nhiễm độc thuốc và thực phẩm, nhiễm trùng, sốt rét, nhiễm virus… Do đó, việc ăn uống và chế độ sinh hoạt có ý nghĩa rất lớn đối với người bị viêm gan. Cụ thể một số điều cần lưu ý như sau:
- Khi phát hiện bụng trướng hơi thì tạm ngừng dùng sữa bò và đường. Khi bị viêm gan, người bệnh thường ít hoạt động, nếu sử dụng đường và chất béo quá nhiều, cơ thể dần dần mập lên sẽ có thể chuyển từ viêm gan trở thành gan nhiễm mỡ.
- Kiêng cữ các loại gia vị kích thích như tiêu, ớt, gừng, tỏi, đại hồi, đinh hương, đậu khấu… và các chất nóng, cay, chua, mặn; các món ăn được chế biến chiên xào nhiều dầu mỡ khó tiêu; thức ăn nướng, thịt hun khói, thịt muối…
- Trước bữa cơm nên cữ ăn đồ ngọt để tránh ảnh hưởng sự thèm ăn.
- Hạn chế ăn muối, mỗi ngày lượng muối dùng không quá 6 g.
- Ăn nhiều chất ngọt và chất béo hoặc ăn uống quá nhiều sẽ làm cho dạ dày và ruột không kịp tiêu hóa, sinh ra đầy bụng, tiêu chảy, ảnh hưởng tới việc hấp thụ các chất dinh dưỡng khác, sẽ tổn hại cho gan.
- Triệt để kiêng cữ thuốc lá, rượu, các thực phẩm sinh lạnh.
Viêm gan mãn tính thường gặp ở người nhiều tuổi, những triệu chứng thường gặp là: rối loạn tiêu hóa; đi cầu có khi táo bón, có khi tiêu lỏng; vàng da, vàng mắt; sợ ăn mỡ, sợ thức ăn chiên xào, không uống được rượu hoặc sợ rượu; sức tập trung và khả năng làm việc trí óc suy giảm, người mệt yếu, chóng mặt, sút cân; thỉnh thoảng bị chảy máu chân răng, chảy máu cam, chảy máu dưới da; gan to vừa và chắc, ấn vào vùng gan có cảm giác đau… Có hiện tượng hủy tế bào gan, men gan (SGOT, SGPT) tăng.
Viêm gan mãn tính có thể dẫn tới xơ gan, xơ gan cổ trướng.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)