Theo ông Hoàng Minh Hòa, Chánh thanh tra sở này, sau gần một năm chịu đựng mùi hôi, người dân tổ 34 cắt nguồn điện nhà máy, dọa đánh và đuổi các công nhân khi họ vào khu vực đóng điện. “Mất điện, bể xử lý bằng công nghệ sinh học bị chết vi sinh, ngừng hoạt động để tái tạo, vì vậy mùi hôi thối càng nồng nặc, ô nhiễm chồng lên ô nhiễm”, ông Hòa nói.
Trước đó, tháng 7.2010, chỉ sau 2 ngày đưa vào hoạt động, bể chứa 500 m3 của nhà máy đã bị bục vỡ khiến nước thải chảy tràn ra môi trường gây ô nhiễm. Tháng 8.2010, quá bức xúc vì mùi hôi, nhóm thanh niên địa phương đã đập phá nhà máy, truy sát công nhân khiến 4 người bị khởi tố.
Còn tại trạm XLNT Phú Lộc, Q.Thanh Khê, từ đầu năm đến nay, người dân tổ 24 và 25, P.Thanh Khê Tây đã 3 lần lấp và đập phá cửa xả nước thải từ trạm ra bờ sông Phú Lộc. Nguyên nhân, nước thải dù đã qua xử lý nhưng vẫn bốc mùi xú uế. Từ khi trạm vận hành năm 2009, sang năm 2010, cửa sông tại cầu Phú Lộc, vịnh Đà Nẵng bị bồi lấp, nước thải ứ đọng nên người dân càng lãnh đủ.
Trước thực trạng trên, Sở TN-MT đề xuất UBND TP Đà Nẵng mở rộng diện tích Nhà máy XLNT Thọ Quang và trồng cây xanh xung quanh tạo vùng đệm để hạn chế mùi hôi bay vào khu dân cư, đồng thời nâng công suất từ 3.000 m3/ngày đêm hiện tại lên 6.000 m3/ngày đêm.
UBND TP Đà Nẵng cũng quyết định cho thi công nối dài cửa xả nước thải từ sông Phú Lộc thẳng ra vịnh Đà Nẵng để giải quyết mùi hôi tồn tại trong khu vực dân cư. Đồng thời, Sở TN-MT TP Đà Nẵng giao cho Công ty thoát nước và XLNT thường xuyên phun dung dịch khử mùi để hạn chế ô nhiễm.
Nguyễn Tú
Bình luận (0)