Tòa Philippines triệu tập 122 ngư dân Việt Nam

04/08/2011 01:29 GMT+7

Hôm 3.8, nguồn tin của Thanh Niên từ Philippines cho biết tòa án địa phương chuẩn bị triệu tập 122 ngư dân đang bị giam giữ tại đây để lấy lời khai lần thứ hai.

Nguồn tin này được anh Dũng, một người Việt định cư tại Palawan (Philippines), thông tin qua điện thoại. Do biết ngôn ngữ nước sở tại nên anh Dũng đứng ra làm phiên dịch cho 122 ngư dân Phú Quý (Bình Thuận) đang bị giam giữ. Theo lời anh Dũng, ngày 2.8 đích thân anh đã đưa ông Phan Văn Thoại (Giám đốc Long Hải Long, doanh nghiệp đưa ngư dân sang Philippines đánh bắt) từ Palawan đến Manila để làm việc với cán bộ Đại sứ quán VN. Nhân viên Đại sứ quán cho biết đã làm việc với các cơ quan chức năng của nước bạn nhằm tháo gỡ tình hình một cách sớm nhất.

 

Thông báo của PII.Cop gửi Long Hải Long và chủ của 7 tàu cá - Ảnh: Q.Hà

Cũng theo lời anh Dũng, hiện tại tòa án địa phương đã triệu tập 122 ngư dân để làm rõ hành vi xâm phạm lãnh hải Philippines. Tại buổi làm việc, 122 ngư dân cho rằng họ đã ký hợp đồng với Công ty Long Hải Long và doanh nghiệp này đã ký hợp đồng, và cũng đã nộp tiền cho đối tác là Tập đoàn Premiere International Interfishing CORP (PII.Cop) của Philippines để được quyền đánh bắt trên vùng biển nước này. Do đó, việc (PII.Cop) không có được giấy phép của Chính phủ Philippines là lỗi từ doanh nghiệp này, chứ không phải do ngư dân.

Trong khi đó, ông Phan Văn Thoại vẫn chưa làm việc được với đối tác (PII.Cop) để có bằng chứng chứng minh với tòa án địa phương rằng: 122 ngư dân mà mình ký hợp đồng đưa ra nước ngoài đánh bắt hải sản, không vi phạm lãnh hải. 

Cũng theo anh Dũng, nếu không chứng minh được mình vô tội, theo luật pháp của Philippines, ngoài việc tịch thu tàu cá, ngư dân còn bị phạt tiền, nặng hơn thì buộc phải ngồi tù. "Hiện 122 ngư dân vẫn đang bị giam, chuẩn bị cho việc xét hỏi lần 2 của tòa án", anh Dũng nói.

Trong một diễn biến khác, hôm qua Báo Thanh Niên có trong tay tài liệu do PII.Cop chuyển từ Philippines sang cho các chủ tàu cá ở Phú Quý và Công ty Long Hải Long. Theo nội dung do Tổng giám đốc của PII.Cop ký ngày 11.5.2011 gửi cho Long Hải Long thì 7 tàu cá của VN đã được cơ quan hàng hải Philippines cấp phép dưới các mã số tàu thuyền thuộc tên của PII.Cop ở Palawan. Thông báo này yêu cầu các tàu cá của Việt Nam có mặt tại Palawan đúng vào ngày 30.5. Tuy nhiên, khi 7 tàu cá này vừa đến vùng biển của Philippines thì bị bắt. 

Bị đối tác lừa?

Liên quan đến vụ 122 ngư dân bị bắt ở Philippines, ngày 3.8, PV Báo Thanh Niên đã nhận được tờ tường trình của ông Phan Văn Thoại, Giám đốc Công ty Long Hải Long. Ông Thoại cho biết ngày 12.1.2011, ông đã ký hợp đồng và chuyển tiền cho một đối tác ở Philippines - Tập đoàn Premiere International Interfishing Corporation (văn phòng đặt tại tỉnh Palawan, do ông Kho Tho Min làm đại diện), để lo mọi thủ tục cho hoạt động khai thác nghề cá cho 7 chiếc tàu đánh cá của tỉnh Bình Thuận.

Ngày 10.5.2011, ông Thoại sang Philippines để nhận một số giấy tờ liên quan đến việc cho 7 chiếc tàu đánh cá được sang nước bạn đánh bắt cá. Sau đó, ông đã chuyển số giấy tờ này và thông báo cho các chủ tàu và hẹn ngày xuất phát cho 7 chiếc tàu đánh cá VN sang
Philippines là ngày 16.5.2011.

Theo kế hoạch, 7 chiếc tàu đánh cá sẽ dừng lại khu vực quần đảo Trường Sa từ vài ngày, trước khi đến Philippines và được đón bởi đại diện của đối tác tại Philippines vào khoảng 2-4 giờ chiều ngày 30.5.2011.

Tuy nhiên, khi 7 chiếc tàu vào lãnh hải của Philippines lúc 9 giờ sáng ngày 30.5.2011 thì bị hải quân Philippines tạm giữ. Các thuyền trưởng đã trình ra những giấy tờ đã được phía đối tác cung cấp, song phía hải quân Philippines đều cho rằng giấy tờ này không hợp lệ và các tàu và thuyền viên VN bị bắt giữ vì tội xâm nhập bất hợp pháp. Việc bắt giữ này đã làm cho 122 thuyền viên vô cùng hoang mang.

Sau khi nhận được tin, ông Thoại cho biết đã thông báo ngay vụ việc cho phía đối tác và được họ trấn an rằng sẽ can thiệp để trả tự do cho các thuyền viên. Thế nhưng, đến nay đã hơn 2 tháng trôi qua, vụ việc chẳng có gì sáng sủa, 115 thuyền viên đang bị tạm giam tại nhà tù tỉnh Palawan (7 thuyền trưởng được ông Thoại nộp tiền nên được tại ngoại để trông nom tàu).

Chiều 3.8, trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại, ông Thoại khẳng định trong vụ việc này ông cũng chỉ là nạn nhân bởi sự bội tín của phía đối tác Philippines. Ông cho biết trong 2 ngày qua (2 và 3.8) đã bay sang Manila để nhờ Đại sứ quán VN tại Philippines giúp đỡ cho các thuyền viên VN sớm được thả ra.

Ông Thoại nói rằng theo đề nghị của cán bộ Đại sứ quán VN tại Philippines, ông sẽ tìm hiểu thêm sự thật trước khi tố cáo phía đối tác Philippines với chính quyền sở tại. “Trong hợp đồng này, tôi chỉ được hưởng huê hồng 1.000 USD cho mỗi chiếc tàu VN đưa sang đây đánh bắt cá. Nhưng đến thời điểm này, tôi đã bỏ tiền túi chi phí cho vụ việc này lên đến 30.000 USD. Mong mọi người hiểu rằng tôi không lừa gạt ai và mong muốn giải quyết sớm vụ việc”, ông Thoại nói.

Minh Nam

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.