>> Kỳ 3: Sử liệu Trung Quốc nói gì?
Chang The-Kuang và S.Yeh viết rằng các đảo này có chứa “các tàn tích của khu dân cư, các vật dùng sành sứ, các dao sắt, các nồi gang và các vật dụng hằng ngày khác có niên đại từ thời Đường, Tống”. Báo cáo sơ bộ của chuyến khảo cổ học thứ hai trên quần đảo Tây Sa của tỉnh Quảng Đông ghi rằng “qua hai cuộc khảo sát, các nhà khảo cổ học đã khảo sát hầu hết các đảo, đá, bãi ngầm, các vũng của quần đảo Tây Sa và hầu như ở đâu họ cũng tìm thấy các đồ vật cổ và các lịch sử của quần đảo Tây Sa, bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta từ ngàn đời nay”.
Vấn đề đặt ra ở đây là trong luật quốc tế không tồn tại một quy tắc nào cho phép tự quy thuộc chủ quyền cho một quốc gia trên một vùng đất mà tại đó các cổ vật thuộc nền văn minh của nước đó được tìm thấy. Các cổ vật này có thể thuộc các ngư dân TQ đi lại và bị đắm thuyền trong vùng biển này, cũng như có thể thuộc các ngư dân Philippines, Malaysia hoặc của các tàu thuyền Ả Rập, Bồ Đào Nha, Hà Lan bị trôi dạt mắc nạn vào đây. Không có gì chứng minh được rằng các ngư dân TQ là những người duy nhất có các hoạt động định cư thường xuyên trên các đảo không có nước ngọt này.
Trong khi đó, năm 2001, trong khuôn khổ dự án 10 năm điều tra cơ bản khảo cổ học Trường Sa - Tây Nguyên - Nam Bộ, các nhà khoa học Việt Nam đã khai quật và phát hiện nhiều di tích khảo cổ có giá trị trên quần đảo Trường Sa. Trên chứng chỉ khảo cổ học, các nhà sử học đã xác định được các cư dân người Việt sinh sống ở Trường Sa là rất sớm, chí ít cũng phải từ thời nhà Trần và liên tục định cư, sinh sống ở đây trong các giai đoạn thời kỳ sau. Qua các hiện vật thu được, dựa trên căn cứ sử học và văn hóa học, rất rõ ràng để nhận ra có một sợi dây liên kết chặt chẽ giữa cư dân trên đảo với cư dân đất liền từ thuở sơ khai đến nay. Có thể những cư dân đầu tiên Trường Sa là kết quả của các cuộc di dân, tìm đất mới thời cổ xưa. Hoặc là các ngư dân Việt đi biển ghé vào và ở lại lâu dài, khai phá đất đai, tạo lập cuộc sống mới.
|
Chủ quyền quốc gia đã được luật quốc tế định nghĩa về mặt pháp lý. Trương Hồng Tăng và các tác giả TQ khác lập luận rằng: “Dưới thời nhà Tống, nhiều sách vở đã ghi nhận rằng những ngư dân TQ thường tới đây bắt cá và thu lượm san hô (…). Theo Chư phiên chí (ghi chép về các nước chư hầu) của Zhao Rushi (Triệu Nhữ Quát) sống dưới thời nhà Tống cách đây 700 - 800 năm, người TQ đã biết rằng các quần đảo Tây Sa và Nam Sa là những vùng nguy hiểm cho hàng hải (…). Vào thế kỷ trước, chỉ có người TQ đã sống và khai thác một cách liên tục các quần đảo Tây Sa và Nam Sa (…)”.
Sau khi đã nghiên cứu sâu sắc các tài liệu TQ, ông Heinzig, một luật gia Đức đã rút ra kết luận chỉ bắt đầu từ thời nhà Tống (960) người TQ mới có thể tiếp cận với quần đảo Paracels (Hoàng Sa). Còn về việc hiện diện của người TQ trong khu vực Spratlys (Trường Sa) không có gì ghi nhận trước 1867, thời điểm một tàu nghiên cứu Anh gặp những ngư dân TQ tới từ đảo Hải Nam. Theo Heinzig, chỉ từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất người TQ mới bắt đầu gọi quần đảo Spratlys là “Đoàn Sa Trung Đảo”. ([1])
Sự tiếp xúc riêng rẽ của những cư dân TQ cá thể đối với Paracels liệu có đủ để thiết lập chủ quyền TQ tại đó không theo luật quốc tế? Các tác giả TQ khẳng định rằng TQ phát hiện ra Tây Sa và Nam Sa cách nay 2.100 năm, vào thời Hán Vũ Đế. Đối với họ, theo luật quốc tế và tập quán quốc tế thời kỳ đó: “Chủ quyền thuộc về người phát hiện” (Who discovers the territory, holds its sovereignty), đó là ngư dân TQ, và vì vậy TQ phải có chủ quyền trên đó".
So sánh với các tiêu chuẩn thụ đắc lãnh thổ, các ghi chép mà TQ viện dẫn không đủ chứng minh rằng quyền phát hiện đã được xác lập. Một đảo hoặc một quần đảo có thể là đối tượng nhận biết từ lâu đời của các nhà hàng hải, các ngư dân, các nhà địa lý… nhưng chúng vẫn chỉ được coi là lãnh thổ vô chủ
res nullius một khi quốc gia của họ chưa tiến hành một hành động nhà nước nào tại đó. Phan Thạch Anh cố chứng minh rằng vào thế kỷ XV, XVI chỉ cần quyền phát hiện là đủ để tạo nên quyền sở hữu đất vô chủ. Sở dĩ ông ta lập luận như vậy là để chứng minh rằng các hoạt động của tư nhân TQ là đủ để tạo ra quyền phát hiện ([2]). Thế nhưng các hoạt động tư nhân của các ngư dân TQ không thể mang lại hiệu lực pháp lý của “quyền phát hiện” và nó không thể được đánh đồng với quyền chiếm hữu.
Các bằng chứng của quyền phát hiện các đảo này như đã nêu trên rất mập mờ và thiếu chính xác. Chúng ta có thể đồng ý rằng các hoạt động của ngư dân có thể kéo theo sự chú ý và ý định của nhà nước trên lãnh thổ vô chủ. Tuy nhiên, yếu tố ý chí này không đủ khi còn thiếu yếu tố vật chất của các hoạt động nhà nước trên thực địa. Người TQ sẽ chứng minh như thế nào đòi hỏi này của luật quốc tế vào thời kỳ đó?
TS Nguyễn Hồng Thao
_________
[1] Theo Nguyễn Quang Ngọc, Sđd, tr 41. Trước khi Lý Chuẩn ra Hoàng Sa năm 1909, bản đồ TQ vẫn thể hiện đảo Hải Nam là cực nam lãnh thổ TQ. Năm 1928 trường Đại học Trung Sơn tổ chức điều tra quần đảo Tây Sa, được coi là mốc đánh dấu sự hiểu biết của người TQ về quần đảo Tây Sa. Tuy nhiên, cho đến năm 1934, bản đồ TQ vẫn chưa vượt quá quần đảo Tây Sa và đảo Triton, cực nam của quần đảo, ở sát phía dưới vĩ tuyến 16 được gọi là đảo cực nam với lời giải thích đảo là cột mốc đánh dấu lãnh thổ cực nam của TQ. Trong khoảng năm 1935-1936 địa danh Nam Sa và Đoàn Sa xuất hiện trên bản đồ TQ. Nam Sa được đặt tên cho bãi ngầm Maccelesfield Bank còn Đoàn Sa để chỉ Spratleys. Từ năm 1939 tên Nam Sa mới được dùng để chỉ Trường Sa của Việt Nam, tên Đoàn Sa mất đi, còn Maccelesfield Bank được đặt tên là Trung Sa.
[2] Phan Thạch Anh, The ptropolitics of the Nansha islands-China’s indisputable legal case, Beijing, December 1995.
Bình luận (0)