Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 5.8, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, cần phải làm rõ đối tượng, các DN được miễn giảm thuế.
Ông đánh giá như thế nào về giải pháp giãn, miễn giảm thuế cho các DN vừa và nhỏ?
Chính phủ có đề xuất miễn giảm 30% thuế thu nhập cho DN vừa và nhỏ, theo tôi rất cần thiết. Mặc dù hiện nay vấn đề khó khăn nhất của DN là tiếp cận vốn, lãi suất rất cao, cần phải tập trung giải quyết bằng chính sách tiền tệ. Nhưng từ phía chính sách tài khóa, việc giãn, giảm thuế TNDN ở mức nào đó sẽ giúp các DN vừa và nhỏ có được nguồn vốn quay vòng để sản xuất kinh doanh, DN không tăng giá, qua đó gián tiếp kiềm chế lạm phát.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ |
Nhiều ý kiến cho rằng, giảm thuế đang hỗ trợ cho DN làm ăn có lãi, còn DN thua lỗ không được hỗ trợ gì?
Tất nhiên, khi miễn thuế thu nhập, DN nào có lãi mới được miễn giảm. Nhưng trong chuỗi giá trị chung, nếu DN này là bạn hàng của DN kia làm ăn có lãi, giữ hoặc giảm được giá mua, giá bán thì DN đối tác được hưởng lợi một cách gián tiếp, như chúng ta vẫn nói nôm na với nhau: “Nước lên thuyền cũng lên”. Hơn nữa, DN vừa và nhỏ có thua lỗ, năm tới nếu có lãi cũng không phải nộp thuế mà được lấy lãi của năm sau bù cho lỗ năm nay.
Việc miễn thuế cho DN, đặc biệt DN xuất khẩu, có e ngại sẽ bị phía nước ngoài kiện về hành vi trợ giá hay không?
Vấn đề trên tôi cũng chưa nắm hết và cần phải tìm hiểu thêm các quy định. Quan điểm của riêng tôi, tất cả phần thuế DN được miễn giảm không nằm trong phần hình thành chi phí và giá bán. Đây là lợi nhuận sau thuế chứ không phải trước thuế, và khi có lợi nhuận rồi mới được giảm.
Hỗ trợ thuế chỉ là chính sách nhất thời mang tính động viên, khó khăn lớn nhất hiện nay của DN là lãi suất cao, nguồn vốn khó khăn. Theo ông cần phải giải quyết như thế nào?
Giảm lãi suất là giải pháp căn cơ, tới đây khi những tín hiệu hỗ trợ phát ra rõ ràng hơn, chúng ta sẽ có giải pháp cụ thể. Hiện lãi suất liên ngân hàng giảm, lãi suất trái phiếu rẻ hơn, cần xem lại mức độ hợp lý của các chi phí, giá thành của ngân hàng. Dù ít, dù nhiều chỉ cần giảm một chút cũng hỗ trợ được DN và nền kinh tế rất nhiều.
Nhiều ý kiến còn tranh cãi về khái niệm DN vừa và nhỏ khi căn cứ vào quy mô dưới 300 người, vốn dưới 10 tỉ đồng. Quan điểm của ông như nào?
DN vừa và nhỏ theo quy định là DN sử dụng dưới 300 lao động, và vốn không quá 10 tỉ đồng. Theo tôi cần phải làm rõ từ "và" hay "hoặc".
Thứ hai, các DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực kinh doanh xổ số cũng phải cân nhắc kỹ. Vì họ dưới 300 lao động, nhưng vốn trên 10 tỉ đồng, theo tôi không nên miễn cho đối tượng này. Một số DN khác, vốn rất to, người rất ít nếu căn cứ hoặc vốn hoặc số lượng lao động có khi cũng được hưởng rất lớn như: DN kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, bất động sản; hoặc DN phân phối hàng cho nước ngoài có tổng mức lưu chuyển vốn cao, người không nhiều. Tôi nghĩ rằng, khái niệm này nên quy định rõ: DN vừa và nhỏ quy mô dưới 300 lao động và vốn dưới 10 tỉ đồng.
Bảo Cầm - Anh Vũ (ghi)
Bình luận (0)