Hữu Châu & vở kịch thơ đầu tiên

06/08/2011 15:15 GMT+7

Nghệ sĩ Hữu Châu chuẩn bị đạo diễn cho vở kịch thơ Quyền lực của tình yêu, sẽ công diễn tại Sân khấu kịch IDECAF. Đây là vở kịch thơ đầu tiên của sân khấu TP.HCM.

Hữu Châu cho biết: "Nói thật, tôi thấy mình giống như... con lân, đang nằm lim dim nhưng hễ pháo nổ cái đùng là nó bật dậy nhảy múa tưng bừng. Bấy lâu nay, tôi đi diễn hài hoài, riết rồi thấy chán, cứ mòn mỏi, vô vị làm sao. Đùng một cái, có một vở như Bí mật vườn Lệ Chi hay Ngàn năm tình sử, là tôi bật dậy sôi sục máu nghề. Bây giờ tới vở Quyền lực của tình yêu, anh Thành Lộc vừa đưa cho tôi đọc là tôi mê ngay. Thứ nhất, mê nội dung của vở, nhắc nhở mỗi người chúng ta đừng chạy theo lòng tham và quyền lực mà quên đi những hạnh phúc gần gũi chung quanh. Hạnh phúc đó không chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn hiểu rộng ra là tình thương gia đình, tình bạn bè, đồng nghiệp, làng xóm... Thứ hai, tôi mê những lời thoại thơ rất hay, rất đẹp mà tác giả Nguyễn Quang Vinh đã viết chăm chút, đầy chất văn học". 

 
Thành Lộc - Hữu Châu trong vở Ngàn năm tình sử - Ảnh: H.A.T 

Khi dựng, anh có nghĩ đến yếu tố bán vé hay là chỉ làm cho "đã" tay nghề? Và anh tin điều gì sẽ đặc biệt thu hút người xem?

Chúng tôi là đơn vị xã hội hóa, phải nghĩ đến nồi cơm của anh em chứ. Tôi sẽ cố gắng hết sức dùng những "chiêu" để vở kịch hấp dẫn, đông khách. Nhưng tôi nói thật, chúng ta đừng coi thường khán giả của mình, đừng nghĩ khán giả không có trình độ thưởng thức. Bởi chúng tôi đã thử sức với các vở như Bí mật vườn Lệ Chi, Một cuộc đời bị đánh cắp, tưởng khó bán vé ai ngờ vẫn đông kín rạp. Tôi nhìn xuống khán giả, lòng dâng trào xúc động và quý trọng họ. Tôi ghét nhất câu "phải nâng cấp khán giả". Họ dư sức xem chúng ta, chỉ tại chúng ta đưa ra sản phẩm nào thì sẽ có đối tượng khán giả phù hợp với sản phẩm đó. Và điều đặc biệt thu hút lần này là "lạ". Vở kịch thơ đầu tiên, không lạ sao được. Chắc chắn nhiều người sẽ tò mò đến xem.

Là kịch thơ, nên các lời thoại đều là thơ hoặc văn biền ngẫu, anh có lo diễn viên miền Nam bị hạn chế về giọng đọc, giọng ngâm so với diễn viên miền Bắc?

Không có gì hạn chế cả. Vấn đề là tiếng nói sân khấu có tốt hay không, biết nhấn nhá, biết trọng âm, đúng chính tả. Dàn diễn viên kịch IDECAF khá tốt về tiếng nói sân khấu, nhất là vai chính đã do anh Thành Lộc đảm nhận, tôi bớt gánh nặng rất nhiều. Còn Mỹ Duyên, Hồng Ánh, Hoàng Trinh, Đức Thịnh, Đình Toàn, Lương Thế Thành... đều chững chạc. Tôi không chủ trương thoại thơ phải ca cẩm, ngâm nga như cải lương, mọi người cứ yên tâm. 

Còn trang phục có phải rực rỡ để đúng là... cổ trang?

 Tôi không sử dụng xanh đỏ tím vàng hay mắt gà, kim sa gì hết. Chỉ một tông màu nền nã, nhưng ẩn chứa sự âm ỉ và dữ dội. Hiện nay anh Ngọc Tuấn đã thiết kế xong trang phục và chuẩn bị may. Họa sĩ Lê Văn Định thiết kế sân khấu, nhạc sĩ Việt Anh viết nhạc, đều rất chăm chút. Ngay những màn múa tôi cũng tính toán thật kỹ. Làm sao để vở diễn đẹp và sang trọng.

Cuối cùng, cảm nhận của mọi người là anh rất mê sử. Càng lớn tuổi, hình như anh càng có ý định bỏ hài để theo sử?

Nói đơn giản thế này, tôi diễn hài để nuôi má tôi, và tôi diễn sử, diễn bi kịch để nuôi tôi, là nuôi máu nghề, nuôi khát vọng. Thị trường kịch hài, phim hài luôn dễ kiếm tiền cho cuộc sống đời thường của diễn viên, làm sao bỏ hẳn được. Nhưng phải có những giây phút thăng hoa với nghề, nếu không tôi sẽ chết mòn. Tôi đặc biệt mê sử, vì sử Việt quá hay, ta chưa khai thác hết. Hai tháng nay, kể từ khi cầm kịch bản, tôi thường ngồi một mình, trầm ngâm, đắm mình trong tưởng tượng để hình dung ra những đường dây dàn dựng. Dù chỉ là vở dã sử, nhưng bài học về lòng tham con người thì thời nào cũng giống nhau. Xin hãy chú trọng đến sử để con cháu chúng ta còn cái gốc, còn tâm hồn Việt mà sống.

Hoàng Kim
(thực hiện) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.