Xóa bỏ rừng ma

06/08/2011 16:18 GMT+7

Đinh Krăng bây giờ được ví như huyền thoại của cộng đồng người Bana. Từ miền đất hoang vu xa xôi bạt ngàn cỏ dại, ông đã kỳ công dựng xây nên làng Hà Ri của núi rừng Vĩnh Thạnh (Bình Định) trở thành kiểu mẫu không chỉ của mô hình làng đồng bào dân tộc thiểu số trong nước...

Kỳ tích lập làng

Ngôi làng Hà Ri bé nhỏ ngày nào giờ đã vang danh khắp xứ. Tên tuổi của làng luôn gắn liền với huyền thoại già làng Đinh Krăng giữa đại ngàn. Ở miệt rừng sâu núi thẳm nhưng việc gì Đinh Krăng bắt tay vào làm, dẫu từ lúc còn trẻ cho đến khi tuổi đời xấp xỉ cây đa trăm tuổi lừng lững phía đầu làng cũng đều “ngoại hạng” và chưa từng có tiền lệ trước đó.

Chị Hà, người dân tộc Chăm, con dâu của Đinh Krăng khi biết chúng tôi đến đã lật đật lấy xe máy chạy ngược lên rẫy chở về “vì ông cụ từ sáng sớm đã đi tỉa vườn bạch đàn và cho cá ăn”. Chị Hà bảo dù Bók (tiếng Bana gọi là ông) đã 84 tuổi rồi nhưng còn mạnh khỏe lắm, cứ lên rẫy ra vườn cần mẫn phụ giúp con cháu lao động suốt ngày.

 
Già làng Đinh Krăng  - Ảnh: Đình Phú 

Đinh Krăng ít nói về mình, về những công lao mà ông đã cống hiến cho buôn làng thân thương nơi mình sinh ra, lớn lên và gắn bó gần trọn cả cuộc đời. Những việc ông làm in sâu tâm trí mọi người như đã “nói hộ” cho ông. Những năm đầu thống nhất đất nước, thói quen du canh du cư, phát đốt cốt tỉa khiến đời sống đồng bào luôn bấp bênh, thường xuyên chịu đựng đói khát và dịch bệnh. Luôn bị ám ảnh bởi điều này, Đinh Krăng liền nghĩ đến chuyện tính kế an cư lạc nghiệp cho buôn làng.

Ngược dòng Krông Bung (còn gọi là sông Kôn) đến dưới chân núi Hòn Dựng và Hòn Gió, trước mắt ông là một thung lũng phì nhiêu, xinh đẹp. Hai con suối Tmá, Thom và thác Ba Chiểu nước xanh trong bốn mùa chảy quanh làng. Chọn được vị trí “hợp phong thủy”, ông đi gọi dân làng ở rải rác khắp các sườn đồi tụ tập về và đứng ra thuyết trình “triển vọng phát triển làng”. Mọi người nghe đều tỏ ra ưng cái bụng, sau đó lũ lượt từ bỏ “cuộc sống người rừng” cùng nhau bắt tay vào công cuộc lập làng.

Có đất, có làng, nhưng mọi người lại đang “đi một chân” vì tâm lý ỷ lại chính sách ưu đãi của nhà nước, một số chỉ biết ngồi chờ đến tháng nhận gạo mà không chịu tăng gia sản xuất. Trăn trở trước thực trạng các hộ gia đình cứ thích vào diện nghèo bởi “không làm cũng có ăn”, Đinh Krăng tiếp tục bàn chuyện xây dựng nếp sống văn hóa mới cho đồng bào mình. Ông bảo với mọi người rằng, chấp nhận sự nghèo khó là nỗi nhục và đồng bào phải biết tự đi trên đôi chân của mình. Đinh Krăng lại ngày đêm bày cách cho đồng bào mình trồng lúa nước, lập vườn, đào ao thả cá, làm chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm…

Huyền thoại

Đinh Krăng bây giờ được ví như huyền thoại của cộng đồng người Bana.

Mới đây, đoàn cán bộ trung cao của nước bạn Lào khi sang Bình Định thăm và làm việc đã đến Hà Ri tham quan mô hình mới xây dựng làng đồng bào dân tộc thiểu số. Dù tuổi đã cao, trí lực Đinh Krăng vẫn còn rất tinh anh, rành rẽ giới thiệu bản đồ quy hoạch làng do chính ông lập nên. Các lĩnh vực từ sản xuất, quỹ đất dành cho dân cư, trường học đến vui chơi giải trí; hạng mục, công trình… thể hiện trên bản đồ đều hết sức bài bản đâu ra đấy.


 Người làng Hà Ri vẫn giữ cách ăn mặc truyền thống của đồng bào Bana - Ảnh: Đình Phú

Cách Đinh Krăng làm khiến mọi người phải… ngả mũ bái phục! Công trình đầu tiên ông làm vào năm 1996 là nhà văn hóa vì lúc đó làng đang thiếu nhà rông. Muốn làm nhưng không có đồng nào, Đinh Krăng bảo phải năm lần bảy lượt họp dân làng mới thống nhất được phương án tối ưu. Phải có tiền cục, chứ góp tiền lẻ thì không biết đến bao giờ có đủ để làm vì vật giá leo thang, lo sợ công trình bị “treo”. Vậy là Đinh Krăng và 12 người trong làng đứng ra vay vốn nhà nước 80 triệu đồng mua sắt thép, xi măng. Đất đá xây dựng thì quy ra bình quân mỗi người phải ra suối “cõng” về 2m3. Không phân biệt người già, trẻ em. Ai không đủ sức “cõng” thì những người còn lại trong gia đình phải “cõng” thay. Phương án trả tiền vay cũng được chia đều cho mỗi đầu người đóng góp trong vòng 3 năm sau khi công trình hoàn thành. Bà con nhờ đó ai cũng biết cách dè xẻn chi tiêu để không bị mang tiếng “xù nợ công ích” của làng.

Nhà văn hóa xây dựng kiên cố hoàn thành, Đinh Krăng thiết lập quy chế làm việc cho cán bộ thôn làng hết sức chặt chẽ. Người đứng đầu các hội, đoàn thể dù hằng tháng nhận mức hỗ trợ chỉ có 120.000 đồng nhưng theo lời của già làng, họ phải luân phiên trực để giải đáp thắc mắc, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân làng, xử lý những bức xúc mới phát sinh và không để xảy ra đơn thư khiếu nại vượt cấp. Lãnh đạo tỉnh và huyện về thăm đã khen nức nở, sau đó không ngần ngại quyết định “rót vốn” cho Đinh Krăng làm đường bê tông giải quyết chuyện khó khăn đi lại của dân làng. Với số tiền 40 triệu đồng và 150 tấn xi măng tỉnh hỗ trợ làm 1 km trục đường chính băng qua làng, cũng với phương thức huy động sức dân làng góp 30 ngày công và 1m3 đất đá/người, Đinh Krăng không chỉ hoàn thành vượt chỉ tiêu 60m mà còn tiết kiệm được nguyên vật liệu để dành làm thêm chợ cho dân làng nhóm họp buôn bán.

Xóa luật tục lạc hậu

Hà Ri sớm trở thành làng văn hóa đầu tiên của đồng bào Bana, và đặc biệt là ngôi làng đồng bào duy nhất có nghĩa địa dành cho người chết. Tất cả đều nhờ vào công sức của “kiến trúc sư trưởng” Đinh Krăng. Với Đinh Krăng, xây dựng làng văn hóa thì mọi chuyện khác cũng phải văn hóa. Người sống đối xử với nhau có văn hóa, thì cũng phải biết đối xử với người chết có văn hóa. Luật tục bỏ mả của dân làng làm người chết mất tên, mất họ, thân xác khuất lấp giữa những tán rừng ma.

Tự mình chọn đất và quy hoạch khuôn viên nghĩa địa, nhưng phải mất gần 10 năm tích cực vận động, dân làng mới bắt đầu xóa bỏ luật tục lạc hậu, đưa người chết vào mai táng, xây dựng bia mộ bài bản. Đinh Krăng mừng khôn xiết và lại hướng dẫn cho mọi người hằng năm tổ chức giỗ kỵ, ngày tết cổ truyền làm cơm mời ông bà tổ tiên về sum vầy cùng con cháu.

Khi đề cập đến tương lai của làng, Đinh Krăng lập tức đưa ra bản quy ước mà cũng do chính ông soạn thảo và công bố từ nhiều năm trước, đọc: “Trách nhiệm của hộ tự chủ xây dựng gia đình nếp sống mới trong thế kỷ 21: Gia đình là tế bào của xã hội, có mâm cơm ngon, canh ngọt và các thứ, là nơi quy tụ tổ ấm của con cháu, là nơi có điều kiện ma chay, con cháu khỏe mạnh. Do đó, từng hộ phải phát huy vai trò tự chủ, chủ động giáo dục gia đình phấn đấu thực hiện khẩu hiệu đề ra cho thế kỷ 21: đi lại dễ dàng, ở sang, ăn ngon, mặc đẹp, ngủ yên…”.

Ngôi nhà người già làng gạo cội của đồng bào Bana nơi này không bề thế cho lắm, nhưng trên những bức tường treo chi chít đủ loại bằng khen, giấy khen. Ông trì chí suốt cả cuộc đời làm những việc tưởng như không thể để dân làng biết ý thức, tự lực tự cường và biết “đi” trên đôi chân của mình.

Trong lòng đồng bào Bana, ông như một huyền thoại giữa đại ngàn. 

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.