Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Sẽ mở rộng quyền giám sát của ĐBQH

07/08/2011 02:03 GMT+7

Tại cuộc họp báo về kết quả kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII, tổ chức cuối giờ chiều qua 6.8, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trao đổi cởi mở, thẳng thắn với báo giới xung quanh những dự định mà QH cũng như cá nhân ông sẽ cố gắng thực hiện trong nhiệm kỳ này.


Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trả lời tại buổi họp báo 

Thưa Chủ tịch QH, việc đổi mới của QH sẽ được thực hiện như thế nào, nhất là trong việc thực hiện chức năng giám sát các công trình trọng điểm quốc gia, giám sát quyền khiếu nại tố cáo của cử tri?

QH đổi mới gì thì đổi mới cũng phải xoay quanh chức năng, nhiệm vụ của mình (lập hiến, lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng; giám sát) để tiến hành. Nội dung đổi mới thì phải đổi mới gì? Với chức năng lập hiến, lập pháp thì phải đổi mới chương trình, lựa chọn cho đúng chương trình, lựa chọn cho sát với yêu cầu của thực tiễn đang đòi hỏi để mà xếp đặt thứ tự ưu tiên, chuẩn bị cho chu đáo, tránh tình hình có những luật ra rồi nhưng khi vào thực tiễn lại phải sửa ngay.

Thứ hai, phải đổi mới quy trình làm luật, đổi mới các bước từ lúc soạn thảo, thảo luận, đến lúc thông qua các cấp. Toàn bộ quy trình này phải được tiến hành chặt chẽ. Phải chỉ đạo, giám sát làm sao để luật, pháp lệnh đã ban hành đi vào được cuộc sống.

Đối với chức năng quyết định những vấn đề quan trọng, mỗi ý kiến ĐB khác nhau nhưng phải chọn lọc vấn đề gì cần đưa ra QH quyết chứ không phải cái gì cũng đưa ra QH quyết, đó phải là những vấn đề quan trọng thực sự.

Quyết định đúng mà không thực hiện thì phải giám sát kỹ. Thứ nhất là phải lọc việc giám sát cho trúng. Cần giám sát cái gì thì phải giám sát đến nơi đến chốn, xây dựng chương trình, định hướng nội dung giám sát là phải kỹ càng. Chuẩn bị tốt nhất trong điều kiện có thể để tổ chức giám sát tốt nhất.

Nếu cứ chờ mỗi năm QH họp 2 lần mới giám sát thì ít quá, có thể mỗi tháng một lần các ủy ban sẽ tổ chức họp, giám sát sẽ sâu sát vấn đề hơn. Khi giám sát như vậy thì không chỉ có thường vụ, những ĐBQH quan tâm, ĐB chuyên trách..., nếu có nhu cầu thì xin mời dự. Từng đại biểu, từng đoàn có chương trình riêng, tiến hành giám sát phù hợp với những vấn đề, điều kiện của địa phương. Đại biểu đó có quyền đi giám sát nội dung đó ở Trung ương. Chủ trương là sẽ mở rộng quyền giám sát như vậy, đại biểu không chỉ đi giám sát ở địa phương mình như hiện nay.

Việc đổi mới và nâng cao vai trò của ĐBQH được xem là một giải pháp nhằm giúp cho QH hoạt động ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, ở nhiệm kỳ lần này, ĐBQH kiêm nhiệm chiếm tới khoảng 70%. Vậy trong bối cảnh này, xin Chủ tịch cho biết QH sẽ có giải pháp gì để tiếp tục đổi mới và phát huy vai trò của các ĐB?

ĐB chuyên trách của QH hiện nay là 33%, so với QH lần trước là tăng được khoảng 4-5%. Có thể sẽ tăng nữa trong nhiệm kỳ tới, nhưng tôi xin nói thế này: nếu QH chỉ làm QH thôi thì không gắn với thực tiễn. Suốt ngày ngồi nghiên cứu luật và đi giám sát mà không bám sát với cuộc sống thì xây dựng luật làm sao được.

Cho nên phải có ĐB chuyên trách và không chuyên trách thì mới kết hợp tốt được. Những đồng chí lăn lộn trong thực tiễn chính là những đồng chí có thể đặt ra những yêu cầu chính xác hơn trong yêu cầu của công tác lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng cũng như là công tác giám sát.

Xin Chủ tịch cho biết, việc chuyển từ vai trò Phó thủ tướng sang Chủ tịch QH mang lại cho ông những thuận lợi, khó khăn nào trên cương vị mới? Chủ tịch có e ngại, một lúc nào đó đang ngồi ghế điều hành mà ông bị nhầm vai không?

Chắc là sẽ không "nhầm vai". Đang ở Chính phủ mà sang điều hành QH thì cũng có nhiều thuận lợi. Như tôi đã nói ở trên, khi một ĐBQH đã sâu sát với thực tế cuộc sống thì trường hợp của tôi cũng na ná như vậy. Nếu đổi mới được hoạt động, bám sát được chức năng nhiệm vụ đã có thì sẽ hoàn thành tốt.

Còn cái khó, tôi cũng xin nói thật là làm thủ trưởng thì cũng có cái khác, cho ai nói thì nói, không cho nói thì thôi; đồng thời nghe thì nghe mà không nghe thì "quên". Nhưng làm QH thì không thể như thế được. Tôi cũng nói với các đồng chí trong QH là thời gian đầu có thể nếu tác phong của tôi đôi lúc còn như vậy thì mong các đồng chí thông cảm. Nhưng mà tôi sẽ tập để làm tốt nhiệm vụ của mình để không ngồi "nhầm vai". Nếu điều hành QH mà cứ quyết đại đi thì là nhầm vai, làm như chế độ thủ trưởng là sẽ nhầm vai.

Chế độ thủ trưởng khác với chế độ của công tác nghị trường là ở chỗ ấy. Tôi cũng sẽ phải cố gắng.

Thưa Chủ tịch, trong kỳ họp vừa qua Chính phủ có báo cáo QH tình hình biển Đông. QH có yêu cầu gì với Chính phủ về bảo vệ chủ quyền quốc gia trong bối cảnh hiện nay?

Về vấn đề biển Đông, quan điểm của chúng ta là muốn hòa bình, hợp tác, hữu nghị, độc lập, dân chủ, gìn giữ hòa bình, ổn định của thế giới.

Chủ quyền, quyền chủ quyền thì phải đấu tranh để bảo vệ. Đó vừa là nguyện vọng, vừa là trách nhiệm của cả dân tộc ta nhưng đồng thời phải phù hợp với pháp luật quốc tế và những cam kết quốc tế, đó là Công ước Luật Biển 1982. Quan điểm của ta là đấu tranh để bảo vệ chủ quyền và làm hết sức vì sự hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.

 Tuệ Nguyễn (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.