Không ly hương
Cuối năm 2003, Quách Văn Hợp (thôn Cốc Lẫm, xã Kim Truy, H.Kim Bôi, Hòa Bình) hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương giữa lúc thanh niên nô nức rủ nhau tìm đường lên thành phố kiếm việc làm. Chân ướt chân ráo về làng, Hợp chọn con đường ở lại quê hương, xin học việc trong xưởng mộc nằm ngay trong xã.
|
Nhu cầu đóng mới, sửa chữa đồ nội thất rất cao, xưởng mộc làm quanh năm không hết việc. Cộng với sự cần cù chịu khó, Hợp nhanh chóng tích lũy kinh nghiệm kỹ thuật thi công đồ nội thất. Năm 2007, với vỏn vẹn 10 triệu đồng tiết kiệm sau gần ba năm làm thợ mộc và tiền vay ngân hàng, Hợp tự tin thành lập xưởng mộc của riêng mình.
Thời gian đầu, Hợp nhận đóng mới bàn ghế, giường tủ cho anh em trong họ. Vốn là người cẩn thận, anh luôn chăm chút từng sản phẩm trước khi xuất xưởng bàn giao cho khách hàng nên người dân các xã lân cận tìm đến đặt hàng ngày càng nhiều. Một mình không thể "ôm" hết việc, Hợp thu nhận các bạn trẻ vào xưởng, vừa để có người hỗ trợ vừa thực hiện đào tạo nghề theo kiểu cầm tay chỉ việc. Đến thời điểm này, đã có 7 học viên "tốt nghiệp" từ xưởng mộc, đều tìm được việc làm ổn định, trong đó có 3 người làm tại xưởng với thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng. Có vốn tích lũy, Hợp tiếp tục mua sắm hàng chục máy móc, dụng cụ hiện đại, tổng trị giá lên tới hàng trăm triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, Hợp luôn trăn trở suy nghĩ tìm việc giúp đỡ thanh niên, thuyết phục không ly hương đi làm ăn xa. Ngoài xưởng mộc, Hợp nhận đấu thầu hơn 2.500m2 đất bờ bãi mở trại ươm cây con giống, nhận trồng và chăm sóc 5 ha rừng tự nhiên, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Thành công với macadamia
Giữ cương vị Trưởng phòng Kỹ thuật - sản xuất, Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản Sơn La nhưng kỹ sư Hoàng Văn Cầm (tiểu khu 15, thị trấn Hát Lót, H.Mai Sơn, tỉnh Sơn La) rất ít khi ngồi làm việc trên bàn giấy. Anh dành nhiều thời gian lăn lộn với công nhân trên nông trường, tìm tòi nghiên cứu cải tiến nhiều loại vật nuôi, cây trồng cho hiệu quả năng suất cao. Nói đến Cầm là anh em trong đơn vị nhắc đến hàng chục công trình khoa học, sáng kiến có giá trị. Nổi bật nhất là phương pháp giâm hom cây macadamia. Đây là loại cây công nghiệp xuất xứ từ Úc, lấy quả thương phẩm dùng ép lấy tinh dầu, làm nhân bánh kẹo.
Trước năm 2006, cây macadamia được nhập khẩu về Sơn La qua một số doanh nghiệp trung gian trong nước. Giá thành cao, lại phụ thuộc vào nhà cung cấp là lý do khiến Cầm kiên trì nghiên cứu tìm ra phương pháp giâm hom cây trồng này, cung cấp thị trường trong nước.
Sau gần 3 năm lao tâm khổ tứ, công trình giâm hom cây macadamia ngốn khá nhiều cây giống, tổn thất về kinh tế. Trải qua 6 lần thực nghiệm, cây giống vẫn chết hoàng loạt. Ở lần cuối cùng, công nhân dọn vườn phát hiện tỷ lệ rất thấp các hom cây nhú rễ mới. Có tia hy vọng, Cầm tiếp tục cải thiện công đoạn pha chế chất kích thích, xây dựng thành công quy trình giâm hom. So với phương pháp chiết, tỷ lệ cây sống trong giâm hom luôn đạt hơn 80% và rút ngắn thời gian mang giống đi trồng tới 6 tháng.
|
Công trình giâm hom cây macadamia bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, mỗi hom cây xuất vườn có giá hơn 50.000 đồng. Khu đồi diện tích 7.000m2 trồng cây này trên nông trường thị trấn Hát Lót bắt đầu cho thu hoạch. Quả tươi được doanh nghiệp trực tiếp thu mua với mức giá trên dưới 250.000 đồng/kg. Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi thủy sản Sơn La đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị đưa macadamia vào cơ cấu cây trồng của tỉnh. Thành công trong phương pháp giâm hom cây macadamia của Cầm đang góp phần thắp lên niềm hy vọng làm giàu cho nông dân tại nhiều huyện ở tỉnh miền núi Sơn La.
Trao giải thưởng cho 300 nhà nông trẻ xuất sắc Giải thưởng Lương Định Của lần thứ VI, năm 2011 được trao cho 300 nhà nông trẻ xuất sắc lựa chọn từ khắp các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước, với sự tài trợ chính của Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí. Tối ngày 7.8, tại Thái Bình, T.Ư Đoàn sẽ trao giải đợt đầu tiên cho 100 nhà nông trẻ xuất sắc khu vực miền Bắc. Trong số đó, có 32 người là tộc thiểu số, 8 người đạt doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm. Các mô hình kinh doanh, sản xuất của 100 nhà nông trẻ góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 768 lao động và hàng vạn ngày công theo mùa vụ. |
Phan Hậu
Bình luận (0)