Thông rạch Bà Bướm
Gần hai ngày làm việc cật lực, hơn 400 sinh viên tình nguyện (SVTN) đã trả lại nguyên vẹn cho con rạch Bà Bướm.
Là một nhánh nhỏ của sông Sài Gòn, rạch Bà Bướm nằm trên địa bàn P.Phú Thuận, Q.7 (TP.HCM), bị bỏ hoang nhiều năm nay, khiến cỏ và lục bình bao phủ dày đặc, làm bít luôn dòng chảy thoát nước, trở thành nơi trú ẩn cho ruồi muỗi sinh sôi.
Dưới cái nắng gay gắt, mùi hôi thối từ con rạch này bốc lên nồng nặc, nhưng không vì thế mà làm chùng bước SVTN. Một nhóm SV nam cầm theo liềm, cuốc xung phong lội xuống dòng nước đen ngòm để cắt cỏ, vớt rác, lục bình rồi buộc lại thành bó kéo vào bờ. Những đống rác, lục bình sau khi kéo vào bờ sẽ được một nhóm SV nữ dùng dao, rựa băm nhỏ ra hốt bỏ vào sọt để nhóm khác khiêng đổ lên xe ép rác cách đó khoảng 300m. Công việc cứ thế lặp đi lặp lại như một quy trình khép kín với cường độ rất nhanh. Không khí tại hiện trường lúc nào cũng giòn giã tiếng reo hò, hát ca đã làm cho khu phố 2, khu phố vốn yên ắng bỗng vui như ngày hội.
Quần áo lấm lem bùn sình, Hoàng Tâm - SV trường ĐH Sài Gòn, cho biết: “Mỗi lần vớt lên được đống rác, mớ lục bình chuyển lên xe đổ rác em lại cảm thấy rất vui. Chỉ mong sao góp một phần công sức nhỏ bé của mình làm thông thoáng con rạch này để không còn chỗ cho ruồi, muỗi trú ẩn”.
|
Thấy nhóm SVTN hăng say làm việc, chị Phạm Thị Tuyết Nhung - một người dân ngụ tại khu vực này, tỏ vẻ thán phục: “Từ trước đến giờ tôi cứ nghĩ SV chỉ lo học hành, nghiên cứu khoa học hoặc làm những công việc nhẹ nhàng chứ đâu ngờ các em tham gia làm những việc nặng nhọc như thế này, mà làm rất giỏi nữa chứ, thấy thương các em quá”.
Nguyễn Thanh Hồng - SV trường ĐH Tài chính - Makerting tâm sự: “Mấy năm trước, vào dịp hè mình phải bươn chải đi làm thêm để trang trải cho cuộc sống nên không có dịp tham gia tình nguyện. Lần đầu tiên tham gia chương trình này, được đóng góp một phần công sức của mình để làm cho con rạch này thêm xanh thêm sạch hơn, tạo môi trường trong lành cho bà con nơi đây”.
Còn Nguyễn Công Thành - SV trường ĐH Tôn Đức Thắng thì chia sẻ: “Theo mình, ngoài việc học, mỗi SV nên dành ra một ít thời gian tham gia các hoạt động tình nguyện để góp phần giúp ích cho xã hội. Không những thế, khi tham gia các hoạt động tình nguyện, chúng ta sẽ có cơ hội tự rèn luyện bản thân, sống có trách nhiệm và biết chia sẻ với cộng đồng”.
“Tôi sinh sống ở đây nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên thấy SVTN làm những công việc rất có ý nghĩa như thế này. Qua những việc làm của các em không những làm cho con rạch này được sạch sẽ, thông thoáng mà điều quan trọng hơn nữa là góp phần làm thay đổi nhận thức của một số người dân trong khu vực vốn có thái độ thờ ơ với môi trường”, anh Nguyễn Văn Phong - một người dân ở khu vực nói trên, tâm tình.
Để khai thông con rạch này, 400 SVTN dự kiến phải mất ít nhất 3 ngày nhưng với tốc độ làm việc lăn xả, cật lực nên chưa đầy 2 ngày công trình đã hoàn tất.
Lê Thanh
Khai hoang đất trống
Gần 400 bạn trẻ thuộc Tỉnh Đoàn Bình Định đã khai hoang 6 ha đất rừng tại 2 huyện Vĩnh Thạnh, Hoài n phục vụ sản xuất nông nghiệp và đắp đê chống sạt lở trước mùa bão lũ.
Lần đầu đi tình nguyện, bạn Nguyễn Đặng Duy Phương (trường CĐ Nghề Quy Nhơn) chia sẻ: “Mình và các bạn khá bỡ ngỡ trong những ngày đầu. Công việc vất vả vì khai hoang vùng đầm lầy, phải lội bùn nên chân bị gai đâm, lở loét. Nhưng rồi mình cũng quen vì có bạn bè xung quanh. So với đồng bào dân tộc ở đây, bọn mình còn sướng hơn nhiều”. Sau mỗi buổi làm việc, hình ảnh thường thấy của các bạn này là ngồi… lể gai cho nhau. Những bàn chân đầy vết tích gai đâm ngang dọc, những bạn bị sốt vì dầm mưa rừng, nhưng trên những gương mặt ấy luôn nở nụ cười trẻ trung, vui vẻ.
Một ngày bắt đầu từ 5 giờ sáng. Sau khi dọn dẹp, vệ sinh, ăn uống, đúng 6 giờ 30 bắt đầu làm việc. Nam thì đi chặt phát cây, bụi rậm, khiêng cây. Nữ chủ yếu đi nhặt, dọn dẹp cây, cỏ dại… Cả ngày lao động vất vả nhưng tối đến, các bạn vẫn tập trung giao lưu văn nghệ, biểu diễn thời trang.
|
|
Đêm xuống sâu, các lán trại lại chuyền nhau những câu chuyện cười trước khi đi ngủ. Khi được hỏi về những khó khăn, Trần Thị Minh Hiền (ĐH Quy Nhơn) tâm sự: “Ở đây điện nước thiếu thốn, không có sóng điện thoại, nhất là với con gái thì càng bất tiện. Tuy nhiên, mình đã xác định tư tưởng rồi. Đến với những vùng khó khăn, giúp được càng nhiều càng tốt. Bọn mình xem đây là nhà và bạn bè đều là anh em thân thuộc. Năm sau, nếu có cơ hội, mình sẽ đăng ký tiếp!”.
Với những bạn như Đinh Minh Tới (trường CĐ Nghề Quy Nhơn), được đi tình nguyện là cơ hội tuyệt vời: “Mình được học hỏi, rèn luyện theo cách làm việc của quân đội. Ngày trước, tác phong lề mề bao nhiêu thì nay thay đổi bấy nhiêu. Chuyến đi này, không chỉ giúp người dân địa phương có đất sản xuất nông nghiệp mà bọn mình cũng có “đất” để gieo cấy những suy nghĩ, hành động có ích cho chính bản thân mỗi người. Đi một ngày đàng học một sàng khôn mà!”.
Thiếu tá Nguyễn Chí Thành (trường Quân sự Quân đoàn 3) đúc kết: “Tôi thực sự bất ngờ trước sự cố gắng, nhiệt tình của các bạn thanh niên, đặc biệt là các bạn nữ. Đừng tưởng SV chân yếu tay mềm, họ đụng việc thì làm rất tốt. Tinh thần của những người trẻ này rất đáng được học tập và nhân rộng”.
Với hầu hết các bạn trẻ đi tình nguyện đợt này, 8 ngày đã làm cho họ rắn rỏi, mạnh mẽ và trưởng thành hơn nhiều. Ngày về xuôi, trong hành trang của họ, ngoài mấy nhánh lan rừng làm quà còn có bao nhiêu kỷ niệm, tình cảm của những ngày mưa rừng cơm vắt…
Trần Thị Duyên
Bình luận (0)