Một số nhân viên văn phòng dùng tai nghe (headphone) để nghe nhạc và xem những clip từ các trang mạng trong hầu hết giờ giải lao; sinh viên chịu stress khi trải qua các kỳ thi, thích ngồi cà phê một mình và đeo headphone nghe nhạc rock với âm lượng hết cỡ để giải tỏa; nhiều người có sở thích vừa đi xe máy vừa đeo headphone nghe nhạc; không ít trường hợp đeo tai nghe trở thành thói quen mỗi lúc tiếp xúc với máy tính, đến cả trong lúc ngủ thì headphone vẫn “cắm” vào tai...
|
Xuất phát từ nhận thức tốt là không gây phiền đến người xung quanh, những trường hợp nói trên dùng headphone để thưởng thức thú vui theo cách của mình, muốn điều chỉnh âm lượng lớn bao nhiêu thì tùy thích. Nhưng việc này có thể dẫn đến tổn thương trầm trọng cho bộ phận thính giác.
Bác sĩ Đỗ Hồng Giang, Phó khoa Thính học, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM phân tích, việc sử dụng tai nghe nhiều và âm lượng lớn sẽ hủy diệt thính giác một cách thầm lặng. Tiếng ồn có tác động lớn đến năng lực của bộ phận thính giác. Sự hủy diệt này không gây ra ngay hậu quả mà tác động từ từ bằng các triệu chứng ù, nặng tai, đau tai. Các triệu chứng sẽ tăng dần rồi giảm sự nhạy âm của tai, nặng nhất là điếc. Các cấp độ ảnh hưởng này xảy ra sau 2 năm đến 6 năm, hoặc lâu hơn.
“Đối với những trường hợp cần thiết sử dụng tai nghe thì chỉ nên sử dụng không quá 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày”, bác sĩ Giang khuyên. Mặt khác, bác sĩ cũng khuyến cáo, không nghe với âm lượng quá lớn kể cả nghe bằng loa ngoài. Mức âm lượng tốt nhất cho tai là từ 60-70 deciBel.
Việc sử dụng tai nghe đầu nhỏ có thể đút thẳng vào tai sẽ gây đau tai nhanh hơn; cũng như vi khuẩn có sẵn trên tai nghe dễ làm tổn thương bộ phận thính giác.
Hà Minh
Bình luận