Con tàu sân bay, hiện tạm mang tên Thi Lang, rời cảng Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh vào rạng sáng ngày 10.8. Website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay thời gian chạy thử sẽ rất ngắn nhưng không nói rõ chi tiết và con tàu vẫn phải quay về để tiếp tục các công tác hoàn thiện và thử nghiệm.
Ngày hạ thủy của Thi Lang liên tục được dời từ 1.7 đến 1.8 và cuối cùng đến hôm qua mới thực hiện được với lý do từ phía Trung Quốc đưa ra là còn thiếu thiết bị hoặc công tác chuẩn bị chưa hoàn tất. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá việc trì hoãn có thể nhằm xem xét thái độ của các nước trong khu vực, vốn ngày càng lo ngại về sự phát triển quân sự của Trung Quốc cũng như các động thái gây căng thẳng gần đây ở các vùng biển.
|
Tàu Thi Lang dài 291,6m, rộng 71m, độ rẽ nước 65.000 tấn, sức chứa 2.500 thủy thủ và 50 máy bay, vận tốc 59 km/giờ và hải trình tối đa 7.130 km. Tàu được Trung Quốc mua lại của Ukraine với giá 20 triệu USD vào năm 1998 trong tình trạng hư cũ. Máy móc và vỏ tàu đều han gỉ, hư hỏng nặng hoặc mất nhiều bộ phận. Báo giới nước này từng “khoe” Thi Lang ngốn tới 30 triệu USD để tân trang với hàng loạt máy móc, vũ khí mới. Hồi tháng 7, phát ngôn viên Cảnh Nhạn Sinh của Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố tàu sẽ được sử dụng để huấn luyện và nghiên cứu khoa học.
“Tấm bia tập bắn”
Đài Loan “khoe” tên lửa chống tàu sân bay Ngay sau khi Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay đầu tiên, Đài Loan cùng ngày lên tiếng khẳng định đang sở hữu tên lửa có khả năng phá hủy loại tàu này. Trong buổi triển lãm quốc phòng ngày 10.8, Đài Loan cho trưng bày mô hình tên lửa Hùng Phong III với chú thích: “Kẻ hủy diệt tàu sân bay”. Theo AFP, Hùng Phong III, được triển khai trên tàu khu trục lớp Perry, là tên lửa siêu âm đầu tiên được phát triển tại Đài Loan với tầm bắn 128 km. H.G |
David Millar, cố vấn Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đánh giá công nghệ trên tàu sân bay Trung Quốc lạc hậu 30 năm so với tàu chiến thuộc Hạm đội 7 (Mỹ), theo The Huffington Post. Ông Millar nhận định việc tổ chức vận hành một hạm đội đi kèm theo tàu sân bay là không đơn giản. Nếu không được đào tạo bài bản và tích hợp hệ thống phòng không hiệu quả, tàu sân bay Trung Quốc sẽ giống như một “tấm bia tập bắn khổng lồ” trôi nổi trên biển.
Trên trang The Washington Note, chuyên gia Jordan D’Amato của New America Foundation, một viện nghiên cứu chính sách tại Washington, chỉ ra 5 vấn đề về tàu sân bay Thi Lang. Trong đó, Jordan D’Amato nói tàu có thể chở máy bay chiến đấu, trực thăng săn tàu ngầm, nhưng không có máy bay gây nhiễu radar, máy bay radar tầm xa. Ông D’Amato dẫn lời chuẩn đô đốc Trung Quốc Doãn Trác nói: “Nó (tàu Thi Lang) chở theo nhiều món đồ, nhưng không có gì thực sự tốt”. Ngoài ra, tàu sân bay Thi Lang không có thiết bị tạo lực đẩy cho máy bay cất cánh mà phải dùng một phần lớn diện tích sàn tàu làm đường băng trượt lên. Vì thế, tàu không thể chở nhiều máy bay.
Nhà nghiên cứu Lý Kiệt Thuyết của Học viện Nghiên cứu hải quân Trung Quốc cho rằng tàu sân bay cần nhiều cơ sở ở các bến cảng với quy mô lớn, các căn cứ ở nước ngoài để bảo đảm an toàn và cung cấp dịch vụ. Đầu tiên là cần một cảng tàu chiến lược với nơi neo đậu cho một loạt tàu khác như tuần dương hạm, tàu khu trục, tàu bảo vệ, tàu cung cấp, tàu chi viện tác chiến cùng kho trữ nhiên liệu, kho đạn dược, trung tâm hỗ trợ… Ngoài ra, Trung Quốc sẽ phải xây dựng nhiều trạm hỗ trợ cho tàu sân bay trên biển, theo Tân Hoa xã, nhưng việc này sẽ càng gây thêm quan ngại cho cộng đồng quốc tế, nhất là ở những vùng tranh chấp.
Ngọc Bi - Ngô Minh Trí
Bình luận (0)