Ngay từ khi mới chia tách (tỉnh Hậu Giang tái lập vào đầu năm 2004), lãnh đạo tỉnh mới Hậu Giang đã chủ trương đột phá xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) nhằm mang lại diện mạo mới cho làng quê, nâng cao đời sống người dân. Từ 2004 đến nay, mỗi năm tỉnh đều phát động chiến dịch giao thông thủy lợi mùa khô nhằm phát triển GTNT kết hợp thủy lợi nội đồng, kéo dài từ 4-5 tháng. Ông Huỳnh Minh Chắc, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, qua hơn 7 năm thực hiện chiến dịch về GTNT, toàn tỉnh bắc mới 41,6 km cầu, xây dựng trên 2.500 km đường bê tông xi măng và đường nhựa, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.300 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 739 tỉ đồng. Đến thời điểm này, có thể khẳng định Hậu Giang đã cơ bản hoàn thành GTNT phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và đang tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng để đạt tiêu chí nông thôn mới. Với những thành quả trên, tỉnh Hậu Giang đã 4 lần được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc cho phong trào xây dựng GTNT.
Đường quê ấp Phú Hưng (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) - Ảnh: Q.M.N |
Về thủy lợi, tỉnh chủ trương thực hiện xây dựng bờ bao chống lũ kết hợp với tu bổ bồi đắp, qua đó đã nạo vét hơn 4,6 triệu m3 đất, nâng diện tích đất canh tác có thủy lợi phục vụ lên trên 136.000 ha, tăng 56.000 ha so năm 2004. Tổng kinh phí thực hiện các công trình thủy lợi hơn 310 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 50%. Nhiều kè, cống, đập ngăn mặn thuộc tiểu dự án Ô Môn - Xà No đã được triển khai góp phần cải tạo chất lượng cho hơn 13.000 ha đất nông nghiệp của tỉnh, kiểm soát lũ, bảo vệ sản xuất, phục vụ tưới tiêu... đưa năng suất lúa tăng từ 12,8 tấn/ha/năm lên 17 tấn/ha/năm. Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo trong tỉnh (theo chuẩn nghèo cũ) đã giảm từ 23,55% (năm 2005) xuống còn 8,92% năm 2010.
Ngày 14.7.2011, tại hội nghị tổng kết NQ 21 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL giai đoạn 2001- 2010, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng (nay là Chủ tịch Quốc hội) đã đánh giá rất cao Hậu Giang trong việc phát triển giao thông thủy lợi phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nhất là chăm lo tốt các đối tượng chính sách, hộ nghèo trên địa bàn và cho rằng Hậu Giang là một điển hình cần nhân rộng.
Trong cuộc trao đổi với PV Thanh Niên mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết, ngày 28.4.2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký QĐ số 638 về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Theo quyết định này, từ nay đến năm 2020 thông qua nhiều nguồn huy động, Hậu Giang sẽ triển khai 10 dự án (DA) giao thông trọng điểm với tổng kinh phí dự kiến lên đến 3.400 tỉ đồng. Những dự án nằm trong danh mục chuẩn bị đầu tư bao gồm: xây dựng mới đường Tây Sông Hậu (TP Vị Thanh: 700 tỉ đồng); xây dựng mới đường Nguyễn Huệ (TP Vị Thanh: 500 tỉ đồng); nâng cấp đường ĐT 930 (H. Long Mỹ: 450 tỉ đồng); xây dựng mới đường 1 tháng 5 (TP Vị Thanh: 400 tỉ đồng); xây dựng cầu 19 tháng 8 (TP Vị Thanh: 300 tỉ đồng); xây dựng mới cầu Tây Sông Hậu (TP Vị Thanh: 300 tỉ đồng); nâng cấp đường ĐT 931 (H. Long Mỹ: 200 tỉ đồng); nâng cấp đường ĐT 931B (H. Long Mỹ: 200 tỉ đồng); xây dựng mới đường Tân Phước Hưng (cầu qua kênh Quản Lộ, H. Phụng Hiệp: 200 tỉ đồng); xây dựng mới cầu Xẻo Vẹt (H. Long Mỹ: 150 tỉ đồng). “Những công trình này sau khi hoàn tất sẽ mang lại một bộ mặt mới cho Hậu Giang trên đường phát triển, hội nhập” - ông Chánh nói.
Quang Minh Nhật
Bình luận (0)