Nằm sâu trong sa mạc Mojave của bang California, nhà máy lắp ráp tại Palm Dale đang chạy đua lắp ráp máy bay do thám hiện đại Global Hawk cho quân đội Mỹ. Chiếc máy bay không người lái này được thiết kế đặc biệt để hoạt động ở độ cao hơn 18.000m. Như vậy, bất chấp những nghi ngờ về tính khả thi cũng như chi phí quá cao, Global Hawk vẫn được chọn làm kẻ thay thế dòng U-2 đang tới hồi về hưu của Mỹ.
Dự án 23 tỉ USD
Không quân Mỹ hồi tháng 7 quyết định theo đuổi chương trình Global Hawk dự kiến ngốn đến 12 tỉ USD, theo tờ The New York Times. Hải quân cũng sẽ mạnh tay chi đến 11 tỉ USD để có được phiên bản tương tự.
|
Thế giới chạy đua máy bay không người lái Hiện Mỹ đứng đầu trong lĩnh vực chế tạo máy bay do thám không người lái (gọi tắt là UAV) và kế đến là Israel. Trung Quốc cũng đang tích cực nghiên cứu loại khí tài này sau khi trưng bày bản mẫu của 20 loại UAV khác nhau tại Hội chợ triển lãm hàng không ở Chu Hải cuối năm ngoái. Từ chỗ là khí tài quân sự đặc trưng của Mỹ, UAV đang nhanh chóng giành được chỗ đứng trong quân đội của 50 nước và vùng lãnh thổ, theo The New York Times. UAV cũng hết sức đa dạng, từ những chiếc phóng bằng tay nhỏ gọn trị giá vài chục ngàn USD, đến chiếc máy bay do thám không người lái lớn nhất thế giới hiện nay là Reaper với giá 28 triệu USD. Giới chuyên gia dự đoán ngân sách quốc phòng thế giới dành cho UAV sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm nữa, lên mức 94 tỉ USD. |
Khả năng của Global Hawk
Theo thiết kế, Global Hawk có thể thực hiện các sứ mệnh kéo dài đến 24 giờ, gấp đôi thời gian hoạt động của U-2. Nó có thể do thám từ khoảng cách cao gấp 2 lần độ cao của các máy bay thương mại và phát hiện quân địch hoặc xe tăng từ khoảng cách 80-160 km. Thiết bị nghe lén được lắp kèm theo sẽ cho phép các đơn vị tình báo nghe trộm những lời đàm thoại từ các mục tiêu.
Tuy nhiên, The New York Times dẫn lời giới phân tích cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay đối với dòng máy bay này là đội ngũ chuyên gia của Tập đoàn vũ khí Northrop Grunman có thể không hoàn thiện kịp Global Hawk vào cuối năm 2012 để Lầu Năm Góc có đủ thời gian cân nhắc và chỉnh sửa dự án trước khi cho 32 chiếc U-2 về hưu từ năm 2015. Dự tính, không lực Mỹ sẽ mua tổng cộng 31 chiếc Global Hawk (khoảng 35 triệu USD/chiếc), được bổ sung thêm máy quay hiện đại và thiết bị tăng cường khả năng nghe lén, cùng 11 chiếc được trang bị cảm biến tối tân. Hải quân cũng muốn tậu 68 chiếc được thiết kế riêng cho hoạt động tầm xa trên biển.
Có thông tin cho rằng quân đội Đức đã đặt mua vài chiếc loại này, và NATO cũng tỏ ý định “tăm tia” Global Hawk. Hồi tháng 6, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đưa tin Bộ Quốc phòng nước này cũng đang cân nhắc mua Global Hawk trong bối cảnh căng thẳng đang dâng cao trong khu vực và quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào cuối tài khóa 2015.
Thiết bị bay nhanh nhất thế giới mất tích Chuyến bay thử nghiệm của thiết bị bay Falcon HTV-2 ngày 11.8 đã kết thúc với kết quả không như mong đợi. Cuộc thử nghiệm được tiến hành ngày 11.8 (giờ địa phương) từ căn cứ không quân Vandenberg ở California, Mỹ. Được chế tạo bởi Cơ quan nghiên cứu công nghệ quốc phòng DARPA và không quân Mỹ, Falcon HTV-2 về lý thuyết có thể đạt tốc độ 21.580 km/giờ, gần gấp 20 lần vận tốc âm thanh và còn có khả năng mang bom hạt nhân. Theo tờ Los Angeles Times, Falcon HTV-2 được phóng từ căn cứ Vandenberg lên quỹ đạo gần của trái đất bằng tên lửa, sau đó quay trở về hướng Thái Bình Dương với vận tốc như trên. Tuy nhiên, BBC đưa tin Trung tâm điều khiển mất tín hiệu kết nối với Falcon HTV-2 vào phút thứ 36, tức lúc thiết bị này bước vào giai đoạn tự hành và quay về trái đất. Có dấu hiệu cho thấy Falcon HTV-2 đã rơi xuống Thái Bình Dương. Thụy Miên |
Thụy Miên
Bình luận (0)