Những lời quảng cáo bóng bẩy của các trung tâm môi giới việc làm, chiêu thức dụ dỗ tinh vi của các “cò” lao động đã khiến người quê lên thành phố thêm lao đao khốn khổ.
|
Ve vãn bằng tờ rơi
“Tiếp sức việc làm miễn phí tại TP.HCM, lương cao, bao ăn ở” là một trong những lời giới thiệu “có cánh” của nhiều tờ rơi tuyển lao động phổ thông trên địa bàn TP.HCM cũng như các vùng quê hiện nay.
Buổi trưa một ngày tháng 7, trong vai người cần việc làm, tôi liên lạc số điện thoại 09093...759 trên một tờ rơi được dán tại huyện Định Quán (Đồng Nai). Sau khi biết tôi có nhu cầu xin việc tại TP, một nhân viên nữ hướng dẫn tôi bắt xe buýt lên vòng xoay An Lạc (Q. Bình Tân, TP.HCM) sẽ có người ra đón. Địa điểm mà tôi được đưa đến là Trung tâm giới thiệu việc làm HSQ (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân). Trung tâm này là căn phòng lụp xụp, phải bước qua cây cầu gỗ tạm bợ trên con kênh đen ngòm bốc mùi hôi thối mới vào được bên trong. Sau khi tôi chấp nhận đến tìm hiểu công việc tại cơ sở xay nhựa phế liệu, cô nhân viên cầm lấy CMND của tôi và viết vào bản thỏa thuận với những điều khoản do trung tâm đưa ra. Trong bản thỏa thuận không hề nhắc đến quyền lợi của người xin việc, kể cả lương tháng mà chỉ có quy định: Nếu trong vòng 6 ngày, công việc không thích hợp thì về trung tâm sẽ đổi việc khác, không làm nữa thì người lao động phải đóng 250.000 đồng cho trung tâm; nếu làm chưa đủ 3 tháng như hợp đồng mà nghỉ ngang thì sẽ bị trừ đi 600.000 đồng “phí học nghề”. Mặt sau của bản thỏa thuận là những quy định bùi tai: “Được đón tiếp văn minh lịch sự. Được ăn ở miễn phí khi chưa chọn được việc phù hợp. Được đưa tới nơi làm miễn phí”.
Tôi gật đầu đồng ý. Lập tức, tôi được xe ôm đưa đến cơ sở xay nhựa phế liệu (ấp 4, Hưng Long, Bình Chánh). Vừa bước vào cơ sở xay nhựa, mùi hôi nồng nặc xộc vào mũi, gần 10 công nhân mặt mày lem luốc đang làm việc miệt mài. Một phụ nữ bước ra cầm lấy CMND của tôi. Bà nói: “Công việc ở đây đơn giản lắm. Lương 2 triệu/tháng”. Sau khi khảo sát một vòng, tôi lấy lý do "độc hại" không làm và được xe ôm chở trở lại trung tâm HSQ. Khi biết tôi bỏ việc, cô nhân viên tỏ ra bực tức. Tôi đòi lại CMND thì cô ta to tiếng rồi ra điều kiện: muốn lấy CMND thì phải đóng 250.000 đồng tiền xe cộ và chi phí phát sinh mặc dù đã bắt tôi trả tiền xe ôm trước đó. Sau khi lục hết mọi ngóc ngách của ví tiền để chứng minh mình không có một đồng dính túi nữa thì tôi mới được cô nhân viên trả lại CMND.
|
Đón lõng tại bến xe
Không chỉ bị lừa bởi lời quảng cáo bóng bẩy trên các tờ rơi, người kiếm việc còn được “săn” ráo riết khi vừa đặt chân đến các bến xe bởi đội quân xe ôm đồng thời cũng là “cò” lao động.
Khi tôi lớ ngớ bước xuống xe tại Bến xe Miền Đông, một thanh niên kéo lại giới thiệu: “Ở đây bọn anh có nhiều việc làm nhẹ nhàng, lương cao, bao ăn ở luôn, đi thì lên đây anh chở. Tới nơi, nếu em chịu làm thì tiền xe có người lo, còn không làm thì chỉ cần đưa anh 50.000 đồng là được”. Địa điểm mà người xe ôm tên Bảy chở tôi đến là Trung tâm giới thiệu việc làm KPH (đường 3/2, Q.11). Tới nơi, cô nhân viên yêu cầu tôi lấy CMND rồi luôn miệng: “Lương 1,8 triệu đồng/tháng, công việc nhẹ nhàng, thời gian thoải mái, bao ăn, ở”. Các quy định được đưa ra: tôi phải đóng 250.000 đồng tiền phí nếu như không chịu làm bất cứ việc gì do công ty giới thiệu; 650.000 đồng tiền đào tạo nghề nếu tôi bỏ việc ngang. Nghe xong các quy định, tôi quyết định không làm nữa. Thấy tôi bước ra, Bảy hậm hực: “Công việc thế mà không làm, chứ muốn đi bụi đời hả?”, rồi trở giọng: “Thôi đưa tao 150.000 rồi mày muốn đi đâu thì đi”. Tôi không chịu, vì lúc đầu thỏa thuận có 50.000 đồng, Bảy trở mặt: “50.000 lúc nãy chỉ là tiền xe, giờ 100.000 là tiền điện thoại và kiếm việc, giờ mày có trả hay không thì bảo?”. Cùng lúc đó Bảy bấm điện thoại, chưa đầy 5 phút, 3 người mặt mày bặm trợn tới vây tôi. Lúc này, tôi đành lấy 90.000 đồng còn lại trong ví đưa cho bọn họ.
Tại các bến xe Miền Tây, An Sương, nạn “cò” lao động cũng hoạt động công khai. Khi thấy tôi vác ba lô đứng tại Bến xe Miền Tây (P.An Lạc, Q.Bình Tân), một người chạy xe ôm mặc đồng phục xanh trờ tới: “Đi xin việc hả? Lại đây anh dẫn đi”. Lấy lý do vì vừa bị trung tâm giới thiệu việc làm lừa, nên tôi không chịu đến những nơi đó nữa. Nghe xong, xe ôm tặc lưỡi: “Ai bảo mày vào mấy trung tâm đó chi, nó lừa là phải rồi. Lên đây anh chở qua thằng này đảm bảo có việc, phí chỉ bằng một nửa trung tâm”. Địa điểm mà xe ôm chở tôi tới là quán nước mía nằm ngay trong chợ An Lạc (liền kề Bến xe Miền Tây). Tại đây, xe ôm giao tôi cho một đàn ông tên Hưng để xin việc làm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Hưng là đầu mối để các tay xe ôm tại Bến xe Miền Tây tìm tới mỗi khi có “con mồi”. Trong tay Hưng có hàng trăm cơ sở, công ty có nhu cầu sử dụng lao động.
Người chạy xe ôm vừa thả tôi xuống, Hưng cầm ngay giấy CMND của tôi rồi móc túi, đưa cho xe ôm 200.000 đồng. Lúc này, cũng có 7 người đang ngồi chờ Hưng liên lạc tìm việc. Khoảng 15 phút sau, 2 lao động được Hưng kêu xe ôm chở đi làm tại cơ sở bánh kẹo. Sau một tiếng chờ đợi, 5 người (trong đó có tôi), được Hưng cho vào làm một xưởng cơm tại KCN Tân Bình. Trước khi đi, Hưng còn dặn: “Công việc rất nhẹ nhàng mà lương cao, bao luôn ăn ở”. Xưởng cơm mà Hưng đưa chúng tôi đến đó là Công ty K.T chuyên cung cấp suất ăn cho công nhân (đường CN 13, P.Sơn Kỳ, Q. Tân Phú). Tại đây, giám đốc công ty nhìn lướt bọn tôi và phân công nhiệm vụ. Chưa đầy 10 phút thì cuộc “giao dịch” lao động đã xong. Hưng đưa tất cả CMND cho giám đốc công ty giữ. Sau đó, chúng tôi được đưa về một nhà trọ tập thể nằm ở P. Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân cách xưởng hơn 2 km. Tại đây, qua những người đang làm trước, tôi được biết hằng ngày phải thức dậy lúc 3 giờ 30 sáng đi bộ qua chỗ làm, công việc rất cực nhọc chứ không như "cò" Hưng nói, nên chúng tôi không đồng ý và gọi điện lại cho Hưng. Bắt máy, Hưng nói vòng vo một lúc rồi kết luận: “Bọn mày phải làm ở đó 6 ngày để trả tiền phí lao động", rồi cúp máy.
Bị trấn lột giữa đường Rời trung tâm HSQ, tôi tiếp tục liên lạc số điện thoại 01207...52, đây là số điện thoại trên một tờ rơi kèm theo dòng chữ “Tuyển bốc xếp gạo, lương từ 280 - 380.000 đồng/ngày” được dán gần ngã tư An Sương (quận 12). Qua điện thoại, một thanh niên hướng dẫn tôi đến Bến xe An Sương sẽ có người đón. Địa điểm tôi được đưa đến là căn phòng lụp xụp không số, không bảng hiệu (thuộc P. Trung Mỹ Tây, Q.12). Tại đây, người phụ nữ tên Phương yêu cầu tôi nộp 200.000 đồng “phí lao động”. Sau đó, bà Phương cho một thanh niên chở tôi tới một đại lý gạo nằm sâu trong hẻm đường Phan Văn Hớn (Hóc Môn). Tới nơi, ông chủ bảo đã đủ người nên không nhận thêm. Người thanh niên bảo tôi lên xe chở đi chỗ khác làm. Xe chạy lòng vòng qua các con hẻm nhỏ, bỗng dừng lại khoảng đất trống, anh ta yêu cầu tôi xuống xe và nói: “Tao chở mày đi hồi sáng tới giờ, đưa đây 100.000 đồng tiền xe rồi đi kiếm việc tiếp”. Tôi chưa kịp phản ứng thì phía đằng sau xuất hiện thêm 3 thanh niên đi trên 2 xe máy áp sát. Một thanh niên giật phăng ví của tôi kiểm tra. Sau khi vét sạch 80.000 đồng trong ví, bọn chúng lên xe chạy mất hút, bỏ tôi lại. |
Công Nguyên
Bình luận (0)