Siu Black và sự bí ẩn rực lửa

14/08/2011 10:43 GMT+7

Khi Siu Black nhắc về thời gian từ lúc khởi động cho đến lúc hoàn thành album K’Bing ơi!, người ca sĩ Ba Na có thói quen ồn ào và hào sảng này đột nhiên giật mình, thì thầm: “Ồ, vậy mà đã năm năm rồi sao?”.

Quả là đã năm năm, Siu trầy trật chọn lựa, khó tính với từng bài hát đến mức bạn bè, đồng nghiệp đôi lúc phát bực, thậm chí có người còn nghĩ rằng khó lòng mà Siu có thể ra được album thứ tư này.


Siu Black trong buổi ra mắt album K’Bing ơi! ngày 10-8 - Ảnh: bongnguyen

Chỉ cười trên sân khấu

Ai biết Siu Black cũng dễ nhớ đến lối cười để hết lòng mình ra ngoài, nhưng thật tình đó chỉ là nụ cười cho mọi người. Trong công việc, không ít lần Siu chau mày đến “đáng sợ” khi quyết định chọn, nghe... các bài hát cho album của mình. Ít nhất Siu đã nghe và chọn ra từ hơn 70 bài hát, để cuối cùng chỉ tìm được có tám bài cho album thứ tư của mình.

Có vẻ thời đại âm nhạc với phong trào ghép beat vào lời ca, và các phòng thu có khả năng chỉnh sai giọng cho giới trẻ, khiến hàng loạt album ra đời, bài hát ngồn ngộn, đã khiến album tám bài hát của Siu Black có vẻ trở thành ít ỏi và khác thường. Nhưng khi đã lắng nghe từng nhịp, từng câu, có lẽ người yêu nhạc pop-rock và yêu những cá tính đặc biệt trong tiếng hát sẽ sớm hài lòng với K’Bing ơi!

Người nghe hồi hộp và bị bóp chặt tim mình để lắng nghe giọng hát của Siu vút cao cùng sự khoái trá của tiếng guitar rock, quẫy đạp trong không gian sảng khoái và tự do - một không gian có lẽ chỉ có Siu Black và Dũng Đà Lạt, gã nhạc sĩ từng được làng nhạc Sài Gòn đặt tên là kẻ bị “ngộ độc âm nhạc”, mới có thể tạo ra được như vậy.

“Không có Dũng Đà Lạt, tôi sẽ không thể làm xong album này” - Siu nói. Cũng năm năm liền, tay guitar và hòa âm Dũng Đà Lạt kiên trì đuổi theo Siu Black để hoàn thành album này. Không phải là người giỏi tính toán nên Siu đã cạn sạch ngân sách dự tính cho album vì kéo dài thời gian quá sức tưởng tượng. Và Dũng cũng bắt đầu nói về thú vui của mình nhiều hơn là chuyện kiếm tiền.

Trong buổi ra mắt album ngày 10-8, nhiều người bạn của Siu đã ngạc nhiên khi cầm trên tay những ấn bản hết sức khiêm tốn về bộ dạng. So với rừng màu sắc và trịnh trọng của nhiều loại album trên kệ bán hiện nay, dáng vẻ album của Siu thật sự là một lời thách thức cho những ai muốn vượt qua vẻ hào nhoáng bên ngoài, để chạm được đến sự bí ẩn xứng đáng bên trong.

Rock, vì đó là Siu

Màu sắc chủ đạo của album K’Bing ơi vẫn là rock, vẫn là Siu, nhưng mới mẻ và sâu đậm hơn. Bài hát chủ đề, có thể nói là một trong những bài hát mới sử dụng chất liệu Tây nguyên hay nhất hiện nay, là một câu chuyện có thật. Chuyện kể về một cô gái người tộc K’Ho khi bị từ chối kết hôn với người yêu của mình do không môn đăng hộ đối, K’Bing đã bỏ đi vào rừng. Lắng nghe tiếng hát của Siu “K’Bing ơi, K’Bing à...” mà nghe tim mình cũng thấp thỏm về thân phận tình yêu của núi.

Độc đáo hơn, bài hát được sáng tác và viết lời Việt thật đẹp bởi nhà thơ K’Ho quen thuộc Krajan Plin. Ý của bài hát này, cũng nằm trong tập thơ thứ hai của Plin, mang tên Cao nguyên của tôi, vốn từng được nhiều nhà phê bình đánh giá là một ấn phẩm độc đáo và lạ lùng.

Nhưng Siu hát nhạc Phạm Duy được không nhỉ? Câu hỏi khó này được giải đáp nhanh trong album này, ở track thứ ba. Với sự dẫn dắt của Dũng Đà Lạt, Siu Black làm người ta ngạc nhiên với Còn chút gì để nhớ. Không những vậy, tám bài hát là tám lần người ta khám phá một Siu Black không cũ mòn theo thời gian và vẫn nhất quyết không rời bỏ đại lộ pop-rock của mình.

“Nhạc rock còn bán được không? Nhiều nơi phát hành rất ngại phát hành nhạc rock vì bán không được”. Khi được đặt vấn đề như vậy, Siu cười ha hả và hỏi: “Vậy tôi không hát rock có bán được không?”. Dĩ nhiên, năm năm với tám bài hát, Siu nào có nghĩ đến chuyện bán được hay không, chị chỉ nghĩ đến chuyện mang tiếng hát đến cho khán giả của mình.

Nhưng Siu cô đơn. Trong khi rất nhiều ca sĩ đàn em, bạn bè cùng lứa đổ xô vào thị trường thương mại, hát yêu đương nhí nhảnh và hời hợt như tuổi hoàn đồng, Siu vẫn bám chặt vào sở trường của mình và có lo âu. “Mình không thể hát gì khác ngoài những thứ mà mình đã chọn từ trước đến giờ” - Siu nói khi không còn ai.

Logo của Siu Black Production là hình chữ S với đôi cánh đại bàng. Siu nói chị thích logo này lắm. Niềm lo âu của Siu cũng giống như con đại bàng bay trên bình nguyên âm nhạc và thấy mọi thứ đang hỗn loạn, mất đi những gì quen thuộc nhưng bản năng của nó là không thể phản bội lại những gì mà nó từ đó đã hình thành. Cô đơn nhưng kiêu hãnh, con đại bàng với lần đập cánh thứ tư này đã bay cao hơn và đáng nể hơn trong bối cảnh thị trường âm nhạc rất đỗi bàng hoàng lúc này.

“Trường phái” của Siu


Hình ảnh Siu Black trong album K’Bing ơi! - Ảnh: Phạm Hoài Nam

* Thường thì các ca sĩ ở Việt Nam, tuổi thọ cho việc biểu diễn trên sân khấu không dài, chị có thấy đó là một áp lực trong nghề nghiệp của mình hay không?

Album thứ 4 của ca sĩ Siu Black có tiêu đề K’Bing ơi, thực hiện từ năm 2007-2011, với tác phẩm của các nhạc sĩ Trường Sa, Krajan Plin, Phạm Duy, Tuấn Khanh, Kim Ngọc, Đức Huy.

- Tôi vẫn đi hát và nhận thấy sân khấu hôm nay có rất nhiều ngôi sao mới. Trên video hay trên bản ghi âm họ rất độc đáo, nhưng khi bước ra sân khấu bình thường, nếu không nhép miệng hay làm trò gì đó, thật sự khả năng của họ rất tệ. Tôi biết mình không có nhiều lợi thế về thể hình hay tuổi tác như họ, nhưng khi tôi hát xong, những tiếng vỗ tay tán thưởng mà tôi nghe được, tôi tin là so với những ngôi sao đó thì sự nồng nhiệt của khán giả dành cho tôi là có thật.

Có một số ca sĩ trẻ gần đây hay tạo fanclub, tạo cho mình một không gian hâm mộ giả tạo để “tự sướng” với mình. Tôi không thuộc dạng đó, tôi muốn chinh phục khán giả bằng những gì của một Siu Black mang đến. Và khi còn nghe thấy tiếng vỗ tay như vậy, tôi vẫn còn muốn được đứng trên sân khấu để phục vụ công chúng.

* Gần đây chị mở trường dạy hát mang tên Siu Black. Mục đích chị hướng đến là gì?

- Làm giám khảo trong nhiều chương trình, tôi nhận thấy có rất nhiều bạn trẻ hát rất hay, nhưng hay mà không biết mình sắp hỏng bởi cái gì hoặc sẽ hay nếu chỉ cần uốn nắn một chút. Tôi tiếc cho họ lắm. Xung quanh chúng ta rất nhiều người hát hay và cá tính, chỉ là chúng ta không dành thời gian cho họ được mà thôi.

Tôi mở trường như là một cách để tìm kiếm và giúp những con người như vậy. Ngoài ra, tôi cũng muốn đẩy mạnh một “trường phái” của Siu (cười to), bởi vì tôi muốn nghệ sĩ lên sân khấu phải sống hết mình, hát thật hết mình. Chuyện lừa gạt khán giả bằng âm thanh, bằng xảo thuật sẽ không bao giờ xuất hiện trong những con người xuất phát từ “trường phái” của Siu.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.