Vừa lên tàu vừa run
Chị Tuyết Lam, một du khách ở TP.HCM, kể: "Vợ chồng tôi thích khám phá xem du lịch sông nước ở Đà Nẵng khác miền Tây thế nào nên tham gia chương trình câu cá lặn biển của tàu du lịch M.X. Nói chung về chất lượng phục vụ cũng tương đối hài lòng, chỉ có điều là khi vừa được xe trung chuyển chở đến bến tàu nằm trên đường Bạch Đằng, tôi không khỏi sững người trong vài phút. Để lên được tàu, du khách phải lọ mọ bước lên một miếng gỗ được gọi là cầu tàu nằm vắt vẻo trên lan can sắt của bờ kè sông Hàn bắc qua tàu gỗ. Tôi định hủy chuyến tham quan nhưng anh hướng dẫn viên nói quá nên thôi. Vừa trèo qua mà tim đập thình thịch. Chắc đây là lần duy nhất trong đời tôi đi tàu du lịch ở thành phố này".
|
Đây là tâm trạng của rất nhiều du khách khác. Dọc tuyến sông Hàn trên đường Bạch Đằng hiện đang được tận dụng làm bến tàu của một số công ty du lịch. Cách duy nhất để lên tàu là các du khách phải chấp nhận làm xiếc, đi trên những tấm gỗ được đặt tạm bợ gác qua lan can đường Bạch Đằng để xuống tàu.
Hiện Đà Nẵng có 13 tàu du lịch đang hoạt động và theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), tất cả các tàu du lịch trên đều gặp khó khăn do không có bến bãi neo đậu phục vụ du khách. Trong quy hoạch tạm thời của TP thì có 2 vị trí neo đậu gồm khu vực Đò Xu cũ và khu vực đối diện khách sạn Green Plaza. Tuy nhiên, 2 khu vực này cũng chỉ có thể đáp ứng được chỗ đậu của 3 - 4 tàu du lịch. Nhiều chủ tàu đã phải chiếm dụng luôn khu vực sông Hàn dọc đường Bạch Đằng, đoạn từ chợ Hàn đến cầu sông Hàn để làm bến tạm cho mình.
Tháo chạy vào Nha Trang
Được biết, ngoài tàu du lịch sông Hàn có sức chứa hơn 200 khách đậu trước khu vực Bảo tàng Chăm, các tàu du lịch Đà Nẵng hiện nay đa số là tàu đánh bắt cá có công suất từ 15 - 30CV được hoán đổi công năng, sửa chữa làm mới thành tàu phục vụ du khách. Mỗi tàu có sức chứa từ 12 - 45 khách. Để phát triển du lịch sông, biển quy mô, bài bản, năm 2009, UBND TP Đà Nẵng có hẳn một chính sách để khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển tàu du lịch trên sông Hàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có một doanh nghiệp nào tiếp cận được nguồn vốn trên để đầu tư đóng mới tàu, trong khi thời hạn của chính sách khuyến khích này sẽ kết thúc vào cuối năm 2011.
Một ví dụ là trường hợp tàu Hải u 01. Hưởng ứng kêu gọi của thành phố và ngành du lịch, Công ty TNHH MTV Lâm Phú Gia đã tự bỏ vốn đầu tư đóng mới tàu du lịch 3 sao TVI Express 01 mang biển số 48ĐNA 0423 (nay đã đổi tên thành Hải u 01) trị giá gần 2 tỉ đồng. Đây là 1 trong 2 tàu có đủ điều kiện để hoạt động du lịch đi các tour biển ở Đà Nẵng. Trong khi mọi thủ tục về cấp phép hoạt động, lưu thông, kiểm định đã được hoàn thành đầy đủ bởi các sở, ban ngành, cơ quan liên quan thì hiện nay, con tàu hiện đại nhất Đà Nẵng đành phải đưa vào TP Nha Trang để hoạt động cũng chỉ vì chuyện bến đậu.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, PGĐ Công ty Lâm Phú Gia - thủ tục xin cấp phép đã được đơn vị này tiến hành từ tháng 12.2010. Sau 4 lần gửi công văn xin bố trí bến neo đậu cũng như lên gặp trực tiếp các đơn vị chức năng, đã hơn nửa năm nay, dù đã được phép hoạt động nhưng tàu du lịch Hải u 01 vẫn là con tàu không bến, đậu vật vờ trên sông Hàn. Điều trớ trêu hơn là trong khi chờ đợi cơ quan chức năng bố trí bến neo đậu, tàu Hải u 01 đã 2 lần bị Thanh tra Sở Giao thông vận tải và Cảnh sát giao thông đường thủy lập biên bản xử lý vì đậu đỗ không đúng nơi quy định. “Vậy bến quy định cho tàu ở đâu?”, câu trả lời từ cơ quan chức năng là: “Không biết”.
Được biết, Đà Nẵng đang có dự án xây dựng bến tàu và đóng tàu du lịch với tổng vốn 60 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện tại, dự án này vẫn đang ở giai đoạn kêu gọi đầu tư. Để giải quyết khó khăn cấp bách về bến đậu, Sở VH-TT-DL đã đề xuất thành phố cho phép các tàu du lịch được sử dụng cầu cảng cá Thuận Phước (cũ) để neo đậu tạm thời trong khi chờ đợi kêu gọi nhà đầu tư, do khu vực này đã sẵn có cầu tàu, có thể neo đậu khoảng 15 chiếc tạo thành bến tập trung. Tuy nhiên, UBND TP Đà Nẵng đã không đồng ý với đề xuất trên. Vì vậy, các tàu du lịch vẫn tiếp tục là những con tàu không bến.
Vũ Phương Thảo
Bình luận (0)