Cao thứ 2 thế giới
Hôm 15.8, tại Viện Pasteur (TP.HCM), Bộ trưởng Bộ Y tế đã làm việc với các bệnh viện, hệ y tế dự phòng thuộc các đơn vị y tế tỉnh thành phía nam về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH). PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế - nói: “Tính đến nay, số mắc bệnh TCM cả nước đã hơn 30.000 ca, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, và số tử vong đã lên đến 81 trường hợp. Chúng ta phải nhìn nhận và nói thẳng ra là, “dịch TCM đã bùng phát”, chứ không dùng từ “dịch có nguy cơ bùng phát” nữa!". Bộ trưởng cũng cho rằng sự biến đổi khí hậu, môi trường, cơ cấu bệnh tật khiến gần đây một số bệnh truyền nhiễm gia tăng.
Từ cuối tháng 3 đến nay, ngày nào BV Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận trẻ mắc TCM - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Báo cáo của đại diện Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, VN có số ca tử vong do bệnh TCM cao thứ 2 thế giới (với 81 ca). Cao nhất là Trung Quốc - với 353 ca tử vong”. Theo TS-BS Trần Ngọc Hữu - Viện trưởng Viện Pasteur (TP.HCM), nếu tính số ca mắc TCM/100 ngàn dân thì đến nay, Bình Dương có tỷ lệ mắc cao nhất nước (với 143 ca mắc/100 ngàn dân), kế đến là Bà Rịa - Vũng Tàu (136 ca/100 ngàn dân), Đồng Nai (130/100 ngàn dân), TP.HCM đứng thứ 7 (với 79 ca/100 ngàn dân). TS-BS Trần Ngọc Hữu cho rằng: “Bệnh TCM còn một đỉnh dịch nữa trong thời gian tới - từ tháng 9 đến tháng 11. Do vậy, những ngày tới, tình hình còn phức tạp”.
Bên cạnh TCM, tính đến nay, cả nước đã xảy ra hơn 31.000 người mắc bệnh SXH, với 27 trường hợp bị tử vong. |
Ghi nhận về tình hình bệnh TCM tại TP.HCM năm nay của bác sĩ Phạm Việt Thanh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho thấy số mắc TCM tại TP đã lên đến 7.352 ca, 22 trường hợp tử vong. 3 quận có số mắc cao nhất là Q.8 (với 628 ca), kế đến là H.Bình Chánh (635 ca), Q.Bình Tân (634 ca). Nguy hiểm hơn, năm nay bệnh TCM diễn biến từ nhẹ đến nặng, từ độ 2A sang độ 3, 4 (nặng nhất) rất nhanh. Tại BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV, cho biết nhiều trẻ mắc TCM vào viện mới thấy tỉnh táo đó nhưng rơi vào nguy kịch rất nhanh, bình quân tính từ lúc nhập viện đến khi tử vong chưa đầy 2 ngày.
Tốn tiền tỉ mua hóa chất nhưng không hiệu quả
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn bức xúc khi phát biểu tại buổi làm việc: “Y tế các địa phương cho rằng 70-80% trẻ mắc bệnh TCM trong cộng đồng rồi đưa bệnh đến nhà trẻ, trường học. Vậy thì, y tế dự phòng các tỉnh phải tìm xem dịch bệnh từ đâu ra? Qua quá trình kiểm tra, chính tôi từng đến hộ gia đình có người tử vong do bệnh TCM, nhưng hóa chất Cloramin được phát họ để đó không sử dụng, lãng phí!”. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng việc mua hóa chất Cloramin B tốn tiền tỉ, nhưng chưa hiệu quả trong phòng chống dịch, nhiều hộ gia đình được phát Cloramin không sử dụng.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, TP.HCM cho rằng quan trọng nhất hiện nay là cần tập huấn chuyên sâu về điều trị TCM cho các bác sĩ, BV tuyến trước; các BV phải chuẩn bị đầy đủ những loại thuốc cần cho cấp cứu; máy giúp thở…, thì mới giảm tỷ lệ tử vong.
Thanh Tùng
Bình luận (0)