Bộ Y tế chờ địa phương công bố dịch!

16/08/2011 23:58 GMT+7

Dù Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định bệnh tay chân miệng đã thành dịch, nhưng Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cho rằng vẫn chưa thể công bố dịch vì phải chờ ít nhất 2 địa phương công bố dịch trước, theo đúng quy định!

Khám cho trẻ mắc tay chân miệng tại TP.HCM - ảnh: Diệp Đức Minh

Theo ông Trịnh Quân Huấn, từ đầu năm đến nay số mắc TCM đã là 32.000 ca, tử vong 81 ca, tăng hơn nhiều lần so với các năm trước.

Gần hết dịch mới có kinh phí

Ông có thể chỉ rõ hạn chế của phòng chống dịch?

 

Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn - ảnh: N.Thắng 

Mặc dù đã có quy định các địa phương dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho phòng chống dịch nhưng hầu như chưa đạt được. Thêm nữa, phòng dịch phải là chủ động từ lúc chưa có dịch xảy ra vẫn chưa được chú trọng. Chỉ khi có dịch thì mới có kinh phí cho chống dịch. Nhưng nhiều khi hoàn thành các thủ tục đến gần hết dịch thì kinh phí chống dịch mới có.

Ngoài ra, cũng cần nói thêm là cần có sự hợp tác của cộng đồng. Cụ thể, với dịch TCM, người lớn nhiều khi chưa ý thức đầy đủ về vai trò vệ sinh cá nhân cho bản thân và con em để giúp con em tránh bị nhiễm bệnh. Vì TCM là bệnh lây qua đường phân - miệng, nghĩa là yếu tố vệ sinh rất quan trọng. Mà ở trẻ nhỏ thì việc này lại phụ thuộc vào ý thức, thói quen của người lớn.

Ngay cả việc cấp hóa chất khử khuẩn Chloramin B cũng là một vấn đề. Có khi hóa chất cấp thì lại bị bỏ quên chứ không được người dân sử dụng. Tất nhiên cũng phải nhìn nhận việc người dân chưa mặn mà với các biện pháp phòng dịch còn do công tác hướng dẫn, truyền thông chưa tốt nên người dân chưa thấy hết sự nguy hiểm của dịch, sự cần thiết của các biện pháp vệ sinh để có thói quen tốt cho phòng dịch. Ngoài ra, cần giúp cộng đồng có kiến thức để đưa con em đến điều trị sớm. Vì nếu phát hiện sớm độ 1, 2 ngày có thể hướng dẫn theo dõi, chăm sóc tại nhà nhưng nếu không thực hiện tốt thì chuyển sang giai đoạn nặng hơn rất nhanh chóng.

Nhiều ý kiến cho rằng việc chậm trễ công bố dịch cũng khiến cho người dân chủ quan, thậm chí đó cũng là sự chủ quan của những người có trách nhiệm do chưa thấy hết nguy hiểm của dịch. Đó cũng là nguyên nhân khiến phòng chống dịch chưa hiệu quả. Ông nghĩ sao về nhận xét này?

Đúng là việc công bố dịch sẽ giúp huy động, tập trung nguồn lực cho chống dịch đồng thời cũng giúp cho cộng đồng ý thức hơn về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Tuy nhiên, việc công bố dịch cần dựa trên các quy định.

TCM chắc chắn còn nguy cơ lây lan. Thậm chí dự báo 2012 sẽ có các ổ bệnh lớn nếu không có các hoạt động phòng dịch sớm trước mùa hè

Theo quyết định của Thủ tướng, việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm được thực hiện khi có đủ hai điều kiện: có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố. Ngoài ra có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ: quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

Như vậy, các địa phương cần xem xét quy định này để công bố dịch trong điều kiện phù hợp chứ không nên né tránh.

Lãnh đạo Sở Y tế chịu trách nhiệm

Còn Bộ Y tế là cơ quan chuyên môn, vì sao Bộ lại không chủ động công bố dịch?

Tại địa phương cơ quan y tế có vai trò tham mưu, đề xuất lên lãnh đạo tỉnh trong việc công bố dịch. Còn Bộ Y tế sẽ công bố trên toàn quốc trong trường hợp có từ 2 tỉnh trở lên công bố dịch.

Với cấp độ cao hơn, sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp khi dịch lây lan trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội đất nước. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải công khai, chính xác kịp thời và đúng thẩm quyền. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước sẽ ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Nhưng thời gian qua Bộ Y tế cũng đã cử các đoàn đi giám sát các địa phương trong công tác phòng chống bệnh TCM, vì vậy việc chậm công bố dịch không thể nói chỉ do địa phương…

Thực tế kiểm tra vừa qua cho thấy việc phòng chống dịch TCM tại một số địa phương chưa quyết liệt, truyền thông đến cộng đồng chưa đầy đủ, việc này đã được nhắc nhở, chỉ đạo ngay tại các buổi làm việc với y tế địa phương và bằng các văn bản cụ thể. Nhưng các hoạt động này phải trực tiếp do lãnh đạo Sở Y tế nắm tình hình, chịu trách nhiệm, trên cơ sở thực tiễn sẽ báo cáo lên chủ tịch UBND tỉnh là người ra quyết định công bố dịch.

Hiện tại công bố dịch toàn quốc vẫn phải theo đúng quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và quy định của Thủ tướng Chính phủ. Ngay trong tuần này, Bộ Y tế sẽ trình Thủ tướng ký công điện khẩn gửi các tỉnh thành trong triển khai công tác phòng chống dịch TCM. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng sớm có chỉ thị về vấn đề này.

Dịch TCM sẽ còn tăng trong thời gian tới nên sẽ yêu cầu các địa phương phát động các chiến dịch chống dịch với các thông điệp ngắn, gọn dễ hiểu. TCM chắc chắn còn nguy cơ lây lan. Thậm chí dự báo năm 2012 sẽ có các ổ bệnh lớn nếu không có các hoạt động phòng dịch sớm trước mùa hè. Khi đó, cường độ dịch, tính chất dịch sẽ thay đổi và không loại trừ sẽ bùng lên ở các đối tượng khác ngoài các ca bệnh là trẻ em như hiện nay.

Xem lại việc hướng dẫn phòng dịch

Về hóa chất diệt khuẩn trong phòng chống bệnh, nhất là bệnh TCM hiện nay, TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho rằng: “Cloramin B vẫn là hóa chất chính yếu, được Nhà nước phát miễn phí cho người dân để phòng chống bệnh. Loại hóa chất này vẫn có công dụng, mặc dù có mùi khó chịu.

Bên cạnh đó, hiện nay trên thị trường còn có một số chất diệt khuẩn khác do các công ty bán, người dân có nhu cầu, có điều kiện thì mua sử dụng, cách thức pha chế, sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong đó, có một loại sản phẩm của Pháp là Surfanios do một công ty trong nước phân phối, công ty này đồng ý cung cấp với dạng ký gửi, nên Sở Y tế chấp thuận để cho công ty phân phối đến người dân qua hệ thống y tế.

Tại các trạm y tế, những người dân có nhu cầu, có điều kiện có thể mua Surfanios với giá gần 8.000 đồng/gói pha cho 8 lít nước để lau nhà, đồ dùng... Ai không có nhu cầu, có điều kiện thì nhận Cloramin B miễn phí”.

Giá mỗi kg hóa chất Cloramin B gần 100 ngàn đồng. Từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã mua dự trữ 50 tấn Cloramin B (gần 5 tỉ đồng). Qua quá trình cấp phát cho người dân đến nay cũng đã gần hết, TP đang chuẩn bị mua thêm tiếp Cloramin B.

Một số tỉnh khác như Bình Dương, theo báo cáo của ngành y tế tỉnh này với Bộ Y tế hôm 14.8, tỉnh đã dành 10 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch TCM (trong đó có cả tiền mua hóa chất Cloramin B). Còn báo cáo của Sở Y tế TP.HCM cho biết TP đã dành 20 tỉ đồng cho việc phòng chống dịch bệnh TCM (bao gồm tiền mua hóa chất, thuốc men, phương tiện điều trị).

Rõ ràng chi phí cho việc mua hóa chất Cloramin B là không nhỏ. Nhưng theo một bác sĩ điều trị bệnh nhiễm ở TP.HCM: “Cần hướng dẫn rõ ràng cho người dân sử dụng Cloramin B, đồng thời có sự giám sát, đánh giá hiệu quả sau khi cấp phát hóa chất. Vì nếu không được hướng dẫn rõ ràng, sau khi nhận hóa chất Cloramin B người dân sẽ không sử dụng, hoặc sử dụng, pha chế không đúng thì sẽ không đem lại kết quả”.

Cần khẩn cấp công bố dịch

Nhiều bác sĩ tại TP.HCM cho rằng con số hơn 32 ngàn người mắc bệnh TCM trên cả nước mà ngành y thông báo là con số bệnh nhân nhập viện. Riêng số mắc TCM đến khám, chữa trị ngoại trú rất nhiều, cơ quan chức năng không thống kê. Bình quân, số nhập viện chỉ chiếm 10% trong số ca mắc bệnh đến khám tại các cơ sở y tế. Điều đó cho thấy, số mắc TCM thực tế trong dân cao hơn rất nhiều so với con số 32 ngàn ca.

Với thực trạng này, việc công bố dịch là cần thiết và khẩn cấp. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM), cho rằng khi công bố dịch sẽ có rất nhiều thuận lợi cho công tác phòng, chống bệnh, như khi đó không chỉ ngành y tế mà cả chính quyền địa phương, các ban ngành cũng cùng ngành y tế chống dịch; người dân sẽ có ý thức trong phòng bệnh hơn; UBND các tỉnh, thành mạnh hơn trong việc duyệt kinh phí cho phòng chống dịch để đầu tư trang thiết bị, dụng cụ, thuốc men; những quốc gia, hay các tổ chức y tế nước ngoài có cơ sở giúp chúng ta về chuyên môn, hỗ trợ xét nghiệm, hóa chất hay phương án chống dịch; bên cạnh đó nhân viên y tế làm công tác phòng chống dịch cũng có chế độ chính thống...

Thanh Tùng

Liên Châu (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.