Tàu sân bay Trung Quốc lại gây quan ngại

16/08/2011 23:20 GMT+7

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang có những động thái chuẩn bị cho các hoạt động sắp tới của tàu sân bay đầu tiên.

Vào giữa tháng 8, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thực hiện một cuộc diễn tập hỗ trợ sự di chuyển khẩn cấp của tàu ngầm, theo tờ PLA Daily ngày 16.8. Cuộc tập trận diễn ra tại cảng quân sự của một căn cứ tàu ngầm thuộc Hạm đội Bắc Hải, vốn có trung tâm chỉ huy tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. PLA Daily không nói rõ vị trí diễn tập cũng như số lượng tàu ngầm hay binh sĩ tham gia. Tuy nhiên, tờ báo dẫn lời một chỉ huy của căn cứ trên tự tin nói: “Trong cuộc diễn tập lần này, số nhân sự giảm 20% và thời gian luyện tập được rút ngắn 30% so với trước đó, nhưng khả năng hỗ trợ khẩn cấp tăng đáng kể”. PLA Daily còn khoe: “Căn cứ này có khả năng hỗ trợ hiệu quả và đáng tin cậy trong thời chiến… Nếu bến tàu bị phá hủy, đơn vị hỗ trợ của cảng quân sự có thể dùng nhiều thiết bị di động để tiếp liệu cho tàu ngầm”.

 
Trực thăng thuộc đội hỗ trợ tàu sân bay luyện tập - Ảnh: Mil.cnr.cn

Trước đó, vào ngày 13.8, trực thăng thuộc đội hỗ trợ tàu sân bay Trung Quốc đã luyện tập bay suốt đêm dưới sự chỉ huy của Phó tham mưu trưởng Quản Kiện Quốc của Hạm đội Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông). Theo trang tin quân sự Mil.cnr.cn, trực thăng bay cao chừng 100m và bay vòng quanh một con tàu để phát hiện những dấu hiệu bất thường xung quanh.

Trung Quốc phóng vệ tinh hàng hải

Vào ngày 16.8, tên lửa Trường Chinh 4B mang vệ tinh hàng hải Hải Dương 2 được bắn lên không trung tại Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên, Trung Quốc. Theo Tân Hoa xã, đây là vệ tinh do thám môi trường động lực đại dương đầu tiên của nước này. Theo tuyên bố của giới chức Bắc Kinh, nhiệm vụ chính của Hải Dương 2 là cảnh báo thiên tai, giám sát và báo động khi “quyền lợi biển bị xâm hại” cũng như cung cấp thông tin nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học. Cục trưởng Cục Hải dương Trung Quốc Tôn Chí Huy nói việc phát triển vệ tinh hải dương là nhu cầu cấp thiết đối với nước này trong việc phát triển kinh tế hàng hải, duy trì và bảo vệ quyền lợi trên biển.

Ngọc Bi

Các động thái trên của PLA có thể gây thêm quan ngại về mục tiêu thật sự trong chiến lược tàu sân bay của nước này. Trước đó, nhà nghiên cứu Lý Kiệt Thuyết của Học viện Nghiên cứu hải quân Trung Quốc nhận định tàu sân bay cần nhiều cơ sở ở các bến cảng để đảm bảo an toàn, cung cấp dịch vụ và hỗ trợ khẩn cấp khi cần, không chỉ cho bản thân tàu mà còn các tàu hộ tống như tàu ngầm.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã trở về cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh vào ngày 14.8, kết thúc đợt thử nghiệm kéo dài 5 ngày. Đến ngày 16.8, Nhật báo Phương Nam ở Quảng Đông dẫn một nguồn tin quân sự cho hay tàu này sẽ được đưa vào hoạt động ở biển Đông trước ngày thành lập PLA (1.8) năm tới và nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Quân ủy trung ương. Tờ báo dẫn lời chuyên gia quân sự Kiều Lương cho rằng tàu sân bay sẽ nâng cao khả năng chiến đấu toàn diện trên biển của Trung Quốc. Những thông tin này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố trước đây của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh rằng tàu sân bay sẽ được dùng cho mục đích huấn luyện và nghiên cứu khoa học. Chưa kể nếu thật sự Trung Quốc cho tàu sân bay hoạt động ở biển Đông thì chỉ làm tình hình tranh chấp chủ quyền ở đây thêm phức tạp và căng thẳng. Đó là lý do nhiều bên như Mỹ, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc đã bày tỏ lo ngại và kêu gọi Trung Quốc nói rõ mục đích sử dụng tàu sân bay.

“Chỉ là biểu tượng”

Mặt khác, ngày 16.8, nhà báo Đức sống tại Đài Loan là Jens Kastner đánh giá trên trang Asia Times là tàu sân bay Trung Quốc hiện chưa hiện hữu khả năng tác chiến. Trong thực tế, tàu sân bay Trung Quốc là một biểu tượng không hơn không kém vì cần nhiều thời gian để hoàn thiện đội hộ tống, hỗ trợ, theo nhà báo Kastner. Ngoài ra, thiết kế tàu sân bay Trung Quốc cũng không thể mang theo các loại máy bay do thám tầm xa để thiết lập “hàng rào an ninh”, nên khó phát hiện tấn công từ xa. Gần đây, nhiều chuyên gia cũng có đánh giá tương tự về tàu sân bay Trung Quốc.

Giáo sư chính trị quốc tế Thái Minh Yến của Đại học Trung Hưng (Đài Loan) thì cho rằng Trung Quốc giới thiệu tàu sân bay vào thời điểm này nhằm tạo dấu ấn thành tựu nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1.7) và ngày thành lập PLA (1.8).

Nga triển lãm máy bay tàng hình

Nga dự kiến cho máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên của nước này là Sukhoi T-50 biểu diễn trong một cuộc triển lãm quân sự vào ngày 16.8 (giờ địa phương), theo RIA Novosti. T-50 bay thử nghiệm lần đầu tiên tại căn cứ ở vùng Viễn Đông hồi tháng 1.2010.

 
Máy bay T-50 bay thử nghiệm hồi tháng 1.2010 - Ảnh:Ausairpower.net

Đây là sản phẩm của dự án hợp tác trị giá 6 tỉ USD giữa Nga và Ấn Độ. Trước đó, truyền thông Nga đưa tin một chiếc T-50 có giá không hơn 100 triệu USD. Theo Tân Hoa xã, Nga đã bắt đầu cho các đối tác đặt hàng mua T-50 với lo ngại Trung Quốc sắp tung ra mẫu máy bay tàng hình J-20. Lâu nay, các tập đoàn vũ khí Nga rất bực bội trước việc khí tài quân sự của Trung Quốc đang ăn khách dù chúng thường xuyên bị cáo buộc là nhái mẫu và công nghệ của Nga. 

Văn Khoa - Ngọc Bi

Văn Khoa - Ngô Minh Trí - Ngọc Bi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.