>> Kỳ 13: Đặt dấu mốc 1909: Quá muộn!
Vùng này sau đó bị bỏ qua cho đến chuyến thám sát của tàu Pháp de Lanessan thực hiện trong khu vực biển của đảo Trường Sa. Tàu này quan tâm nhiều tới việc xác định chính xác các điều kiện hàng hải đi qua khu vực này nằm trên con đường thẳng từ Sài Gòn đi Manila (Philippines).
Tháng 12.1927, ông Kurosawa, Tổng lãnh sự Nhật tại Hà Nội, có hỏi Toàn quyền Đông Dương về quy chế lãnh thổ của đảo Trường Sa và các đảo khác. Ngoài ra, các kết quả quan trắc được của tàu de Lanessan cũng kéo theo sự chú ý của công ty phốt phát mới của Bắc Kỳ, công ty này đã gửi cho Thống đốc Nam Kỳ ngày 19.10.1928 một bản tuyên bố về việc nghiên cứu mỏ tại Trường Sa. Các sự kiện này đã đưa nước Pháp đến xem xét lại số phận các đảo nổi, mà theo họ là vô chủ (res nullius) cho tới ngày mà họ chiếm hữu chính thức.
|
Chiến dịch chiếm hữu đảo Trường Sa bằng tàu Malicieuse được đề nghị vào tháng 10.1929 đã bị hoãn lại do điều kiện khí hậu không thuận lợi. Cuối cùng nó cũng có thể đã được thực hiện vào ngày 13.4.1930.
Ba năm sau, bằng thông báo đăng trong Công báo ngày 26.7.1933, Pháp thông báo cho các cường quốc ý định mở rộng chủ quyền của họ ra tất cả các đảo nhỏ và đá nằm giữa vĩ tuyến 7 và 12 độ bắc và nằm ở phía tây của vùng tam giác Mỹ xung quanh quần đảo Philippines, được trù định trong hiệp ước ngày 10.12.1898.
Ngày 21.12.1933, bằng Nghị định N4762-CP, Thống đốc Nam Kỳ J.Krautheimer đã sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Đối với Pháp, việc chiếm hữu các đảo không phải dựa trên các danh nghĩa lịch sử của An Nam như trong trường hợp của quần đảo Hoàng Sa mà là trên sự kiện đây là một lãnh thổ vô chủ (res nullius). Việc các tàu Pháp chiếm các đảo này có bản chất là nước Pháp thực hiện việc thụ đắc chủ quyền nếu không có một quốc gia nào vào hoàn cảnh đó xác lập được rằng họ đã thụ đắc từ trước và họ đã bảo tồn chủ quyền đó trên các đảo.
Hành động của Pháp tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa sẽ là không có giá trị nếu TQ đã từng có một danh nghĩa đã được thiết lập. Nhưng khác với trường hợp của quần đảo Hoàng Sa, đã không có một biểu hiện nào về mặt vật chất lẫn ý định từ phía Chính phủ TQ trên các đảo trước khi Pháp chiếm đóng. Về mặt hình thức, báo cáo chính phủ phát hành tại Quảng Châu năm 1928 đã tuyên bố rằng điểm mút tận cùng của lãnh thổ TQ về phía nam được xác định là Tây Sa (tức Hoàng Sa, Paracel). Không có một lời nào về Trường Sa (Spratly) [1].
Hơn nữa, trong quan hệ Pháp - Việt, các đảo Trường Sa không được coi là lãnh thổ vô chủ (res nullius) nếu ta tính đến đòi hỏi của VN dựa trên danh nghĩa lịch sử. Đội Bắc Hải hằng năm đã tiến hành các hoạt động dưới sự kiêm quản của Đội Hoàng Sa trong vùng biển này, dù rằng hoạt động này đã bị suy yếu nhiều từ năm 1852 do việc vua An Nam phải bận tâm nhiều tới việc bảo vệ các tỉnh lục địa chống lại sự chiếm đóng của Pháp hơn là các đảo ngoài khơi xa bờ biển Nam Kỳ.
Cuộc tranh cãi pháp lý các đảo Trường Sa có lẽ sẽ trở nên phức tạp thêm nếu Pháp bảo lưu quyền trên các đảo này cho chính họ. Nhưng trên thực tế VN đã trở thành bên kế thừa Pháp đối với quần đảo Trường Sa. Hiệp ước Vịnh Hạ Long ký tháng 3.1949 đã chuyển giao cho quốc gia VN chủ quyền của Pháp trên Nam Kỳ, trong đó Trường Sa là một bộ phận.
TS Nguyễn Hồng Thao
[1] R.Halleir - Trost, Sđd, tr. 39.
Bình luận (0)