Đó là một “người hùng” của nông dân miền Tây, được bà con gọi trìu mến là “người nông dân số 1 miền Tây”.
Kỳ tích từ 8 hột lúa
Nông dân Hai Chung (thứ hai bên trái) nhận bằng khen “chuyên gia nông nghiệp” từ Tổng thống Philippines F.Marcos (1985) |
Nông dân như Hai Chung thì khó tìm lắm! |
||
Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
||
Ngay từ trước giải phóng, Hai Chung được nông dân trong vùng nể nang do trồng lúa giỏi. Cùng một giống lúa, nhưng cánh đồng của ông luôn cho năng suất vượt trội. Do vậy, ông được trường ĐH Cần Thơ mời đến chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của người nông dân trong việc đồng áng cho các sinh viên. Trong một lần như thế, nhà nông học Võ Tòng Xuân đã trao cho ông chiếc phong bì, bên trong có… 8 hột lúa giống IR36. “Đó là những hột giống IR36 cuối cùng, bởi số giống trước đây ĐH Cần Thơ phân bổ cho các tỉnh đã không còn giữ được sau trận lụt lớn. Đối với nông dân như tôi, được cho giống tốt là quý hơn cả cho hột xoàn nữa”, ông nói.
Ông Hai Chung bên quyển sổ lưu niệm của khách tới nhà - Ảnh: Tiến Trình |
Bây giờ, khi ĐBSCL trở thành vựa gạo lớn của thế giới, người ta vẫn không thể quên hình ảnh ông Hai Chung vất vả nhân giống kháng rầy rồi mang đi cho không, giúp nông dân trong vùng thoát cảnh ngặt nghèo. Sau “công trạng” giải nguy khỏi nạn rầy nâu, giống lúa IR36 được “Việt hóa” bằng cái tên Nông nghiệp A3.
Nông dân “mẫu”
Nuôi heo cũng giỏi Sau khi được ông Sáu Dân tặng cho cặp heo quý, Hai Chung bắt đầu chú tâm phát triển đàn heo và đến nay, trại heo của ông trở thành một trong những nơi cung cấp giống lớn nhất ĐBSCL. Năm 2009, dịch heo tai xanh hoành hành dữ dội, khiến nhiều nông dân quanh vùng rơi vào cảnh trắng tay. Vậy mà trại heo nhà Hai Chung dù nằm trong rốn dịch, vẫn bình yên vô sự. Một lần nữa, phương pháp “né” dịch của Hai Chung được mọi người “soi” rất kỹ. Hai Chung không giấu giếm “bí quyết” của mình, ai tới học hỏi kinh nghiệm đều được ông tận tình chỉ dẫn. |
Nhưng có một người khách đặc biệt mà cho tới giờ ông vẫn nhớ như in. Đó là ông Sáu Dân (tức Võ Văn Kiệt, lúc đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM). Ông Sáu Dân đã ở lại cùng Hai Chung ngồi lai rai rượu đế, nói chuyện đồng áng rồi cùng nhau giăng mùng trên bộ ván ngủ. Sáng dậy, ông hỏi mua lúa giống, nhưng ông Hai Chung không bán mà xúc tặng 3 giạ. Ông Sáu Dân hỏi: “Ông mần lúa hay quá, sao không chăn nuôi?”. Hai Chung nói do bận lo chuyện giúp bà con đối phó với rầy nâu nên chưa kịp tính. Vậy rồi 3 ngày sau, ông Hai Chung vô cùng ngạc nhiên khi thấy mấy cán bộ ngành nông nghiệp TP.HCM chở xuống cho ông cặp heo, nói của ông Sáu Dân tặng, khiến ông vô cùng xúc động.
Ít lâu sau, ông Sáu Dân cho xe xuống nhà đón Hai Chung lên TP.HCM truyền đạt kinh nghiệm trồng lúa cho cán bộ và nông dân trên đó. Trong suốt 3 tuần lễ, Hai Chung dẫn nhóm nông dân này đi khắp các cánh đồng của ngoại thành TP.HCM để hướng dẫn. Những lúc tranh thủ được thời gian, ông Sáu Dân cũng xắn quần lội ruộng cấy lúa như bao nông dân khác.
Bằng những việc làm cụ thể và cả tấm lòng, Hai Chung trở thành cầu nối hiệu quả nhất giữa nhà khoa học với nông dân. Ngược lại, từ lâu ông cũng là “giảng viên chân đất” cho nhiều sinh viên, kể cả cán bộ nông nghiệp bằng chính thực tiễn trên đồng đất của mình. Trong số họ, có những người giờ là cán bộ lãnh đạo ngành nông nghiệp, lãnh đạo tỉnh.
Năm 1985, ông là nông dân Việt Nam đầu tiên được Tổng thống Philippines F.Marcos tặng bằng khen “chuyên gia nông nghiệp” do những đóng góp ở góc độ một nông dân cho cây lúa.
Tiến Trình
>> Kỳ 2: “Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn
Bình luận (0)