Khai thác chuyên nghiệp hơn tiềm năng
Thống kê từ ngành du lịch Cà Mau, năm 2010, toàn tỉnh đón 760.000 khách du lịch, trong đó có 14.600 khách quốc tế. Đối với một tỉnh vùng xa phải tốn nhiều thời gian di chuyển để đến nơi thì con số trên cũng tạo nên ít nhiều lạc quan. Tuy nhiên, với vùng đất có nhiều tiềm năng du lịch như Cà Mau thì vẫn chưa thể hài lòng. Bởi ngoài những yếu tố hấp dẫn từ thiên nhiên, Cà Mau vẫn chưa thuyết phục du khách bằng dấu ấn từ cách làm du lịch chuyên nghiệp của mình.
|
Tỉnh Cà Mau đã quyết tâm vực dậy du lịch của mình từ hai sự kiện lớn để quảng bá và thoát khỏi thế đơn độc, tạo bộ mặt mới cho du lịch tỉnh nhà. Đó là: Sự kiện khu rừng ngập và vùng ven biển Cà Mau được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; sự kiện Diễn đàn hợp tác phát triển khu vực ĐBSCL (MDEC) mà Cà Mau là địa phương đăng cai nhiều sự kiện quan trọng, trong đó đề cao vai trò liên kết. Du lịch là lĩnh vực được tỉnh ưu tiên khi đặt vào thế liên kết vùng và liên kết với các trung tâm của cả nước. Ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Cà Mau cho biết: Tỉnh đang tiến hành các bước quy hoạch khai thác du lịch, trên cơ sở đó vạch ra các dự án mời gọi đầu tư. Trong đó, ngoài thế mạnh là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ thống rừng ngập nổi tiếng (chỉ sau rừng ngập Amazone ở Nam Mỹ) với nhiều địa danh có đời sống thiên nhiên hấp dẫn như: Vườn quốc gia U Minh Hạ, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, công viên văn hóa Mũi Cà Mau thì cồn Ông Trang và Đầm Thị Tường cũng được đưa vào kêu gọi đầu tư khai thác nét đẹp vùng đầm trũng độc nhất vô nhị này...
Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm thông tin và quảng bá du lịch tỉnh Cà Mau cho rằng, với cách nhìn của người làm du lịch chuyên nghiệp thì Cà Mau có nhiều điều kiện hấp dẫn để phát triển mạnh du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Ông Dũng cho một ví dụ đơn giản từ mấy ngày khảo sát tour của mình: tuyến sông Cửa Lớn - Ông Trang có thể bán tour câu cá trên sông, đặc biệt với mùa cá dứa ăn trái mắm; tour ngắn bắt cá ven bờ, lướt ván bắt sò, tham quan các trang trại nuôi nghêu ở vùng bãi bồi Mũi Cà Mau; hay dịch vụ trải nghiệm đời sống dân rừng U Minh Hạ... Ông Dũng nói: “Cà Mau còn rất nhiều sản phẩm du lịch được tạo ra từ thiên nhiên hào sảng, cái thiếu là cách tổ chức làm du lịch chuyên nghiệp và hiện đại”.
|
Đặt mình trong thế liên kết
Điều quan trọng còn lại là sự phối hợp giữa các địa phương, các đơn vị làm du lịch ngoài tỉnh. Những nhà hoạch định chính sách cũng như người làm du lịch các tỉnh đã thấy rõ tầm quan trọng của sự liên kết lại với nhau trong nhiều lĩnh vực, trong đó du lịch là lĩnh vực vô cùng cần thiết. Sự liên kết để tạo nên các tour - tuyến phong phú hơn trên cơ sở thế mạnh du lịch của từng địa phương. Ông Mai Hữu Chinh cho biết, tại diễn đàn hợp tác phát triển ĐBSCL, vấn đề liên kết du lịch các địa phương là một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu. Nếu Cần Thơ có thế mạnh sông nước, cây trái miệt vườn, Kiên Giang có thế mạnh du lịch biển đảo, Cà Mau có thế mạnh hệ sinh thái rừng ngập...thì vấn đề là làm sao liên kết các điểm này với nhau để tạo nên ưu thế chung của vùng, tăng tính hấp dẫn cho du khách. Chẳng hạn, du khách có thể thăm thú vườn trái cây ở Cần Thơ rồi xuống Cà Mau trải nghiệm cuộc sống của hệ sinh thái rừng ngập, đặt chân lên mũi đất cực nam của tổ quốc trước khi bay ra Phú Quốc tận hưởng bãi biển đẹp nhất thế giới và các dịch vụ cao cấp tại đảo du lịch này. Để làm được điều này, ngành du lịch Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang phải ngồi lại với nhau.
Cà Mau rất sẵn sàng “ngồi lại với nhau” cùng các tỉnh thành khác; đồng thời quyết tâm nâng cấp toàn diện, làm mới các dịch vụ du lịch của mình. Thậm chí, tỉnh đã làm lại từ bước quy hoạch phát triển du lịch, nghĩa là chấp nhận “cài đặt” lại hệ thống du lịch của mình. Tất cả bắt nguồn từ nguồn cảm xúc mới.
Tiến Trình
Bình luận (0)