Lao động ngoại tỉnh bị bắt chẹt - Kỳ 4: Một "cò" lao động có... 52 giấy CMND!

18/08/2011 00:09 GMT+7

Từ phản ánh của Báo Thanh Niên, công an các địa phương có bến xe (BX) đóng đã vào cuộc kiểm tra, điểm mặt những cá nhân có dấu hiệu giăng “bẫy” người lao động (LĐ).

>> Kỳ 3: “Luật giam” CMND 

9 giờ 30 phút ngày 13.8, Công an P.An Lạc, Q.Bình Tân (TP.HCM) đã phục kích “cò” Hưng ngay tại quán nước mía nằm trong chợ An Lạc. Khám xét nhanh trong người Hưng, thu giữ 52 CMND và 1 sổ hộ khẩu mang tên người khác. Đỗ Quốc Hân (tên gọi khác là Hưng, SN 1977, trú tại KP.6, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân) khai nhận, trước đây từng là nhân viên một trung tâm giới thiệu việc làm tại Q.11.

 
52 giấy CMND của người khác bị Hưng thu giữ - Ảnh: Công Nguyên

Thời gian gần đây, Hưng tự tách riêng, in danh thiếp đến BX Miền Tây và các cơ sở sản xuất, quán cà phê… để chào mời. Mỗi lần xe ôm dụ được “con mồi” chở tới, Hưng sẽ chi cho 150 ngàn đồng/người. Sau đó, Hưng đưa người LĐ tới nơi làm việc, được chủ trả 300 ngàn đồng/người.

Người LĐ nào đã từng đưa CMND cho cò Hưng để tìm việc tại khu vực BX Miền Tây, xin liên hệ với Công an P.An Lạc (ĐT: 08.37523749) gặp anh Thế để nhận lại giấy tờ.

Tại cơ quan công an, Hưng thừa nhận mình giới thiệu việc làm không phép, giữ CMND của người khác là để giúp họ tìm việc (!?). Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, những CMND mà Hưng giữ là của LĐ sau khi được giới thiệu vào làm tại nơi nào đó, vì công việc quá nặng nhọc, không có tiền trả cho chủ nên đã trốn và bỏ lại CMND. Chủ cơ sở sẽ gửi CMND đó lại để Hưng “đền bù” LĐ khác. Nếu người LĐ tới đòi lại CMND thì phải đóng tiền chuộc cho Hưng. Theo điều tra của chúng tôi, Hưng còn có một người em trai tên Quân cũng hoạt động môi giới việc làm tại BX An Sương (Q.12) và các địa bàn lân cận.

Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài Lao động ngoại tỉnh bị bắt chẹt, ban quản lý BX Miền Đông, Công an P.26, Q.Bình Thạnh đã mời xe ôm Bảy (tên thật là L.T.T, từng chở PV đi tìm việc làm và sau đó trấn lột tiền) lên làm việc. T. khai nhận sự việc đúng như báo đã phản ánh. T. còn cho biết thêm, mình biết đến Công ty giới thiệu việc làm KPH (đường 3/2, Q.11) khoảng 1 năm rưỡi nay qua tờ rơi mà nhân viên của công ty xuống tận nơi quảng cáo.

T. khẳng định, nhiều người hành nghề xe ôm tại BX Miền Đông, khi có LĐ cần tìm việc đều chở lên Công ty KPH; cứ chở một người lên (nếu chịu làm) công ty sẽ chi lại cho 200 ngàn đồng.

Trước đó, ngày 23.7, Công an P.Trung Mỹ Tây đã có báo cáo đề xuất gửi Công an Q.12 về việc xử phạt hành chính 3 đối tượng gồm Phạm Ngọc Hà (SN 1989, Q.12, TP.HCM), Nguyễn Ngọc Chiến (SN 1992, Dĩ An, Bình Dương) và Lê Văn Quang (SN 1991, Thanh Hóa). Từ trình báo của Ngô Văn Sỹ và Huỳnh Văn Hải (ngụ Kiên Giang) về việc bị một số đối tượng dùng vũ lực ép phải đưa tiền sau khi hai anh liên hệ qua điện thoại để kiếm việc làm, Công an P.Trung Mỹ Tây đã điều tra và bắt 3 đối tượng trên. Các đối tượng khai nhận, được một người đàn ông tên Tuấn thuê dán giấy tuyển LĐ, và dắt người có nhu cầu tới địa điểm trên để đồng bọn thực hiện hành vi lừa đảo.

Nạn nhân ít đến công an trình báo

Bà Nguyễn Thị Thanh Dung - Phó giám đốc BX Miền Đông cho biết: “Đa phần những đối tượng dụ dỗ, lôi kéo người LĐ là những xe ôm không thuộc sự quản lý của BX. Riêng BX hằng ngày vẫn phát trên loa, tuyên truyền cho các nhà xe, hành khách biết về những phương thức, thủ đoạn của các “cò” việc làm... Hành khách bị lừa nên đến phòng bảo vệ hoặc điện vào số đường dây nóng 08.38984441 của BX sẽ có người hỗ trợ”.

Còn theo Trưởng công an P.An Lạc, trung tá Huỳnh Văn Phượng: “Đa phần nạn nhân sau khi bị lừa đều không đến cơ quan công an tố cáo. Công an phường luôn nhắc nhở, giáo dục ý thức cho xe ôm, kêu gọi không được dụ dỗ, lôi kéo người có nhu cầu tìm việc cũng như giữ gìn an ninh trong bến. Nếu ai vi phạm sẽ xử lý mạnh. Hiện tại, trong BX có phòng giới thiệu việc làm do UBND phường phối hợp với Thành Đoàn tổ chức. LĐ nào có nhu cầu tìm việc hãy đến liên hệ”.

Bác Nguyễn Văn Tài, người có thâm niên chạy xe ôm hơn 10 năm tại BX Miền Đông, hiện là đội trưởng đội xe ôm tự quản khuyến cáo: “LĐ có nhu cầu tìm việc, khi tới BX Miền Đông thì chớ nên nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của “cò” việc làm hoặc các xe ôm không mặc đồng phục của bến”.

Vi phạm pháp luật

Hành vi chở người đến nơi vắng rồi dùng vũ lực uy hiếp để trấn lột tài sản là đã cấu thành tội cướp tài sản được quy định tại Bộ luật Hình sự.

Việc tự ý giữ CMND người khác để ép họ LĐ là vi phạm pháp luật. Theo quy định, chỉ người có thẩm quyền đang thi hành công vụ mới được giữ CMND của công dân trong một số trường hợp. Nếu một cá nhân, công ty cố tình giữ CMND thì người LĐ có quyền khiếu nại ra công an phường, xã để được giải quyết.

Theo quy định của pháp luật LĐ, người LĐ và người sử dụng LĐ có quyền thỏa thuận làm thêm giờ nhưng không quá 4 giờ một ngày và 200 giờ trong một năm, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 300 giờ trong một năm. Người LĐ làm thêm giờ được trả lương theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm như sau: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; Vào ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%, nếu làm thêm giờ vào ban đêm thì còn được trả thêm 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm vào ban ngày. Như vậy, việc buộc người LĐ làm việc 12 tiếng/ngày với mức lương 1,8 triệu đồng/tháng, tăng ca 5.000 đồng/giờ là vi phạm pháp luật LĐ.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM)

Công Nguyên - Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.