Đức Tả quân Lê Văn Duyệt là bậc khai quốc công thần, là vị tướng giỏi phò chúa Nguyễn Ánh vạn dặm trường chinh từ khi chúa Nguyễn còn gian nan bôn tẩu cho đến lúc lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long.
Tả quân Lê Văn Duyệt giữ chức Tổng trấn Gia Định hai lần, lần thứ nhất trong những năm 1813-1816 và lần hai từ năm 1820 cho đến lúc qua đời. Sự phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội, văn hóa và quân sự của đất Gia Định trải dài từ Bình Thuận tới Cà Mau, Hà Tiên sách sử đã ghi nhận. Tài năng, công đức của Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt được người dân Nam Bộ hết lòng tôn kính. Ông mất năm 1832 nhưng chỉ hai năm sau thì “đất bằng dậy sóng”.
|
Năm 1835, vụ nổi dậy chống lại triều đình của con nuôi Lê Văn Duyệt là Phó vệ úy Lê Văn Khôi kết thúc đẫm máu. Hàng ngàn sinh linh bị vua Minh Mạng ra lệnh xử chém, tạo nên ngôi mả Ngụy trên đất Phiên An. Lê Văn Duyệt dù đã chết cũng không tránh khỏi liên lụy. Sau khi các quan đại thần dâng biểu nghị án, vua Minh Mạng ra chỉ dụ:
“Tội Lê Văn Duyệt nhổ từng cái tóc mà kể cũng không hết, nói ra đau lòng, dù có bổ quan quách mà giết thây cũng là đáng tội. Song nghĩ hắn chết đã lâu, và đã truy đoạt quan tước, xương khô trong mả không bõ gia hình. Vậy cho Tổng đốc Gia Định đến chỗ mả hắn, san làm đất phẳng và khắc đá dựng bia ở trên khắc những chữ "Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xử", để chính tội danh cho kẻ đã chết mà tỏ phép nước về đời sau, làm gương cho kẻ quyền gian muôn đời". Thế người nằm dưới mồ bị kết án 7 tội trảm, 2 tội xử giảo, 1 tội phát quân, cho san bằng và xiềng mộ.
Nhưng Tả quân Lê Văn Duyệt phạm tội gì mà mộ ông bị san bằng và cắm bia “sỉ nhục”; những phẩm hàm của ông, của thân sinh ông bị tước, bia mộ bị đục xóa, điền ruộng bị tịch thu, nhà thờ họ tộc tại làng Bồ Đề, H.Mộ Đức, Quảng Ngãi (Tổ quán họ Lê Văn) bị voi của quan quân Quảng Ngãi về tàn phá, và thảm kịch mấy mươi người là con cháu của ông bị xử trảm hàng loạt tại kinh thành Huế năm 1838?
Nguyên nhân vì: khi vua Gia Long lập di chiếu truyền ngôi báu, Lê Văn Duyệt đã phản đối việc vua bỏ dòng trưởng (của Hoàng tử Cảnh, chết năm 22 tuổi) để lập dòng thứ (Nguyễn Phúc Đảm tức vua Minh Mạng). Dù vua Gia Long không nghe theo nhưng Lê Văn Duyệt là vị khai quốc công thần hết sức tài giỏi và trung thành, nên vua vẫn tin cậy trao phó trách nhiệm phò tân quân (Minh Mạng). Do Lê Văn Duyệt có công dẹp giặc, an dân, mở mang đất nước giàu có, cường thịnh nhất là vùng Đồng Nai - Cửu Long (tức Gia Định, Nam Kỳ lục tỉnh)..., nên khi chính thức lên ngôi vua - dù không vừa lòng - Minh Mạng cũng phải đối xử cho đúng với công lao của ông. Nhưng sau khi Lê Văn Duyệt qua đời (1832), những người có trách nhiệm tại Gia Định như Bạch Xuân Nguyên, Nguyễn Văn Quế... đã đối xử bất công với những người thân tín của ông, khiến Lê Văn Khôi nổi loạn chiếm thành Gia Định. Lê Văn Duyệt tuy đã chết cũng bị đem ra xét xử và bị buộc vào tội “phản nghịch” như Lê Văn Khôi. Các quan muốn làm đẹp lòng vua, hùa nhau buộc tội Lê Văn Duyệt với những lời lẽ có vẻ cường điệu, vu khống như “Lê Văn Duyệt đã gọi mồ mả cha mẹ mình là “lăng”, nói với người khác thì xưng là “cô”, giải thích chức Tổng trấn như là Phó vương... toàn những tội phạm thượng, phản nghịch, bất trung phải bị chém đầu! (Lăng chỉ mồ mả của bậc đế vương; Mộ chỉ mồ mả của bề tôi; Cô gia hay Trẫm là tiếng vua tự xưng). Cũng như gán cho Lê Văn Duyệt là người “lạm dụng quyền thế” đã dùng quyền “tiền trảm, hậu tấu” để chém đầu Huỳnh Công Lý (cha một sủng phi của vua Minh Mạng) trước, rồi mới làm tờ trình về tội trạng gửi lên vua sau... Bi kịch họ Lê Văn quả thật hãi hùng!
Việc vua Minh Mạng xét xử Lê Văn Duyệt bất công đến nỗi chính con của ông là vua Thiệu Trị (1841, khi mới lên ngôi) đã ra lệnh đại xá cho Lê Văn Duyệt và cháu của Minh Mạng là vua Tự Đức (1848, khi mới lên ngôi) đã phục hồi quan tước, gia ơn cho con cháu các công thần nhà Nguyễn, trong đó có Tả quân Lê Văn Duyệt. Vua Tự Đức xem sớ cảm động ra chỉ dụ giải oan cho Tả quân và trả lại tước vị, phẩm hàm ngày trước đã ban cho ông và song thân ông. Quan làng Long Hưng, tỉnh Định Tường tìm ra Lê Văn Niên, con bà Lê Thị Hổ là cháu gọi Tả quân bằng cậu, trả lại 32 mẫu ruộng làm hương hỏa thờ phụng song thân Tả quân. Lại đón Lê Văn Thi là con cụ Lê Văn Dược, cháu nội Tả dinh Đô thống chế Lê Văn Phong, về cùng hương chức làng Bình Hòa xây nơi thờ tự Tả quân. Từ đó đến nay, Đền thờ Tả quân (lăng Ông) sau nhiều lần trùng tu và mở rộng, đã trở thành khu lăng mộ cổ kính và uy nghi tọa lạc ngay cạnh chợ Bà Chiểu, TP.HCM.
Chánh thất phu nhân của ông là bà Đỗ Thị Phẩn không bị kết tội. Sau ngày Tả quân qua đời, bà đã vào tu trong một ngôi chùa rồi mất ở đó, được an táng bên cạnh mộ Tả quân. Mộ song táng của Tả quân Lê Văn Duyệt và Chánh thất phu nhân Đỗ Thị Phẩn được đắp cao, xây lại đàng hoàng với tường thành kiên cố xung quanh. Trải qua hàng trăm năm, mưa nắng đã tạo nhiều vết rêu phong cổ kính trên khu mộ; nhưng bi kịch họ tộc Lê Văn vẫn không phai nhòa trong lòng người dân Gia Định.
Diệp Hồng Phương - Hà Đình Nguyên
Bình luận (0)