Singapore lo băng tan, đường biển thoáng

22/08/2011 10:10 GMT+7

(TNTS) Những khối băng Bắc cực tan nhanh chưa từng thấy, mở ra tuyến hải hành phương bắc rút ngắn khoảng cách Á - u, đe dọa tuyến đường truyền thống chạy ngang Singapore.

Tham vọng của Nga

Từ nhiều thế kỷ qua, những nhà thám hiểm lẫn dân buôn đều mơ ước có ngày chuyến hải hành từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương được rút ngắn lại, bằng cách xuyên qua miền Bắc cực theo hải trình Đông Bắc. Hành trình từ cảng Rotterdam của Hà Lan hay một hải cảng nào đó ở bắc u đến cảng Yokomaha của Nhật Bản hoặc cảng Hàn Quốc nếu vượt qua Bắc Băng Dương chỉ bằng 2/3 tuyến đường xuyên qua Ấn Độ Dương ở phía nam. Ngặt nỗi, Bắc Băng Dương quanh năm băng giá, nhân loại đành phải chọn cách lênh đênh trên biển 32 ngày trong hải trình 11.000 hải lí xuyên qua kênh đào Suez và eo biển Malacca, thay vì chỉ 23 ngày vượt 7.700 hải lí xuyên eo Bering.

 
Mỗi ngày có hơn 200 tàu hàng đi qua eo Malacca và nhiều tàu trong số đó bốc dỡ hàng tại Cảng Singapore - Ảnh: Thục Minh

Nhưng nay, ước mơ đó có nhiều triển vọng thành sự thật trong bối cảnh thế giới đang lo ngại hậu quả của biến đổi khí hậu. Theo số liệu khí tượng ghi chép của thế giới, sau "mùa hè đổ lửa" 2010, năm nóng thứ 3 kể từ năm 1936, lượng băng ở Bắc cực tan chảy nhiều hơn trung bình đến 56%. Bình thường vào mùa đông, băng tuyết Bắc cực phủ kín một diện tích 14-15 triệu km2; sang cuối mùa hè vào giữa tháng 9, diện tích phủ băng còn lại chừng 7 triệu km2. Nhưng từ năm 2007 đến nay, mức phủ băng vào giữa tháng 9 chỉ còn từ 4,5-5 triệu km2. Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia của Mỹ hôm 18.7.2011 cảnh báo: "Băng đang tan nhanh trong vòng nửa đầu tháng 7 vừa qua và vượt qua mức tan kỷ lục của năm 2007". Tại thời điểm này, còn đến gần 6 tuần nữa mới hết mùa băng tan, nhưng diện tích phủ băng chỉ còn 6,8 triệu km2, báo The Vancouver Sun đưa tin hôm 3.8.

Sự tan băng bất thường ở Bắc cực khiến thế giới lo ngại nhiều quốc gia và thành phố có thể biến chìm vào lòng biển, nhưng đồng thời cũng mở cửa hải trình Đông Bắc mà người Nga hằng ấp ủ. Chuyên gia dự báo thời tiết hàng đầu của Nga Alexander Frolov hồi năm ngoái đã nhận định: "Nếu tốc độ tan băng hiện tại vẫn cứ tiếp tục, thì đến năm 2050, Bắc Băng Dương sẽ không có một mẩu băng nào vào mùa hè". Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã lên kế hoạch tái thiết lại tuyến đường Bắc cực nối thành phố Arkhangelsk nằm gần Phần Lan với eo biển Bering, được thiết lập năm 1932 vì mục đích quân sự, để biến nó thành hải trình Đông Bắc có thể vận hành thương mại quanh năm. Tuyến Bắc cực hiện vẫn đang được sử dụng, từ tháng 7 - 11 hàng năm, dưới sự hỗ trợ của các tàu phá băng.

Năm 2009, hai tàu hàng của Đức đã thành công trong chuyến đi thương mại đầu tiên trên hải trình Đông Bắc. Tàu MV "Beluga Fraternity" và MV "Beluga Foresight" rời cảng Vladivostok gần biên giới 3 nước Nga, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên ngày 21.8,  đến thành phố Ulsan của Hàn Quốc nhận hàng, sau đó đi ngược lên phía bắc. Ngày 7.9, tàu cập cảng Novy ở phía tây bắc nước Nga để bốc dỡ hàng, rồi đi tiếp đến Rotterdam mà không gặp bất cứ một sự cố nào do băng tuyết gây ra.

 
Hải trình Đông Bắc (màu xanh) xuyên qua Bắc Băng Dương chỉ bằng 1/3 hải trình phương nam truyền thống qua eo Malacca (đỏ)

Thành công của tập đoàn Beluga đã tiếp thêm sức mạnh cho tham vọng của Thủ tướng Putin. Công việc tái thiết và mở mang tuyến Bắc cực đã được bắt đầu bằng việc người Nga đưa tàu ra chạy thử. Bất chấp chi phí phá băng rất cao, tập đoàn tàu thủy quốc gia Sovcomflot trong năm nay đã vận chuyển khí nén đi qua đây, đánh dấu tham vọng kiểm soát vùng giàu năng lượng này của Kremlin. Hồi tháng trước, tập đoàn phân bón lớn nhất nước Eurochem cũng vận tải 44.000 tấn quặng sắt tinh chế sang Trung Quốc theo tuyến đường này. Giám đốc hậu cần của Eurochem Igor Nechaev cho biết công ty dự tính nâng tần suất chạy tàu lên mỗi tháng.

Hãng tin Reuters cho hay Nga cũng vừa công bố kế hoạch xây dựng 40 bệ tiếp nhận dầu và 55 tàu chở dầu không bị phủ tuyết vào mùa đông, 14 cảng trung chuyển khí đốt ngoài khơi, và 20 tàu vận tải khí đốt trong thời gian tới.

Singapore lo ngại

Nằm ở cực nam bán đảo Malay, Singapore chắn ngay vị trí hẹp nhất của eo Malacca, một phần trong tuyến hải trình phương nam truyền thống nối châu u với các nền kinh tế lớn nhất châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mỗi ngày, có trên 200 tàu hàng đi ngang eo biển này, mang theo 1/3 hàng hóa thương mại của cả thế giới, chưa kể trên dưới 300 tàu hành khách, tàu du lịch… Khoảng 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc và Nhật Bản từ Trung Đông đi xuyên qua đây. Theo tính toán, mật độ lưu thông qua eo Malacca cao hơn qua kênh đào Suez đến 6 lần. Với vị trí án ngữ, cộng với cảng container lớn nhất nhì thế giới, Singapore hưởng lợi lớn từ tuyến hải hành này.

Vì thế, kế hoạch hiện thực hóa hải trình Đông Bắc của Nga khiến Singapore lo lắng. Bởi không chỉ xa hơn, hải trình phương nam qua eo Malacca còn luôn bị đe dọa bởi nạn cướp biển. Gần đây, bất ổn tại Trung Đông cũng khiến các hãng tàu biển muốn né tuyến đường băng qua Ấn Độ Dương này. Báo Straits Times ngày 5.8 trích lời các chuyên gia Singapore bày tỏ quan ngại rằng các hãng tàu biển có thể thôi không đi ngang eo Malacca nữa.

Theo chuyên gia hàng hải Joshua Ho tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, hiện nay Nga thu phí 200.000 USD cho mỗi tàu phá băng của mình tháp tùng tàu hàng vượt Bắc Băng Dương. Nga hiện có 9 tàu phá băng chạy bằng điện nguyên tử như thế.

Ngoài các vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc xử lý băng tuyết mà người Nga tự tin có thể chinh phục được, vấn đề còn lại là con số 200.000 USD tiền phá băng cho mỗi chuyến vượt biển. Các hãng tàu sẽ cân nhắc giữa chi phí này với việc rút ngắn 1/3 hải trình cộng mức giảm chi phí nhiên liệu chạy tàu và lượng khí thải CO2 mà họ phải mua quota để vận hành. "Hải trình Đông Bắc có thể tồn tại nhờ hiệu quả thương mại hay không tùy thuộc rất nhiều vào việc Nga có chịu giảm phí phá băng hay không", ông Ho kết luận.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.