Ông Phu My trong vườn ươm dừa sáp - Ảnh: Ngọc Vinh
|
Khôi phục giống dừa quý
Huyện Cầu Kè được xem là “thánh địa” của cây dừa sáp. Dừa sáp được trồng ở hầu hết các xã trong huyện, nhưng tập trung nhiều nhất là ở xã Hòa Tân. Theo nhiều người dân địa phương, đây là loại dừa hoang dã, có nguồn gốc từ Philippines.
Trong một chuyến đi Campuchia, có một vị sư cả ở huyện này được người dân nước bạn cho giống về trồng, phát triển đến bây giờ. Nhìn bề ngoài, cây và trái dừa sáp không khác gì cây dừa ta từ màu sắc đến kích cỡ. Điểm khác biệt là phần cơm dừa. Cơm dừa sáp dày, xốp, có mùi thơm đặc trưng. Do giá bán dao động từ 80-100 ngàn đồng/trái, cao gấp nhiều lần dừa thường, nên trồng dừa sáp mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi hecta thu hoạch bình quân từ 80-100 triệu đồng/năm.
Trước đây, gia đình ông Phu My sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng và làm vườn, thu nhập giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn. Thấy cây dừa sáp dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao nên ông nảy sinh ý định ươm giống bán cho bà con trồng, tăng thu nhập gia đình. Năm 2004, ông gom hết số dừa sáp có sẵn trong nhà mang ra ươm thử. “Khi dừa mới nẩy mầm, người dân xung quanh kéo đến mua hết sạch, vui lắm”, ông My nói.
Từ đó, nhà ông Phu My trở thành điểm bán dừa sáp giống uy tín ở Cầu Kè. Do nhu cầu dừa giống của bà con ngày một nhiều, nên hằng ngày ông phải lặn lội khắp nơi để đi thu gom dừa khô về ươm bán. Đến năm 2006, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu phát triển cây dừa sáp ở Hòa Tân. Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu TP.HCM phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh thực hiện dự án ươm bảo tồn giống dừa sáp trên địa bàn H.Cầu Kè. Dự án này hỗ trợ, đầu tư 100% cho nông dân triển khai ở xã Hòa n, Hòa Tân và thị trấn Cầu Kè với diện tích lên đến 6 ha. Ông Phu My đã được chọn hỗ trợ giống cung cấp cho dự án.
Hiệu quả kinh tế cao
Ông Phu My cho biết, khi mới bắt tay vào ươm dừa, ông không biết dạt mặt trước khi ươm nên khiến cho trái lâu đâm chồi, không biết xịt thuốc phòng trừ bọ cánh cứng... Dần dà, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc ươm dừa. Chẳng hạn, khi cây ra khoảng 2-3 lá thì phải dùng xơ dừa trộn với phân chuồng, trấu mục đặt vô bầu để cho cây phát triển nhanh, đồng thời tránh sự hạn chế phát triển của bộ rễ non. Mặt khác, dừa sáp có một đặc điểm là trong một buồng, tỷ lệ trái cho sáp chỉ chiếm khoảng 25-30% nên muốn ươm được giống tốt, phải chọn trái khô từ những cây giống bố mẹ có độ tuổi ít nhất từ 15 năm trở lên. “Cây dừa lâu năm thì khả năng đậu trái cao, trái sai. Riêng đối với dừa sáp, cây lâu năm sẽ cho sáp ổn định, trong khi những cây ít tuổi tình trạng trái cho sáp trồi sụt, lấy làm giống sau này cho trái không đạt chất lượng”, ông Phu My lý giải.
Theo ông Phu My, do dừa sáp nước có vị ngọt nhiều nên thường bị côn trùng cắn phá, bởi vậy muốn chọn giống cần phải thu hoạch sớm. Sau đó, đem dừa về phơi nắng từ 15-25 ngày (tùy theo mùa mưa hay mùa nắng), rồi bắt đầu dạt cạnh mặt bên trái của trái khoảng 6 cm, đặt xuống rãnh đất, hằng ngày phải tưới nước để cho trái lên mộng. Khi trái đã lên mộng đâm chồi cần phải thường xuyên chăm sóc, phun thuốc trừ bọ cánh cứng. “Do mỗi buồng tỷ lệ cho trái sáp rất thấp, nhiều buồng không có trái sáp nên sau khi bẻ cần phải “sơ tuyển” bằng cách cầm quả dừa lên lắc nghe tiếng thanh, nước hơi kẹo thì lấy làm giống”, ông Phu My lưu ý.
Ngọc Vinh
Bình luận (0)