Tài xế taxi “cướp” của khách hàng

19/08/2011 00:01 GMT+7

Từ hàng ngàn phản ánh của nạn nhân về việc bị tài xế taxi lấy mất tài sản, cơ quan công an vào cuộc và lật tẩy nhiều vụ “cướp” trắng trợn...

Cố tình chiếm đoạt

Sáng sớm một ngày cuối năm 2010, bà Liêu Thị Kim Thoa và chồng (người Úc) ở chung cư Hoàng Anh Gia Lai 3 (Nhà Bè) gọi taxi đi sân bay Tân Sơn Nhất. Khi đến sân bay, vợ chồng bà Thoa xuống taxi đi lấy xe đẩy thì tài xế cũng vội vã xách những bịch đồ của khách xuống xe. Thanh toán tiền xong, lúc xếp đồ vào xe đẩy bà Thoa phát hiện thiếu một túi đồ thì chiếc taxi đã phóng như ma đuổi ra khỏi sân bay. Trong túi đồ bị quên, ngoài tài sản giá trị còn có toàn bộ giấy tờ tùy thân nên bà Thoa liên lạc để tìm tài xế nhưng không kết quả, bởi khi gọi xe bà quên không để ý là hãng taxi nào. Không có giấy tờ làm thủ tục, vợ chồng bà phải lỡ chuyến bay về Úc và làm đơn gửi Cục CSHS, cơ quan thường trực phía Nam.

 

Minh họa: DAD

Sàng lọc hàng chục hãng taxi có xe hoạt động ở gần nơi nạn nhân cư ngụ, trinh sát Cục CSHS “chấm” một chiếc xe taxi mang logo của hãng Vinasun đón một cặp vợ chồng phóng ra từ chung cư lúc 5 giờ sáng. Tài xế sau đó được xác định tên Lục Văn Tèo. Thế nhưng, khi được mời về cơ quan công an, Tèo phủ nhận toàn bộ vụ việc.

Vụ việc tưởng đi vào ngõ cụt thì 3 ngày sau, bà Thoa nhận được điện thoại của một người đàn ông cho biết toàn bộ giấy tờ mà bà bị mất đang ở một địa điểm gần với chung cư. Qua xác minh, trinh sát tìm được người gọi cho bà Thoa là một tài xế cũng của hãng Vinasun. Lập tức, tài xế này được mời về trụ sở để đấu tranh, nhưng anh ta khai nhận được thông tin từ một sim điện thoại khuyến mãi nhờ báo giùm cho nạn nhân ra nhận giấy tờ bị mất, chứ không hề biết nội dung vụ việc. Lập tức, số điện thoại nghi vấn bị “khoanh vùng”. Sau đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an xác định số điện thoại do Tý, chủ một tiệm cầm đồ, sử dụng. Làm việc với công an, lúc đầu Tý quanh co, nhưng sau đó thừa nhận người anh em bạn rể là Tèo nhờ nhắn giùm thông tin đến tài xế taxi nói trên. Do Tèo dặn không để ai biết người nhắn, Tý đi mua sim khuyến mãi gọi cho tài xế taxi của hãng Vinasun và nhờ người này thông báo nạn nhân Thoa đến điểm hẹn lấy giấy tờ. Có đủ chứng cứ, Tèo phải cúi đầu thừa nhận đã cố tình “bỏ quên” một túi đồ của khách để chiếm đoạt...

Một cán bộ Cục CSHS cho biết, chỉ một hãng taxi lớn trên địa bàn đã có gần 2.000 vụ báo mất tài sản của khách trong vòng hơn 1 tháng, hầu hết tài sản bị mất có giá trị tiền triệu trở lên

Khách quên thì... chiếm luôn!

Một trường hợp khác, bà Ngô Thúy Anh, Việt kiều Mỹ, đầu năm 2011 về nước có gọi taxi của hãng Petrolimex do Mai Khắc Đức lái từ sân bay về chợ Bình Long (Q.Bình Tân) với giá 200 ngàn đồng. Khi tới nơi, bà Anh trả tiền và bồi dưỡng thêm cho Đức 2 USD. Xuống xe vài phút, bà Anh phát hiện bỏ quên bóp trên xe, trong đó có hơn một ngàn USD, 5 thẻ tín dụng và một số giấy tờ quan trọng khác, nhưng Đức đã đánh xe chuồn mất. Bà Anh vội thông báo cho tổng đài biết vụ việc. Được tổng đài thông báo việc hành khách phản ánh, Đức trả lời không có chiếc bóp nào của khách bỏ quên và anh ta đang đưa khách đi Vũng Tàu. Bà Anh đành phải báo an ninh sân bay (ANSB). Đức được ANSB mời về làm việc, nhưng vẫn không thừa nhận nên vụ việc được chuyển đến Cục CSHS.

Những chứng cứ trinh sát thu thập được xác định ngay sau khi bà Anh xuống xe, Đức chỉ lái xe đưa khách tới ngã ba Vũng Tàu rồi quay về chứ không đi đâu nữa. Khi về tới sân bay, Đức đưa một đồng nghiệp giữ 400 USD rồi lên làm việc với ANSB cho đến khi cán bộ công an đến. Trước những chứng cứ này, Đức đành khai nhận toàn bộ vụ việc và nộp lại cho cơ quan điều tra chiếc bóp của bà Anh cùng toàn bộ tài sản, giấy tờ quan trọng...

 

Tài xế Mai Khắc Đức cùng tang vật - Ảnh: Hoài Nam

Hành vi nhỏ, ảnh hưởng lớn

Hai vụ trên chỉ là điển hình trong rất nhiều vụ tài xế taxi “cướp” tài sản của hành khách bị cơ quan chức năng lật tẩy. Tuy vậy, số vụ bị phanh phui cũng chỉ rất nhỏ so với số vụ khách bị chiếm đoạt tài sản phản ánh đến cơ quan chức năng, hãng xe. Một cán bộ Cục CSHS cho biết chỉ một hãng taxi lớn trên địa bàn đã có gần 2.000 vụ báo mất tài sản của khách trong vòng hơn 1 tháng, hầu hết tài sản bị mất có giá trị tiền triệu trở lên.

Điều đáng lưu ý là có rất nhiều vụ tài xế taxi chiếm đoạt tài sản của hành khách từ sân bay về trung tâm, trong đó có không ít nhà đầu tư, du khách nước ngoài... đến VN. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, mà còn làm xấu đi hình ảnh của đất nước, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và du lịch...

Trung tá Nguyễn Tiến Nghĩa, Phó trưởng phòng 3 Cục CSHS, cho biết: "Xuất phát từ tình hình tội phạm ở các cảng hàng không gia tăng, ngày 26.10.2010 Cục CSHS và Cục Hàng không VN ký kết quy chế phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm hình sự, đảm bảo an ninh trật tự tại các cảng hàng không và sân bay. Trong đó, Phòng 3 được giao nhiệm vụ chuyên trách đấu tranh triệt phá tội phạm hình sự trên các tuyến giao thông”.

Cũng theo trung tá Nghĩa, qua thực tiễn điều tra phá án cho thấy, khi mất đồ nạn nhân báo về hãng xe hoặc ANSB và chỉ khi hai đơn vị này không giải quyết được, hồ sơ vụ việc mới được chuyển đến Cục CSHS. Lúc đó, vụ việc xảy ra quá lâu, tang vật vụ án không còn trong khi các đối tượng lại có quá nhiều kinh nghiệm đối phó nên tỷ lệ phá án thấp. “Để đấu tranh với loại tội phạm này, nạn nhân cần khẩn trương liên hệ để chúng tôi vào cuộc ngay từ ban đầu mới có hiệu quả", trung tá Nghĩa nói và cho biết số điện thoại báo tin là 06936830 hoặc địa chỉ Phòng 3, Cục CSHS - 258 Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM.

Từ trung tâm ra sân bay đồng hồ nhảy 400 km!

Cục CSHS vừa bàn giao Trần Minh Quốc, tài xế taxi cho Công an TP.HCM để xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo hồ sơ vụ việc, Công ty Mai Linh có đơn gửi Cục CSHS đề nghị làm rõ phản ánh của một khách nước ngoài về việc bị tài xế taxi của hãng chiếm đoạt 4 triệu đồng. Sau một thời gian điều tra, Cục CSHS làm rõ tài xế này có tên đầy đủ là Trần Minh Quốc, ngụ Q.4, là lái xe taxi “dù” nhưng thuê xe của HTX 27/7 sau đó dán logo của hãng Mai Linh để đón khách. Ngày 10.5, Quốc đón một nữ khách nước ngoài từ Q.1 ra sân bay Tân Sơn Nhất, mặc dù quãng đường chỉ 7 km nhưng Quốc đã bấm đồng hồ lên gần 400 km và bắt khách trả 4 triệu đồng. Tại cơ quan công an, Quốc nộp lại 4 triệu đồng và khai trước đó với thủ đoạn trên đã thực hiện 2 vụ trót lọt, chiếm đoạt của khách nước ngoài 8 triệu đồng.

Chấn chỉnh đạo đức tài xế taxi

Ông Đặng Hoàng Phương, Chủ tịch HĐTV Công ty CP taxi Sài Gòn Hoàng Long, cho biết mỗi khi hành khách phản ánh việc mất hành lý khi đi xe, công ty mời tài xế lên làm việc, giải thích, đối chất với khách hàng. Có những tài xế sau khi nghe phân tích thì đồng ý trả lại tài sản cho khách. Cũng có tài xế không thừa nhận, phải nhờ đến cơ quan công an thì tài xế mới chịu trả lại.

Còn theo ông Trương Quang Mẫn, Tổng giám đốc Công ty CP taxi Mai Linh, trước khi ký hợp đồng với tài xế, Mai Linh làm cam kết yêu cầu tài xế nhắc khách hàng kiểm tra hành lý trước khi xuống xe. Ngoài ra, Mai Linh còn lập riêng bộ phận chuyên tìm kiếm tài sản khách hàng bỏ quên trên xe.

Theo ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc Công ty taxi Vinasun, hiện Vinasun có 500-700 trường hợp tài xế trả lại tài sản cho khách mỗi tháng. Hằng tháng Vinasun đều mở lớp giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho lái xe.

Nhiều hãng taxi cho biết một khó khăn khác là do nhu cầu tài xế của các hãng rất lớn nên các tài xế đạo đức kém càng lờn mặt. Vì nếu bị đuổi việc, họ lập tức xin được việc ở hãng khác.

Nguyễn Đình Mười

Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.