Tiêu chảy do Rotavirus gây mất nước nghiêm trọng

19/08/2011 23:09 GMT+7

Chị Thanh Phương (Q.Tân Bình, TP.HCM) đưa con trai 2 tuổi đến bệnh viện trong tình trạng bé bị tiêu chảy nặng khiến cơ thể suy kiệt do mất nước nghiêm trọng. Bác sĩ chẩn đoán bé bị tiêu chảy cấp do Rotavirus, mất nước nặng và cần được truyền dịch ngay lập tức. Chị Phương tá hỏa, suýt nữa, bé đã bị nguy hiểm đến tính mạng.

 

Nguồn: gettyimages

Những biểu hiện khi nhiễm Rotavirus

Theo bác sĩ Hoàng Lê Phúc - Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 1, có nhiều tác nhân gây tiêu chảy khác nhau, mỗi tác nhân có thể có các biểu hiện riêng biệt, mức độ nặng khác nhau. Rotavirus sở dĩ nguy hiểm vì nó gây ra vừa tiêu chảy vừa nôn ói dữ dội cho đa số trẻ nhỏ. Thực tế, các chuyên khoa hoặc Bệnh viện Nhi đồng cũng tiếp nhận nhiều trẻ bị nhiễm Rotavirus trước 6 tháng tuổi, thậm chí mới 3 tháng tuổi. Tại Việt Nam, lứa tuổi thường gặp nhất là từ 3 - 17 tháng tuổi.

Khi bị nhiễm Rotavirus, trẻ sẽ bị sốt, buồn nôn và ói mửa dữ dội. Sau 12 - 24 giờ, sẽ xuất hiện triệu chứng tiêu chảy. Trẻ tiêu chảy phân lỏng, toàn nước, không có máu. Tiêu chảy có thể lên đến hơn 20 lần/ngày, nên khó có thể bù nước bằng đường uống dẫn đến mất nước và trẻ phải nhập viện để truyền dịch.

Thông thường bệnh kéo dài từ 3 đến 8 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 2 - 3 tuần, khiến trẻ bị sụt cân và suy dinh dưỡng nhanh chóng. Nếu trẻ bị ốm, bạn phải cho trẻ uống nhiều nước và ăn các thực phẩm dễ tiêu giúp tiêu hóa dễ dàng. Nếu trẻ còn bú sữa mẹ hoặc sử dụng sữa bột phải cho trẻ bú bình thường.

Tiêm vắc-xin sẽ ngừa hữu hiệu

Rotavirus có khả năng lây nhiễm rất cao - Nguồn: google.com

Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây viêm dạ dày ruột nặng ở trẻ em dưới 5 tuổi và ước tính có 610.000 trẻ tử vong hằng năm trên toàn thế giới. Siêu vi lây truyền chủ yếu qua phân, miệng và tay. Vi-rút được thải ra ngoài theo phân của bệnh nhi và tồn tại rất lâu trên bề mặt các đồ vật xung quanh trẻ như bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi, các vật dụng trong nhà. Trẻ dễ dàng bị nhiễm bệnh do uống hoặc ăn phải thức ăn, qua tiếp xúc với đồ vật và môi trường mang mầm bệnh.

Đặc biệt trẻ càng nhỏ tuổi, khả năng nhiễm bệnh càng cao và mắc bệnh càng nặng vì trẻ nhỏ có xu hướng hay ngậm và đưa tay lên miệng sau khi sờ chạm vào các vật dụng trên. Tuy nhiên, các biện pháp vệ sinh thông thường như rửa tay đúng cách, cung cấp nước sạch hay cải thiện vệ sinh môi trường không thể phòng ngừa hữu hiệu được bệnh do Rotarius.

Những nghiên cứu cho thấy cách tốt nhất để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi tiêu chảy do Rotavirus là chủng ngừa bằng vắc-xin. Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo nên chủng ngừa cho tất cả trẻ nhỏ để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

Phương Anh 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.